Nếu muốn thành công chưa từng có, bạn phải dám làm những điều chưa từng làm: Rời vùng an toàn sẽ là sợ hãi, thất bại, nhưng khi vượt qua bạn nhận được trái ngọt xứng đáng
Chấp nhận sự ổn định đồng nghĩa với chấp nhận "giậm chân tại chỗ". Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn.
- 15-04-2019Không dám bước ra khỏi "vùng an toàn", bạn đang khiến cuộc sống của chính mình lụi tàn dần: Lựa chọn sự thoải mái, ổn định là chấp nhận cảnh đời tầm thường, muôn đời không có cơ hội thành công
- 04-04-2019Bi kịch của vùng an toàn: Nơi an tâm nhất lại là nơi giết chết bạn nhanh nhất, càng ở lâu càng giậm chân tại chỗ, muôn đời không thấy ánh hào quang của thành công!
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã có đôi lần thất bại, trong công việc, trong các mối quan hệ hay trong thi cử, vì cuộc sống muôn hình vạn trạng, có nhiều thứ nằm ngoài tầm hiểu biết và dự liệu của chúng ta.
Sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta lại học được cách đương đầu với những thứ trước đây vốn nằm ngoài khả năng của chính mình. Đấy chính là lý do vì sao ta trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn. Đứng trước cuộc sống, chúng ta có thể lựa chọn 2 thái độ, hoặc luôn chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với những biến cố có thể đến hoặc bị cuốn vào vòng xoáy nơi ta không biết sẽ dẫn mình đến đâu.
Vậy, chúng ta phải làm gì để thoát ra khỏi vùng an toàn một cách "an toàn", dưới đây sẽ là câu trả lời:
Vùng an toàn, vùng sợ hãi và vùng học hỏi
Rất nhiều người trong chúng ta lựa chọn ở lại trong vùng an toàn, hàng ngày sử dụng những kiến thức và kỹ năng vốn có để có sự ổn định trong cuộc sống từ công việc đến các mối quan hệ. Song chính vì điều này, cơ hội để khai thác tiềm năng của bản thân sẽ không đến.
Khi thoát khỏi vùng an toàn, bạn sẽ hoặc bước vào vùng học hỏi (learning zone), hoặc vùng sợ hãi (panic zone). Vùng sợ hãi là nơi có nhiều hoạt động và kiến thức nằm ngoài tầm với của bạn, mang đến cảm giác lo âu, sợ hãi cao độ khi chúng ta không thể tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.
Giữa vùng sợ hãi và vùng an toàn chính là vùng học hỏi. Tại đây, bạn sẽ cảm nhận thấy sự căng thẳng vừa đủ để thúc đẩy, tạo động lực tiến lên mà không tạo nên hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, tài chính như ở trong vùng sợ hãi.
Nhà tâm lý học người Thụy Điển Carl Jung từng nói: “Theo cân bằng, không loài cây nào có thể vươn tới thiên đàng trừ khi rễ của nó đã đâm thâm sâu vào lòng đất”. Muốn sống lâu, chúng ta cần tập thể dục đều đặn cũng như để có được cơ bắp, chúng ta sẽ phải chịu đựng đau đớn trong quá trình tập luyện.
Đừng để nỗi sợ hãi che khuất tầm nhìn của bạn
Vào bất kỳ thời điểm nào, khi bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta đều nhanh chóng cảm nhận được những mối nguy cận kề. Trước đây, khi tôi bỏ công việc ổn định thu nhập cao để bắt đầu mở công ty riêng về thiết kế, tôi đã tự mình mường tượng về tất cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đó là thời điểm tôi rơi vào vùng sợ hãi khi cho rằng những rủi ro đó sẽ dẫn đến những mối nguy thực sự.
Song đó không phải là sự thật. Nguy cơ có thể có, nhưng chúng không quá nghiêm trọng và có thể xử lý được. Khi bước khỏi vùng an toàn, hãy tự hỏi bản thân mình, đâu là điều bạn thực sự nên nghĩ đến? Những điều bạn nghĩ có thật sẽ xảy ra hay bạn đang phóng đại nỗi sợ hãi của mình dựa vào những phỏng đoán cá nhân?
Tôi từng dành thời gian để suy ngẫm, nhìn nhận về mọi việc một cách khách quan. Và tôi nhận ra những mối nguy hiểm mà tôi vẫn nghĩ đến, thực ra chỉ là những rủi ro mà hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đấy cũng là khi tôi thoát ra khỏi vùng sợ hãi và bước vào vùng học hỏi.
