MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu càng giàu càng khó có một mối quan hệ chân thành, liệu có đáng không?

21-03-2017 - 20:13 PM | Tài chính quốc tế

Một nghiên cứu mới đây đã vạch trần mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc. Trong khi nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn hồi phục thì chỉ số hạnh phúc người dân giảm, nền kinh tế Na Uy bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm nhưng người dân cảm thấy hạnh phúc hơn.

Một báo cáo mới đây cho thấy Na Uy là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, người Mỹ đang ngày càng ít cảm thấy hạnh phúc hơn, và họ cần nhiều hơn tiền bạc để cảm thấy hạnh phúc như trước.

Na Uy đã vượt qua Đan Mạch để nhảy lên vị trí thứ 1 trên bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới được thực hiện bởi Liên Hợp Quốc. Trong năm vừa qua, nền kinh tế Na Uy bị ảnh hưởng mạnh bởi giá dầu thô (nguồn tài chính quan trọng của quốc gia này) giảm mạnh, nhưng người dân ở đây vẫn cảm thấy hạnh phúc. Trái lại, nền kinh tế Mỹ đang bước trong giai đoạn hồi phục với thu nhập bình quân tăng và thất nghiệp ở mức thấp lịch sử, người dân Mỹ cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với 10 năm trước.

Trong bảng xếp hạng Hạnh phúc Thế giới 2017, nước Mỹ đã tụt 1 bậc xuống vị trí thứ 14.

"Đây là vấn đề của con người. Nếu càng giàu và càng khó để có một mối quan hệ chân thành, liệu có đáng không?", John Helliwell - tác giả chính của báo cáo đồng thời là nhà kinh tế thuộc trường ĐH British Columbia tại Canada nhận định. "Vật chất có thể ngáng đường con người".

Nghiên cứu về hạnh phúc có thể phù phiếm, tuy nhiên gần đây càng ngày càng có nhiều lời kêu gọi nghiên cứu về cảm xúc của con người, đặc biệt là ở Mỹ. Trong năm 2013, Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ đã công bố một báo cáo cho thấy các thống kê và khảo sát liên bang về các vấn đề thu nhập, tiêu dùng, sức khỏe và nhà ở thường bao gồm một số câu hỏi phụ về hạnh phúc.

Từ vị trí thứ 4, Na Uy đã vượt Đan Mạch để ngồi vào vị trí quán quân. "Tôi không nghĩ Đan Mạch là quốc gia độc quyền về hạnh phúc", Meik Wiking - CEO Viện nghiên cứu hạnh phúc tại Copehagen - nhận định. "Điều mà các quốc gia Bắc Âu đã làm được đó chính là ý thức cộng đồng và hiểu biết chung rất tốt".

Nhà kinh tế học Jeffrey Sachs thuộc trường ĐH Columbia cũng nhận định rằng người dân Na Uy có ý thức cộng đồng rất tốt, trong khi người Mỹ đang mất dần.

Carol Graham - tác giả cuốn "The Pursuit of Happiness" cho biết báo cáo đã phản ánh được những gì bà thực tế nhìn thấy tại nhiều vùng nông thôn ở Mỹ - nơi mà thuốc giảm đau, tự tử trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải có một khoản tiền nào đó để hạnh phúc. Đó là lý do tại sao hầu hết các quốc gia xếp dưới cùng trong bảng xếp hạng cảm thấy tuyệt vọng trong nghèo đói. Nhưng khi bạn giàu đến một mức độ nào đó, thì tiền bạc không còn mang lại nhiều ý nghĩa. Helliwell và một số người khác nhận định. Các quốc gia ở đáy bảng xếp hạng bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Burundi, Tanzania, Syria và Rwanda.

Tác giả Helliwell nói rằng hạnh phúc - là làm những gì bạn yêu thích - quan trọng hơn thứ giá trị mà các nhà chính trị nghĩ. Ông đánh giá hạnh phúc cá nhân của mình là 9 trên thang điểm từ 1 đến 10.

Nguyễn Hoàng

AP

Trở lên trên