MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nếu phải chống lạm phát năm 2022, NHNN có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán"

03-12-2021 - 16:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng còn nhiều ẩn số năm 2022. Trong đó, các ngân hàng hiện vẫn đang ổn, nhưng nợ xấu rồi sẽ xuất hiện khoảng giữa sang năm khi mà việc cho phép cơ cấu nợ hết hạn và phải tiến hành phân loại nợ.

Ông Nguyễn Xuân Thành
Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên Chính sách Công- Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kennedy
23 bài viết

Tại tọa đàm "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho năm 2022" do VNDirect tổ chức, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Cùng với kiểm soát Covid, ổn định vĩ mô là điều Nhà nước phải làm và có năng lực thực thi hiện nay.

Vị chuyên gia cho rằng, một thuận lợi để kỳ vọng phục hồi nền kinh tế tới đây là nền tảng vĩ mô ổn định. Chúng ta cũng học được bài học trước đây nên hiện có dư địa chính sách tốt hơn.

Theo ông Thành, có nhiều lo ngại về cán cân thương mại nhưng thực tế dòng vốn vẫn chảy vào, chỉ đầu năm bị thâm hụt do nhập khẩu tăng mạnh. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn duy trì mức cao. So với các nước có thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Philippines, Indonesia thì trong đợt dịch này, Việt Nam chưa phải dùng đến dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế và chống dịch. Do đó vẫn còn dư địa chính sách cho các gói kinh tế phục hồi sang năm mà không làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô.

So sánh với giai đoạn khủng hoảng năm 2009, vị chuyên gia đánh giá dư địa chính sách và cân đối vĩ mô hiện tại ổn định hơn rất nhiều.

Như giai đoạn bất ổn 12 năm trước đây, tín dụng tăng mạnh kéo theo lạm phát. Và để chống lạm phát lại phải thắt chặt, giảm tăng trưởng tín dụng.

Còn trong 2 năm Covid, áp lực lạm phát chưa lớn và tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì. Năm nay tăng trưởng tín dụng có thể sẽ cao hơn 12%.

"Từ khi Covid-19 xảy ra đến nay, chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ khá nhiều như giảm lãi suất, tạo thanh khoản, nhưng không quá mức. Có khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp cận được tín dụng. Thanh khoản tốt cũng tốt cho thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng chưa nóng đến mức tạo bong bóng", ông nói.

Theo đó, có thể kỳ vọng một gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm tới, tuy nhiên quy mô có lớn cũng không làm xói mòn các yếu tố vĩ mô, và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Ông Thành cho rằng, mục tiêu kích cầu và phục hồi sẽ phải dựa nhiều vào tài khóa hơn tiền tệ. Chúng ta chưa lạm phát cao nhưng thế giới đang phải đối mặt, nên không thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Tiền tệ chỉ cần duy trì ở trạng thái đảm bảo thanh khoản tốt, ổn định mặt bằng lãi suất.

"Nếu áp lực lạm phát xuất hiện, NHNN buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu phải chống lạm phát thì có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán. Tuy nhiên, áp lực này trước mắt chưa lớn, có thể vẫn còn tốt cho đến tháng 4 năm sau", ông nói.

Vị chuyên gia dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức khoảng 13-13,5%. NHNN sẽ linh hoạt đổi hướng chính sách nếu áp lực gia tăng. Nếu lạm phát được kiểm soát, NHNN sẽ chưa tăng lãi suất trở lại.

Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, ông đang khá lạc quan với triển vọng cho năm 2022, tuy nhiên cũng phải tính đến những kịch bản rủi ro nhất để lường trước. Nếu Covid phức tạp đến mức phải giãn cách trở lại thì tình hình xấu hơn, tuy nhiên sẽ không xấu như năm nay. Và nếu lại xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài thì có thể phải thắt chặt tiền tệ vì lạm phát, điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính. Trong kịch bản xấu này thì tăng trưởng kinh tế là khoảng 5%.

Chuyên gia kinh tế của Đại học Fullbright cho rằng còn nhiều ẩn số phải lưu ý: "Doanh nghiệp đã bị mất mát bao nhiêu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các ngân hàng vẫn đang ổn, nhưng nợ xấu rồi sẽ xuất hiện, và xuất hiện giữa sang năm khi mà việc cho phép cơ cấu nợ hết hạn và phải tiến hành phân loại nợ. Đây là ẩn số rất lớn".

Theo ông Thành, sẽ là thách thức lớn cho NHNN thời gian tới vì chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ, thường là 6 tháng. Cơ quan này sẽ phải tính trước áp lực lạm phát để có hành động ngay.

Ngoài ra, đánh giá tới bối cảnh của toàn cầu, chắc chắn sớm hay muộn thì phải thu hẹp chính sách tiền tệ, điều chỉnh lãi suất. Mặt bằng lãi suất là một sức ép, vì khi lãi suất thế giới tăng thì Việt Nam cũng phải tăng lên. Theo đó, lo ngại nhất với các nền kinh tế đang phát triển là dòng vốn nước ngoài có thể rút khỏi thị trường.

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên