Mỹ kiên quyết không thay đổi, Nhật kêu gọi các nước thành viên TPP đoàn kết
Vì Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong nhóm 11 thành viên còn lại.
- 22-05-2017Người đàn ông này sẽ định hình chính sách thương mại của nước Mỹ
- 21-05-2017Đại diện thương mại Mỹ mang chính sách "Nước Mỹ trước tiên" đến Hà Nội
- 17-05-2017Mỹ, Trung Quốc, châu Á và tương lai khó đoán của bức tranh thương mại toàn cầu
Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết Nhật vẫn rất tiếc về quyết định rút khỏi Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ nhưng sẽ tập trung vào việc tăng cường sự đoàn kết giữa 11 thành viên còn lại để cứu lấy hiệp định này.
Cuối tuần trước, ông Seko đã có cuộc gặp với tân đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer bên lề hội nghị Bộ trưởng thương mại của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Hai bên đã nhất trí tiếp tục phát triển đối thoại kinh tế Mỹ - Nhật đã được các lãnh đạo cấp cao thông qua cách đây vài tháng.
Phát biểu công khai tại Hà Nội, ông Lighthizer đã tuyên bố Mỹ sẽ không thay đổi quan điểm về TPP, hiệp định sẽ bao phủ 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên ông Seko đã cố gắng thể hiện Nhật sẽ vượt qua điều này.
“Tất nhiên, Mỹ là 1 nền kinh tế lớn và rất không may khi 1 thị trường lớn như vậy sẽ đứng ngoài TPP. Dẫu vậy, đó là khi xét trên phương diện khả năng tiếp cận thị trường, và TPP không chỉ bó hẹp trong yếu tố đó. TPP là một hiệp định có những tiêu chuẩn cao và dựa trên luật lệ”, ông Seko nói.
Vì Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong nhóm.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy RCEP – một hiệp định thương mại gồm 16 nước châu Á (trong đó hai nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ). Tuy nhiên, theo ông Seko thì “không có hiệp định nào ngoài TPP có thể đi xa đến vậy trong lĩnh vực thương mại số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải cách thủ tục hải quan”.
“Kể cả không có Mỹ, đây vẫn là 1 hiệp định có chất lượng cao và cực kỳ giá trị”, ông bổ sung thêm.
Cũng theo ông, hiện tại chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe là “duy trì sự đoàn kết giữa 11 nước còn lại” và cho họ thấy giá trị của TPP dù không có Mỹ. Hồi tháng 11 năm ngoái, chính ông Abe nói rằng TPP mà không có Mỹ sẽ trở nên “vô nghĩa”.
Theo thông báo chung được tuyên bố hôm qua, các quốc gia thành viên TPP nhất trí khởi động quá trình đưa TPP vào hiệu lực. Bộ trưởng thương mại các nước sẽ yêu cầu các Trưởng đoàn xúc tiến chuẩn bị và báo cáo lại tại hội nghị APEC sẽ diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11 tới.
Các nước sẽ đánh giá làm thế nào để đưa hiệp định TPP vào thực thi sớm nhất có thể. Những nỗ lực này sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, củng cố hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc chung, thúc đẩy thương mại toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Seko cho biết cuộc gặp với ông Lighthizer dựa trên cơ sở những thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe sau cuộc gặp hồi tháng 2. Hai bên tập trung vào những thỏa thuận song phương. Đồng thời hai bên cũng có chung suy nghĩ về những hoạt động thương mại không công bằng của “bên thứ ba”, và đồng ý tăng cường hợp tác để chống lại mối đe dọa đó. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản không nêu tên cụ thể, nhưng trong quá khứ cả Nhật và Mỹ đều đã từng có căng thẳng với Trung Quốc.