MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu không muốn mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng, hãy làm những điều sau

23-08-2016 - 14:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Để tiền trong tài khoản ngân hàng, ai cũng tưởng chừng có thể thở phào nhẹ nhõm vì tránh được tai mắt, trộm cắp vào nhà nhưng hóa ra tiền cất trong ngân hàng rồi vẫn có cánh bay đi nếu không thận trọng và có các biện pháp cảnh giác.

Với sự phát triển ngày một nhanh chóng của dịch vụ ngân hàng điện tử, không thể phủ nhận những ưu điểm mang lại cho khách hàng như tính tiện ích, tiện lợi, nhanh chóng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật.

Một số loại hình tấn công trực tuyến mà tội phạm thường sử dụng hiện nay:

Lừa đảo tài chính quốc tế: Trò lừa thường bắt đầu bằng một bức thư hoặc email có hình thức như được gửi trực tiếp tới người nhận nhưng thực tế đã được phát tán cho nhiều người để đưa ra đề xuất theo đó người nhận sẽ nhận được một khoản tiền lớn nhưng thực tế thì người nhận sẽ không thể nhận được.

Trộm danh tính: là hành vi của cá nhân, tổ chức thu thập các thông tin cá nhân của khách hàng để kiếm các lợi ích tài chính, chủ yếu là trộm thông tin thẻ tín dụng, tạo ra một món nợ lớn cho khách hàng.

Virus: là những chương trình hay đoạn mã được thiết kế để tự nhân bản và sao chép chính nó vào các đối tượng lây nhiễm khác. Virus thường phá hoại máy tính của nạn nhân bị lây nhiễm để lấy cắp các thông tin cả nhân nhạy cảm, mở cửa sau cho tin tặc đột nhập chiếm quyền điều khiển nhằm có lợi cho người phát tán virus. Gần đây, hình thức virus qua email khá phổ biến, xâm nhập vào các thư điện tử và thường xuyên nhân bản để phát tán virus đến những người trong danh bạ của khách hàng.

Phishing: sử dụng như một tên website giả mạo để đánh lừa khách hàng đăng nhập vào để từ đó lợi dụng, xâm phạm tài chính và thông tin của khách hàng.

Hacking: truy cập bất hợp pháp vào máy tính khách hàng bằng đường Internet.

Lừa gạt qua mạng xã hội (facebook, twitter, zalo…): hiện tượng kẻ gian giả mạo hoặc chiếm tài khoản mạng xã hội của người quen, bạn bè và trò chuyện, dụ khách hàng nạp tiền thẻ điện thoại, mua thẻ cào, thẻ game… hoặc tiết lộ các thông tin cá nhân, thông tin bảo mật các dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP). Sau đó kẻ gian lợi dụng, xâm phạm tài khoản dịch vụ của khác hàng và chiếm đoạt tiền bằng nhiều hình thức.

Vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn bảo mật, bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, khi thực hiện giao dịch trên các kênh Ngân hàng điện tử?

Thông báo khóa thẻ/tài khoản thanh toán

Nếu bạn làm mất thẻ ngân hàng hoặc thông tin đăng nhập website thanh toán bị lộ, hãy liên hệ ngay khi có thể với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng phát hành thẻ hoặc website thanh toán để yêu cầu khóa thẻ hoặc tài khoản đăng nhập bị mất và yêu cầu khởi tạo thẻ hay tài khoản mới.

Không sử dụng máy tính, mạng Wi-Fi công cộng

Với giao dịch thương mại điện tử, nên sử dụng máy tính cá nhân, điện thoại của mình để giao dịch thay vì các thiết bị công cộng tại công ty, quán café, quán internet,…Tuyệt đối không nên đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử và sử dụng giao dịch trực tuyến trên các máy tính công cộng. Ngoài nguy cơ bị cài đặt phần mềm gián điệp trên các máy tính này, các tin tặc có thể khai thác thông tin từ một máy tính cùng mạng khác.

Ngoài ra, việc sử dụng mạng Wi-Fi công cộng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các mạng không có mật khẩu. Các kết nối Wi-Fi yêu cầu mật khẩu an toàn hơn và nếu ở khách sạn, nên chọn kết nối có dây.

Cài đặt và cập nhật các chương trình diệu virus mới nhất cho máy tính; tránh cài đặt các chương trình, ứng dụng không có nguồn gốc rõ ràng.

Không truy cập vào web lạ

Không nên truy cập vào các trang web lạ (các trang web lạ tải phần mềm không có bản quyền, key crack, tải nhạc, hình ảnh miễn phí...), các website nghi ngờ giả mạo, các liên kết đính kèm thư điện tử vì các website/liên kết này có thể đính kèm virus vào các link download, link hình ảnh mà người sử dụng không nhận biết được.

Trường hợp buộc phải truy cập để tải dữ liệu, nên bật phần mềm antivirus, antispyware trước khi tải. Cẩn trọng trước các đường link lạ, các tập tin không rõ nguồn gốc (đặc biệt chú ý các tập tin có đuôi *.exe, *.com, *.bat, *.scr, *.swf, *.zip, *.rar, *.js...).

Khách hàng chỉ nên thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu với mức độ khó đoán

Thường xuyên thay đổi mật khẩu và tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch.

Nên đặt mật khẩu với các cụm chữ khác nhau, có cả số, ký tự, chữ hoa và chữ thường xen kẽ. Tốt nhất nên đặt không có quy tắc cụ thể và ít liên quan tới bản thân. Nhiều ngân hàng hiện nay cũng yêu cầu các mã bảo mật đòi hỏi sự phức tạp cao hơn nhiều trước đây.

Cẩn trọng với các tin nhắn lừa đảo

Các trường hợp giao dịch giả mạo ngân hàng điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau, như giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện/nhắn tin cho khách hàng thông báo khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản khách hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại/quà tặng/trúng thưởng...

Giả mạo thông báo tài khoản Ebanking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại;

Giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền;

Giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên