MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ quay trở lại UNESCO với nhiều toan tính

12-07-2023 - 13:54 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ ngày 11/7 đã chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 194 của cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Vào Chủ nhật (ngày 9/7), Ngoại trưởng Antony Blinken đã gọi điện cho Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay để thông báo cho bà biết các tài liệu cần thiết cho việc Mỹ gia nhập UNESCO đã được ký kết và chuyển giao.

"Đây là một khoảnh khắc lịch sử," bà Azoulay đã tweet. "Tổ chức của chúng tôi hiện có 194 quốc gia thành viên và đang hướng tới sự toàn thể".

Mỹ thăng trầm tại UNESCO

Theo CBS News, UNESCO thường được người dân toàn cầu chú ý về việc xác định chính thức các Di sản Thế giới, những địa điểm như Công viên Quốc gia Yellowstone và các địa danh quốc tế như kim tự tháp của Ai Cập và Taj Mahal của Ấn Độ. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan này từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi chính trị ở Washington. Chính quyền Mỹ trong nhiều thập kỷ từng cho rằng cơ quan này có sự thiên vị.

Sau khi rời khỏi UNESCO dưới thời chính quyền Trump, Mỹ hiện đã quay trở lại và cùng với đó là các nguồn lực bổ sung để hỗ trợ công việc của cơ quan này.

Bà Azoulay đã nói rằng sự trở lại của Mỹ sẽ giúp cơ quan này hỗ trợ tốt hơn nữa cho mọi người trên khắp thế giới: học sinh và sinh viên, nhà nghiên cứu, học giả, nghệ sĩ, nhà giáo dục, nhà báo.

Mỹ quay trở lại UNESCO với nhiều toan tính - Ảnh 1.

Mỹ đã chính thức quay lại UNESCO. Ảnh: AP.

Hôm thứ Ba, một nhà ngoại giao của UNESCO thông tin với CBS News rằng Mỹ sẽ hỗ trợ tất cả các công việc của UNESCO, "nhưng họ cũng muốn hỗ trợ cụ thể (bằng đóng góp tự nguyện thêm ngoài phần đóng góp bắt buộc) cho công việc của chúng tôi nhằm thúc đẩy giáo dục ở Châu Phi, bảo vệ di sản ở Ukraine, cùng nhiều nội dung khác".

Và đây có thể là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của Mỹ tại UNESCO.

Tổng thống Ronald Reagan đã rút Mỹ khỏi UNESCO vào năm 1983. Năm 2002, George W. Bush đưa nước này trở lại. Năm 2011, Tổng thống Barack Obama phải tuân thủ luật ngừng tài trợ cho UNESCO sau khi các thành viên của cơ quan này bỏ phiếu thông qua tư cách thành viên của phái đoàn Palestine. Chính quyền Trump một lần nữa rút hoàn toàn Mỹ khỏi cơ quan này vào năm 2018 với cáo buộc thiên vị chống lại Israel.

Trong tuyên bố công bố ý định trở lại của Mỹ, UNESCO cho biết "Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh cách UNESCO trong những năm gần đây giải quyết những thách thức mới nổi, hiện đại hóa quản lý và giảm căng thẳng chính trị", đồng thời nói thêm rằng lãnh đạo của cơ quan, bà Azoulay, đã "dẫn dắt các cuộc hòa giải giúp giảm căng thẳng chính trị và tìm được sự đồng thuận về các chủ đề nhạy cảm nhất, chẳng hạn như ở Trung Đông".

Mục tiêu hỗ trợ cho một số nhiệm vụ cụ thể và gia tăng vị thế cạnh tranh

CBS News đánh giá, quyết định tái gia nhập UNESCO của chính quyền Biden dựa trên một số yếu tố, bao gồm cả việc Quốc hội Mỹ cấp quyền miễn trừ cần thiết để quốc gia này tiếp tục tài trợ cho UNESCO.

Đề xuất để Mỹ tái gia nhập UNESCO đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Quản lý và Tài nguyên Richard Verma đưa ra trong một bức thư gửi bà Azoulay. Theo đó, chính quyền Biden sẽ làm việc với Quốc hội để cung cấp 10 triệu USD tài trợ tự nguyện riêng "để hỗ trợ chương trình của UNESCO về vấn đề Do Thái, bảo tồn di sản văn hóa ở Ukraine và giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Châu Phi."

Mỹ cũng sẽ cung cấp khoản đóng góp cho thời gian còn lại của năm 2023 và chính quyền sẽ yêu cầu Quốc hội cấp 150 triệu USD vào năm 2024 để thanh toán hóa đơn và chi trả các khoản nợ của Mỹ tại tổ chức này. Mỹ sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi các khoản nợ được giải quyết hoàn toàn - ước tính là khoảng 600 triệu USD. Đề xuất của Mỹ vẫn phải được xác nhận tại cuộc họp Đại hội đồng tháng 7 của các thành viên UNESCO.

Yếu tố chính thứ hai đằng sau quyết định tái gia nhập UNESCO của chính quyền Biden đã được Thứ trưởng Ngoại giao John Bass giải thích vào tháng 3, khi ông nói rằng việc Mỹ chọn tái gia nhập là để giúp không lãng phí một chi phí cơ hội quan trọng, đó chính là sự vắng mặt của của Mỹ đang tạo thêm lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu".

"Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc trong cuộc cạnh tranh thời đại kỹ thuật số với Trung Quốc, theo quan điểm của tôi, với lợi ích rõ ràng, chúng ta không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn quan trọng thiết lập tiêu chuẩn giáo dục cho khoa học và công nghệ", ông Bass nói.

Richard Gowan, Giám đốc Liên Hợp Quốc phụ trách Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói với CBS News hôm thứ Ba: "Chính quyền Biden luôn nói rõ rằng họ nghi ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Nhóm của Biden tin rằng ông Trump đã để lại rất nhiều cơ hội cho Trung Quốc với thái độ chống Liên Hợp Quốc của ông ấy. Quyết định tái gia nhập UNESCO chỉ là minh chứng mới nhất về việc Mỹ quyết định rằng họ có thể làm nhiều hơn để cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách tích cực tham gia vào các tổ chức của Liên Hợp Quốc thay vì ngồi yên bên lề."

Theo An Bình

Tổ quốc

Trở lên trên