MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu Uber, Grab không hợp tác, tài xế sẽ dùng phần mềm Việt

Nhiều tài xế cho rằng, phía Uber, Grab không đàm phán với đối tác thì nhiều tài xế sẽ đồng loạt bỏ và chuyển về chạy các ứng dụng gọi xe của Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang là tài xế chạy Grab ôtô, hôm qua (15.1), anh cùng nhiều đối tác của Grab tập trung trước cổng tòa nhà Kim Ánh (số 1 ngõ 78, Duy Tân, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) - nơi có văn phòng của Grab, phản đối hãng này nâng mức chiết khấu với loại hình dịch vụ gọi ôtô.

Anh Minh chia sẻ, anh em tài xế đang chờ đến ngày 18.1 để được đối thoại với hãng, mong muốn giảm chiết khấu xuống 15%.

"Nếu Grab không đồng ý giảm chiết khấu, không hợp tác thì tôi sẽ từ chối trở thành đối tác của hãng. Nếu Grab không thay đổi, thì đây sẽ là cơ hội cho các ứng dụng gọi xe trong nước như T.net, Vivu", anh Minh nói.

Anh Minh đã dùng thử những ứng dụng này. Anh nhận thấy về cơ bản không khác gì so với Uber, Grab. Đây đều là ứng dụng mở cho phép các doanh nghiệp vận tải và các hãng taxi quản lí, điều xe qua định vị thay thế cho bộ đàm, đồng hồ điện tử truyền thống.

"Chính vì vậy, nếu Grab, Uber không chịu thỏa thuận với đối tác thì chúng tôi sẽ rời bỏ hãng, tham gia ứng dụng gọi xe trong nước", anh Minh cho biết thêm.

Nếu Uber, Grab không hợp tác, tài xế sẽ dùng phần mềm Việt - Ảnh 1.

Tài xế Uber, Grab đòi giảm chiết khấu.

Nhiều tài xế cho biết, mức chiết khấu hiện nay Uber là quá cao. Ngoài phần chiết khấu 25%, tài xế còn phải đóng thêm 4,5% thuế thu nhập cá nhân, Uber thu để đóng hộ. Các đối tác Uber mong muốn hãng giảm mức chiết khấu về 15%.

Anh Nguyễn Minh Ngọc (37 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, mức chiết khấu của Uber tại thị trường Indonesia đang là 9,2%. Còn ở Việt Nam, chiết khấu đang là 25%. "Mức chiết khấu này quá cao, không hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của lái xe".

"Uber mời gọi chúng tôi đến làm đối tác và vẽ ra những "chiếc bánh" rất ngon, rất hoa mĩ. Chúng tôi nghĩ rằng có thể đổi đời nhờ Uber và muốn gắn bó lâu dài với hãng, nhưng hiện tại, với cách làm ăn như vậy, thì quả thực Uber đang lừa chúng tôi", anh Minh Long - một lái xe Uber khác bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, lái xe Grab) cho biết, trung bình anh em lái xe Grab chạy được 1 triệu đồng tiền cước, nhưng phải trả khoảng 300.000 đồng tiền xăng xe và 283.000 đồng tiền chiết khấu, chưa kể các chi phí sửa xe, hao mòn, gửi xe... ".

Liên quan vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, việc các đối tác Uber, Grab kéo đến trụ sở phản đối, đòi giảm chiết khấu là hình thức tự phát, cá nhân nhưng đủ thấy giọt nước đã tràn ly.

Nghĩa là, Grab, Uber đã bộc lộ nhiều hạn chế. Hạn chế đã gây ra mâu thuẫn với tài xế dẫn đến tình trạng phản đối, tắt ứng dụng. Tuy nhiên, do các hãng chỉ cung cấp phần mềm và quan hệ theo kiểu đối tác, rất khó để tìm ra một tiếng nói chung.

Theo Cường Ngô

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên