Việt Nam có thể được xếp vào nhóm thị trường mới nổi trong vòng 2 năm tới
Theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN, được thừa nhận vào nhóm thị trường mới nổi không thể kỳ vọng một sớm một chiều, song nếu 2 năm nữa thì có thể làm được.
Sáng nay (21/8), tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam – ViEF 2018 với chuyên đề "Thị trường vốn – Tài chính". Các diễn giả tại diễn đàn cho biết, nguồn vốn cho các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phụ thuộc chủ yếu từ tín dụng, cần phải phát triển hơn nữa các nguồn vốn đến từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phi chính thức,...
Bao giờ Việt Nam có thể vào nhóm thị trường mới nổi?
Phát biểu chỉ đạo, cùng với băn khoăn vốn mỏng của các doanh nghiệp, một trong những câu hỏi mà Phó Thủ tướng đặt ra là liệu hai, ba năm nữa Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường mới nổi hay không.
Đối với câu chuyện này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong số 69 quốc gia được xếp hạng thì 1/3 là thị trường mới nổi. Các tiêu chí để MSCI xếp hạng gồm có định lượng và định tính. Kết quả chủ yếu dựa vào các đánh giá của các nhà độc lập. Với cách xếp hạng này, chúng ta khó nói chính xác thời điểm. Nhưng cần đặt vấn đề, bao giờ chúng ta xứng đáng được đứng trong hàng ngũ thị trường mới nổi, điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ, tiềm năng của thị trường...Việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào thị trường chứng khoán khoán mà phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, chính sách vĩ mô và sự phối hợp của các cơ quan bộ ngành trong thị trường này.
Với sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là việc tạo môi trường đầu tư bình đẳng cả trong và ngoài nước, ông Dũng tin rằng chúng ta sẽ sớm được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi. Không thể kỳ vọng là có thể đạt được một sớm một chiều, nếu vào năm 2019 thì không tưởng, nhưng hai năm thì có thể làm được.
Cần huy động 60 tỷ USD đang nằm trong dân
Ông Alatabani Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng có 2 vấn đề cần giải quyết để khuyến khích thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Một là làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút. Theo ông, nhiều nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến quỹ đầu tư cho người về hưu ở Việt Nam. Ông cho rằng, lộ trình này có thể được thực hiện trong 3 năm tới.
Hai là phát triển tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Alatabani cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà ta chưa huy động hết. Theo ông: "Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển".
Nên có thị trường cổ phiếu riêng cho các nhà đầu tư tổ chức?
Tại diễn đàn, đề xuất "Việt Nam cần có thị trường cổ phiếu riêng cho các NĐT tổ chức" đã thu hút sự quan tâm lớn từ các diễn giả.
Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia tỏ ra hào hứng với ý tưởng này. Ông nói: "Việt Nam mới có 2 triệu nhà đầu tư, trong khi dân số có đến hơn 90 triệu người. Tôi nghĩ thành lập một thị trường cổ phiếu riêng cho NĐT tổ chức là một ý tưởng hay, đặc biệt các NĐT tổ chức và họ có quản trị và tuân thủ tốt, chuyên nghiệp."
Theo ông Warrick, nhà đầu tư nước ngoài rất hồ hởi khi đóng góp vào sự thành công của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việt Nam có thể làm tốt hơn việc phát triển thị trường vốn trong tương lai.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, với cá nhân ông thì điều quan trọng lúc này là cần có nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức, không cần phân biệt là tư nhân hay quỹ đầu tư lớn. "Tất nhiên, việc có một sàn giao dịch riêng cũng là vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu", Phó Thủ tướng nói thêm. Ông cũng nhấn mạnh sự minh bạch, công khai trong thị trường, việc cần thiết phải có hệ thống quản trị tốt, tăng cường giám sát đồng thời siết chặt lại thị trường theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường một cách ổn định, có tổ chức và nâng cao hoạt động của thị trường.
Trí Thức Trẻ