MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếp nhăn trên trán cổ đông Eximbank

24-04-2017 - 15:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù muốn dù không, những cổ đông 'trót' trung thành với Eximbank cũng phải chấp nhận thêm thời gian để ngân hàng lành lặn trở lại. Thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc vào cái tâm và sự quyết liệt trong điều hành của những người đứng đầu.

Sau 3 lần dang dở, Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank cuối cùng cũng được diễn ra vào ngày 21/4 vừa qua. Đại hội lần này được đánh giá tương đối thành công khi bầu không khí căng thẳng, lộn xộn của những lần trước được làm dịu vì có sự tham gia giám sát đặc biệt của đại diện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Điểm tích cực của Đại hội lần này là những góp ý, chất vấn của cổ đông hầu hết mang ý nghĩa xây dựng, hướng đến mục đích vực dậy Ngân hàng sau những vấn đề bê bối trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, sức nóng của hội thì không hề giảm sút. Đại hội mở màn thảo luận bởi những phát biểu bất bình của những nhà đầu tư đã gắn bó lâu năm với Ngân hàng, có cả những cổ đông sáng lập đã nắm giữ cổ phần từ những ngày đầu. Tất cả cổ đông, những người có mặt tại hội trường cũng dễ thông cảm cho sự bức xúc này khi niềm tin bị phản bội.

Đối với nhiều cổ đông Eximbank khi đầu tư vào cổ phiếu của Ngân hàng, họ tin rằng tài sản sẽ an toàn và lợi tức cao hơn so với tiền gửi. Dĩ nhiên, họ cũng tin rằng Eximbank –Thương hiệu của một trong số các ngân hàng TMCP đầu tiên ở VN sẽ duy trì tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng ở một thị trường còn mới mẻ

Thế nhưng, trong 5 năm qua, cổ phiếu EIB thì đi xuống, cổ tức 3 năm nay thì không có. Thử hỏi những cổ đông, những nhà hưu trí họ sống bằng niềm tin?

Trong khi đó, từ vị thế của một ngân hàng TMCP top đầu đang ăn nên làm ra, EIB đang ngày càng tách xa khỏi nhóm. Ngân hàng buộc phải phải hy sinh tăng trưởng để khắc phục những hậu quả quản lý yếu kém trong những năm trước. Còn theo phân tích của một cổ đông phát biểu tại hội nghị thì nguyên nhân sâu xa Eximbank kinh doanh giảm sút là do "chúng ta bầu không đúng người", dẫn đến việc lãnh đạo làm sai, gây thất thoát tài sản.

Cổ đông không chỉ bức xúc vì việc Ngân hàng làm ăn thua lỗ, mà còn bức xúc vì hàng loạt vấn đề liên quan đến điều hành của Ban lãnh đạo trước đây. Thậm chí một cổ đông bức xúc quá đã chất vấn HĐQT cũ khi quyết định đập bỏ cơ sở kinh doanh cũ để đi thuê các địa điểm hoạt động tốn kém chi phí rất lớn?

Ngoài ra, là một loạt vấn đề khác liên quan đến các khoản cho vay khiến Ngân hàng phải ôm nợ xấu, đầu tư thua lỗ như Eximland …Theo đó, có ý kiến cổ đông yêu cầu HĐQT công bố những cá nhân cụ thể và hướng sử lý sai phạm trong những năm qua…

Đáp lời cổ đông, Chủ tọa đoàn cũng thừa nhận rằng, Eximbank vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết do Ban điều hành cũ để lại, có thể đến giữa 2018 mới có thể hoàn tất việc xử lý. Do vậy, HĐQT mong cổ đông thông cảm về việc chia cổ tức, HĐQT sẽ cố gắng xử lý các tồn đọng để mang về lợi nhuận cho cổ đông trong tương lai.

Chủ tọa đoàn vẫn lắng nghe và giải đáp các câu hỏi chất vấn của cổ đông, nhưng hầu có vẻ những câu trả lời đó vẫn chưa thể khiến họ an lòng. Một cổ chất vấn về trách nhiệm của HĐQT và Ban kiểm soát cũ và HĐQT và Ban kiểm soát mới đã thực sự tôn trọng cổ đông chưa? Những bê bối mấy năm gần đây cần phải giải quyết triệt để mới có thể cứu lấy hình ảnh của Eximbank và quyền lợi của cổ đông.

ĐHĐCĐ thường niên Eximbank 2017

ĐHĐCĐ thường niên Eximbank 2017

Bên ngoài đại hội, một cổ đông đã trạc tuổi 75 cũng là một trong những cổ đông sáng lập trao đổi với người viết rằng: “Vấn đề của EIB không còn gọi là trăn trở đối với những người như tôi nữa, mà nó đã tạo thêm nếp nhăn trên vầng trán”. Và ông cũng không hiểu vì sao Eximbank lại sa sút như vậy và bao giờ thì phục hồi ?

Theo kế hoạch năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2017 là 600 tỷ đồng. Đến 31/3, Ngân hàng này cho biết đã đạt lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ đồng. Nếu như kế hoạch này hoàn thành thì năm nay sẽ xóa được lỗ lũy kế và có thể hy vọng vào việc có cổ tức kể từ năm 2018.

Dù vậy, vấn đề về số nợ xấu thực của Ngân hàng đến nay là bao nhiêu? Theo báo cáo, nợ xấu nhóm 3-5 đến cuối 2016 chiếm 2,95% trên tổng dư nợ. Còn theo báo cáo phân tích của CTCK HSC thì cho rằng, khó có thể đánh giá khi thiếu những con số chi tiết.

Năm 2016, ngân hàng đã phải trích lập 1.089 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 350 tỷ đồng. HSC cũng dự báo rằng, Eximbank đã qua được giai đoạn khó khăn nhất. Dù vậy, CTCK này vẫn tỏ ra quan ngại rằng, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn so với hầu hết các ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận do gánh nặng trích lập dự phòng VAMC trong thời gian tới.

Cuộc họp của Ngân hàng này kéo dài tới 14h30 chiều, cổ đông mới đứng dậy ra về. Dù cuối cùng hầu hết các tờ trình của HĐQT đều được Đại hội đồng cổ đông thông. Tuy nhiên, không khí thì vẫn nặng nề. Có đến gần ½ số cổ đông tham dự vẫn không hoàn toàn đồng tình với HĐQT.

Dù muốn dù không, những cổ đông 'trót' trung thành của EIB cũng phải chấp nhận thêm thời gian để Ngân hành lành lặn trở lại. Thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc vào cái tâm và sự quyết liệt trong điều hành của những người đứng đầu Ngân hàng.

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên