Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO: Tôi muốn gọi Hà Nội là thành phố có tâm hồn của những ngôi làng
Trước xu thế ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam sống và làm việc, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho rằng văn hóa chính là điểm thu hút mạnh mẽ nhất.
Làm việc ở Việt Nam từ cuối năm 2017, ấn tượng lớn nhất của ông với Việt Nam là gì?
Việt Nam là một đất nước rất đẹp với những con người vô cùng thân thiện. Dù sự thân thiện có thể được bắt gặp ở nhiều quốc gia nhưng người Việt Nam luôn rất cởi mở và chân thành với người nước ngoài. Họ muốn hiểu việc chúng tôi làm ở đất nước này cũng như cảm nhận của chúng tôi về ẩm thực của Việt Nam. Họ thực sự rất thân thiện, ấm áp và nồng hậu.
Từng trải qua 12 năm làm việc tại các quốc gia có xung đột, sự yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, quốc gia từng nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh, có tạo cho ông cảm nhận gì đặc biệt?
Việt Nam như là đại diện cho văn hóa về chiến thắng và hòa bình. Trải qua những cuộc chiến khốc liệt, Việt Nam đã giành được độc lập, tự do với những chiến thắng vang dội trên chiến trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bạn gần như không thể nhìn thấy những dấu tích của chiến tranh ở Việt Nam. Với những gì đang hiện hữu, bạn sẽ khó tưởng tượng được những giai đoạn lịch sử khốc liệt của Việt Nam, những thứ mới chỉ lùi xa không lâu.
Cách người Việt Nam sống với nhau cũng như cách các bạn đối xử với người nước ngoài khiến tôi cảm nhận rõ nhất văn hóa chiến thắng và hòa bình của Việt Nam.
Đây sẽ là cái Tết thứ 3 kể từ khi ông trở thành Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Ông cảm thấy Tết của người Việt Nam như thế nào?
Tết là một thời điểm rất đặc biệt ở Việt Nam. Trước Tết khoảng 1 tuần, không khí chào đón năm mới rất sôi động. Rất nhiều sự kiện diễn ra để chuẩn bị cho dịp lễ đặc biệt này. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài sẽ bất ngờ khi trong dịp Tết, bầu không khí ở thủ đô Hà Nội lại trở nên rất yên bình và vắng vẻ.
Tết giống như một cơ hội để mọi người có thể gác lại công việc, trở lại với những điều quan trọng trong cuộc sống như đoàn tụ gia đình, thực hiện các nghi lễ trang trọng với tổi tiên. Tôi hiểu rằng đây là những điều quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Tết, trong cái nhìn của tôi, giống như một dịp cả nước Việt Nam cùng hướng về tổ tiên và những giá trị của gia đình.
Ông có kế hoạch gì cho gia đình mình trong dịp Tết năm nay?
Tôi đi du lịch cùng gia đình. Chúng tôi sẽ tới Phú Quốc và tận hưởng kỳ nghỉ Tết ở đó.
Một số người nói rằng Việt Nam có quá nhiều lễ hội trong dịp Tết và điều này gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Ông đánh giá ra sao về quan điểm này?
Tôi không thấy có vấn đề gì với số lượng các lễ hội trong dịp Tết ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các lễ hội phải được tổ chức hiệu quả và tinh tế nhằm thúc đẩy sự đa dạng về văn hóa và các giá trị nhân văn của người Việt Nam.
Việc giới hạn số lượng các lễ hội là điều hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, hình thức các lễ hội nên được xem xét. Chúng ta có thể có nhiều lễ hội miễn là các lễ hội đó tôn trọng những nguyên tắc về văn hóa, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và đóng góp và sự phát triển của các di sản văn hóa đó.
Trong 2 năm 2018 và 2019, UNESCO tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động trong đó có "Đưa văn hóa trở thành trung tâm của sự phát triển". Ở Việt Nam, lĩnh vực này đã có những thành quả như thế nào?
Trong lĩnh vực này, thành tựu lớn nhất chính là sự gia tăng đối thoại giữa UNESCO và các cấp từ trung ương đến địa phương của Việt Nam để thúc đẩy câu chuyện và đối thoại chính sách về vai trò của bảo tồn và phát triển. Những trao đổi này đã góp phần làm gia tăng nhận thức trong việc việc đưa văn hóa trở thành trọng tâm và trở thành then chốt của mọi công cuộc phát triển.
Đầu tiên là thúc đẩy sự phát triển của văn hóa như một hình mẫu có sự ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác. Chúng ta cũng nói tới giá trị văn hóa của một sản phẩm. UNESCO nhấn mạnh hai yếu tố bảo tồn và phát triển đối với các di sản văn hóa. Bảo tồn nhằm giữ lại những giá trị cốt lõi còn phát triển nhằm đẩy cao giá trị của những giá trị đó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất phải là một sự phát triển bền vững.
Những nỗ lực của UNESCO đã được các cấp chính quyền của Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên chủ trì một hội nghị cấp quốc gia về bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Trong đó, Thủ tướng ghi nhận nhiều khuyến nghị của UNESCO và nhấn mạnh: "Chúng ta có thể xây dựng nhiều nhà máy nhưng không thể tạo nên được các di sản".
Sự kiện này góp phần thể hiện cam kết, đồng thuận của lãnh đạo cấp trung ương trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa gắn với chủ đề đặt văn hóa vào trung tâm của sự phát triển ở Việt Nam.
Năm 2020, UNESCO vẫn sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực này hay sẽ thay đổi sang lĩnh vực nào khác?
Các lĩnh vực này thể hiện chương trình nghị sự tham vọng của UNESCO, những tham vọng thực sự cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn này. Chúng tôi cũng không muốn có các dự án như những ngôi sao băng vụt tắt. Vì vậy các lĩnh vực này sẽ không thay đổi nhưng trọng tâm sẽ tiến xa hơn và sâu sắc hơn trong hành động.
Chúng tôi sẽ tiến hành đối thoại chính sách với nhiều đối tác hơn, song hành với các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Với chúng tôi, điều quan trọng nhất luôn luôn là gắn liền các chương trình nghị sự của mình với các ưu tiên của quốc gia.
Năm ngoái, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Tuy nhiên, UNESCO cũng đưa ra sáng kiến để Hà Nội tham gia vào mạng lưới "Thành phố sáng tạo". Vì sao UNESCO lại có sáng kiến này?
Sáng kiến này đến từ việc UNESCO làm việc với Thành phố Hà Nội trong dịp thủ đô kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình. Hà Nội thể hiện định hướng phát triển của mình trong tương lai dựa trên việc kế thừa và phát huy những nền tảng đạt được của một Thành phố vì hòa bình.
UNESCO nhận thấy những tiềm năng của Thành phố sáng tạo rất phù hợp với tầm nhìn về sự phát triển của Hà Nội. Về phần mình, Hà Nội cũng nhận thấy việc trở thành Thành phố sáng tạo sẽ là một nền tảng rất có ích để đóng góp vào lộ trình phát triển của thành phố. Nó cũng phù hợp với tầm nhìn của Hà Nội trong thế kỷ 21 nhằm hướng tới một thủ đô năng động, sáng tạo, trẻ trung và gắn kết.
2 thập kỷ qua, Hà Nội đã thực sự chứng minh cho thế giới thấy đây là thành phố vì hòa bình. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đầu năm 2019 một lần nữa nhấn mạnh điều đó. Với sáng kiến "Thành phố sáng tạo", ông kỳ vọng thủ đô của Việt Nam sẽ gặt hái được những thành tựu gì mới trong những thập niên tới?
Thanh phố vì hòa bình là một dấu ấn riêng của Hà Nội. Nó không chỉ nằm trên phương diện chính trị mà còn là sự hài hòa về mặt xã hội cùng với các hoạt động vì môi trường. Việc đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo được dựa trên sự kế thừa của Thành phố vì hòa bình, hướng tới tầm nhìn tương lai mà Hà Nội muốn trở thành trong thế kỷ 21. Nó cũng hỗ trợ sự phát triển văn hóa của thành phố và là nền tảng cho các đổi mới về kinh tế.
Không chỉ riêng thủ đô Hà Nội, Việt Nam đang ngày càng trở nên thu hút với người nước ngoài, cả khách du lịch cũng như những người tới sống và làm việc. Theo quan điểm của ông, sự thu hút này bắt nguồn từ đâu?
Câu trả lời ngắn gọn nhất là văn hóa. Văn hóa Việt Nam có bản sắc rất riêng và đặc sắc. Điều đó đem đến các trải nghiệm khiến người nước ngoài muốn đến Việt Nam để du lịch cũng như sinh sống. Việt Nam cũng có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách tới để tham quan và trải nghiệm.
Là một người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội, điều gì để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất?
Tôi muốn gọi Hà Nội là thành phố có tâm hồn của những ngôi làng. Mặc dù chúng ta sống ở thành phố lớn hơn 8 triệu người nhưng cách mọi người đối xử với nhau giống như những người trong cùng một ngôi làng có 200 người vậy. Những người nước ngoài đến Việt Nam cũng được hưởng cách đối đãi ấy. Đó là cảm giác rất đặc biệt không thể có ở các thành phố lớn khác.
Ông thấy mình chưa hài lòng với điều gì nhất khi sống và làm việc tại Việt Nam?
Khó khăn lớn nhất với những người nước ngoài như tôi khi sống ở Việt Nam chính là ô nhiễm. Ô nhiễm không khí và ô nhiễm nhựa ở Việt Nam chính là hậu quả tất yếu của phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Chính phủ đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này, điển hình là đối thoại với UNESCO hay Liên Hợp Quốc về các giải pháp phát triển bền vững. Đó cũng là những tín hiệu rất tích cực.
Một ngày nào đó, khi ông không còn sống hay làm việc tại Việt Nam nữa, ông nghĩ mình sẽ nhớ nhất điều gì ở đây?
Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của tôi. Con trai nhỏ của tôi lớn lên ở đây. Điều đó có Nghĩa là Việt Nam cũng là một phần quan trọng trong tuổi thơ, ký ức đầu đời của con trai tôi. Điều này lại càng làm Việt Nam trở nên đặc biệt đối với chúng tôi.
Ngoài ra, tôi có một câu chuyện ấn tượng khác liên quan đến Bài chòi ở Quảng Nam. Chính nơi đây làm tôi cảm thấy mình có sự kết nối đặc biệt với đất nước Việt Nam.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Amazing Vietnam
Xem tất cả >>- Chủ tịch CMG.ASIA Randy Dobson: Việt Nam là một thị trường tuyệt vời, nhưng cũng rất phức tạp!
- Người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt: “Việt Nam đủ ‘hợp tính hợp nết’ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại”
- “Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời”
- Food blogger 9X Hàn Quốc coi Việt Nam như quê hương thứ hai: Đồ ăn Việt món nào cũng ngon, lại còn tốt cho sức khỏe nữa!
- 9X Nhật quyết tâm làm rể Việt Nam: Học tiếng Quảng để nói chuyện với người thương và lời cảm ơn của cô giáo Mỹ vì được thấy một Việt Nam mới!