Đứng trước mọi việc, chúng ta luôn cần bình tĩnh để giải quyết, bởi lo lắng, sợ hãi, nóng vội chỉ khiến ta mất đi sự sáng suốt. Bước ra khỏi vùng an toàn đòi hỏi chúng ta thay đổi để thích nghi, cùng lúc đó nhận ra các cơ hội và khả năng trước đây vốn bị che khuất khỏi tầm nhìn của chính mình. Và vùng học hỏi chính là hành lang dẫn tới những cơ hội mới.
Vùng học hỏi chính là điểm bạn cần đến khi rời vùng an toàn
Vùng học hỏi chính là một hành lang dẫn đến nhiều cánh cửa. Mỗi cách cửa dẫn ta đến một cơ hội mới. Một vài trong số chúng đã bị khóa, song một số khác đang rộng mở với những cơ hội sẽ dần hé lộ.
Ba vùng an toàn, sợ hãi và học hỏi sẽ không ngừng vận động. Khi bạn bước vào vùng học tập, trở nên thành thục với kiến thức và môi trường mới, chúng sẽ dần trở thành vùng an toàn của bạn. Khi điều này xảy ra, các kỹ năng từng là một phần của vùng sợ hãi sẽ chuyển sang vùng học hỏi và chu kỳ sẽ tiếp tục.
Ví dụ, đôi khi tôi nhận được các dự án nằm ngoài khả năng của mình. Điều này khiến tôi rơi vào vùng sợ hãi trong quá trình cố gắng tìm ra cách tiếp cận chúng. Lùi một bước trở lại khu vực học tập, tôi sẽ nghiên cứu, đọc hoặc nói chuyện với các chuyên gia.
Cuối cùng, tôi học được các kỹ năng mới, và dự án này chuyển từ vùng sợ hãi sang vùng học tập và sau này chuyển sang vùng an toàn khi tôi đã nắm bắt được các kỹ năng cần thiết để kiểm soát mọi thứ.
Nhận thức được những thay đổi này sẽ giúp bạn gắn bó với vùng học hỏi thông qua các quá trình chuyển đổi.
Không ngừng mở rộng vùng an toàn
Mở rộng vùng an toàn chính là khi ta khám phá các giới hạn của vùng học hỏi. Thông thường, khi rơi vào vùng sợ hãi, chúng ta sẽ có xu hướng muốn trở lại vùng an toàn và không bao giờ muốn rời đi nữa. Bằng cách tìm ra vùng học hỏi, bạn có nhiều cơ hội học tập theo cách tăng dần mức độ tự tin. Theo thời gian, những điều từng khiến bạn sợ hãi sẽ chuyển dời sang vùng học hỏi.
Trước tiên, hãy liệt kê những điều bạn muốn làm trong cuộc sống và sự nghiệp của mình rồi phân loại chúng theo khu vực. Nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội để phát triển trong công việc hiện tại, hãy tìm cách bước vào khu vực học hỏi bằng cách tham gia một dự án cụ thể sẽ mang lại trải nghiệm và kỹ năng mới.
Nếu bạn đang ước mơ khởi nghiệp nhưng thấy có quá nhiều nguy cơ tiềm tàng? Đừng vội bỏ công việc mang lại mức thu nhập ổn định đang làm, thay vào đó dành thời gian buổi tối và cuối tuần để lên dần ý tưởng và chuẩn bị cho các kế hoạch sắp tới. Gia nhập và tham gia vào các sự kiện, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dành cho các doanh nhân khởi nghiệp để trao đổi kiến thức và học hỏi từ các chuyên gia.
Hãy nhớ rằng duy trì sự cân bằng giữa cảm giác an toàn và thử những điều mới là chìa khóa để phát triển. Sau khi bạn đã chắc chắn mình sẵn sàng cho khối lượng công việc và áp lực của một start-up, bạn hãy bước ra khỏi vùng an toàn sang vùng học hỏi.
Bạn không chỉ cảm thấy tự tin hơn khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, mà khi vùng an toàn được mở rộng, cuộc sống bạn sẽ có chiều sâu và trải nghiệm tuyệt vời. Tất cả đều tùy thuộc vào bạn để quyết định đẩy vùng thoải mái của mình bao xa và những thành quả bạn gặt hái được là gì.
Medium