MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

New York Times: Mỹ “thâm hụt kép” cả thương mại và ngân sách vì vòng luẩn quẩn mà Tổng thống Trump đã tạo ra với Trung Quốc

Lẽ ra ông Trump nên lắng nghe các nhà kinh tế học và những lời khuyên của họ một chút, tờ The New York Times bình luận. Các nhà kinh tế từ lâu đã cảnh báo rằng việc tăng thuế nhập khẩu và cắt giảm thuế của ông Trump, cuối cùng sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt cả thương mại và ngân sách, khi người Mỹ phải chi thêm tiền mặt để mua hàng nhập khẩu.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 891,3 tỷ USD trong năm ngoái khi Hoa Kỳ nhập một lượng lớn hàng ngoại. Có lẽ, mục tiêu cắt giảm thâm hụt đã vượt ra khỏi tầm tay Tổng thống Donald Trump.

Trên thực tế, cuộc chiến thương mại của Washington với Bắc Kinh không những không cứu được mà còn thâm hụt nghiêm trọng hơn: Thuế quan khiến ngành xuất khẩu cũng như nền kinh tế Trung Quốc vận động chậm lại, một cách gián tiếp đã làm giảm lượng nhập khẩu hàng Mỹ của quốc gia này. Ngay cả khi ông Trump chưa áp thuế, xuất khẩu hàng Mỹ sang Trung Quốc vốn đã giảm gần 50% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước.

New York Times: Mỹ “thâm hụt kép” cả thương mại và ngân sách vì vòng luẩn quẩn mà Tổng thống Trump đã tạo ra với Trung Quốc - Ảnh 1.

"Bất cứ khi nào một quốc gia tiêu dùng nhiều hơn sản xuất, quốc gia đó sẽ nhập siêu" - Kimberly Clausing, một nhà kinh tế tại Đại học Reed ở Orego cho biết – "Và khi chính phủ vay để tài trợ cho việc cắt giảm thuế, giống như việc họ đã làm với Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm, thì sự mất cân bằng lại càng trở nên tồi tệ hơn".

Thâm hụt thương mại bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ, nhưng ông Trump chỉ tập trung hầu hết vào thâm hụt hàng hóa. Ông luôn cho rằng các chính sách thương mại của mình sẽ giảm thâm hụt, và coi là thước đo xem liệu các đối tác như Trung Quốc và Liên minh châu Âu có đang lợi dụng Hoa Kỳ hay không.

Nhưng quả ngọt đã không đến với ông Trump. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, trong một năm ông áp thuế đối với thép, nhôm, máy giặt, tấm pin mặt trời và nhiều loại hàng hóa Trung Quốc, thâm hụt thương mại tổng thể đã tăng từ mức 12,5% năm 2017, tương đương gần 70 tỷ USD, lên tới 621 tỷ USD. Mặc dù Hoa Kỳ thặng dư thương mại về dịch vụ, thì thâm hụt thương mại hàng hóa với Liên minh châu Âu và Mexico đã tăng hơn 10%.

Vào tháng 12, thâm hụt chung của hàng hóa và dịch vụ, bao gồm tất cả các loại hàng hóa, từ máy tính, máy giặt đến du lịch và sở hữu trí tuệ, đã tăng 19% so với tháng trước, lên 59,8 tỷ USD. Đó là mức thâm hụt thương mại tháng cao nhất kể từ năm 2008, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

New York Times: Mỹ “thâm hụt kép” cả thương mại và ngân sách vì vòng luẩn quẩn mà Tổng thống Trump đã tạo ra với Trung Quốc - Ảnh 2.

Thực ra cũng không thể hoàn toàn áp đặt kết quả này cho ngài Tổng thống, vì việc nhập siêu còn bị tác động bởi một số yếu tố bên ngoài tầm kiểm soát của ông Trump. Đầu tiên, sự chậm lại của Trung Quốc cũng như châu Âu đã làm giảm cầu đối với hàng hóa của Mỹ. Sức mạnh của đồng USD trên thị trường tiền tệ toàn cầu đã khiến cho người tiêu dùng Mỹ thích mua hàng nhập, vì chúng rẻ hơn. Tiền từ việc cắt giảm thuế đã giúp người Mỹ mua nhiều hàng hóa nhập khẩu hơn bao giờ hết. Ngược lại, người tiêu dùng quốc tế sẽ khó mua hàng hóa Mỹ hơn.

Và để tài trợ cho việc cắt giảm thuế, chính phủ cần phải vay thêm đô la, một số trong số đó đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài chủ yếu kiếm được những đô la đó bằng cách bán nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn cho người Mỹ, điều này hiển nhiên sẽ gây thâm hụt, một hiệu ứng mà nhiều nhà kinh tế đã dự đoán ngay tại thời điểm ông Trump ký cắt giảm thuế.

Bằng chứng rất rõ ràng, một số lượng kỷ lục hàng hóa Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Khoảng cách thương mại hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt mức 419 tỷ USD vào năm 2018, làm tăng thêm thâm hụt song phương – vốn đã là cái gai trong mắt ông Trump.

New York Times: Mỹ “thâm hụt kép” cả thương mại và ngân sách vì vòng luẩn quẩn mà Tổng thống Trump đã tạo ra với Trung Quốc - Ảnh 3.

Trong khi ông Trump coi cán cân thương mại là thước đo kinh tế, hầu hết các nhà kinh tế học không đồng ý với quan điểm này. Thâm hụt thương mại không phải là dấu hiệu của sức khỏe nền kinh tế, mà chỉ đơn thuần là một chức năng của các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Thật trớ trêu, người căm ghét thâm hụt như ông Trump lại đang thất bại trong việc điều chỉnh các mối quan hệ thương mại toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình không đổ lỗi cho ông về điều này. Họ cho rằng một số biến động trong thâm hụt thương mại phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. 

Lawrence H. Summers - một nhà kinh tế học Harvard, lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama cho biết: "Thâm hụt thương mại trong ngắn hạn chỉ đơn thuần là chúng ta đang nhập khẩu nhiều hơn, vì vậy nó cũng không phải là một điều gì đó quá đáng báo động. Thâm hụt là do mọi người đang đầu tư vào Mỹ nhiều hơn".

Việc cắt giảm thuế cũng gây ra thâm hụt ngân sách liên bang. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy thâm hụt ngân sách đang gia tăng, và nó đang trên đường tăng đên lến 1 nghìn tỷ USD trong năm tài chính này. Doanh thu từ thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp đã giảm 9% trong tháng 1, so với cùng kỳ năm trước.

Bạn không phải là một nhà kinh tế học để biết điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ chi tiêu nhiều hơn trong khi thu về ít hơn: thâm hụt tăng lên. Thâm hụt liên bang đạt 665 tỷ USD trong năm tài khóa 2017, được dự đoán sẽ tăng lên đến 984 tỷ USD trong năm tài khóa 2019, tức là sẽ tăng 48% trong ba năm. Để tài trợ thâm hụt, chính phủ sẽ phải vay thêm, và đoán xem ai là nhà cho vay nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ? Đáp án là Trung Quốc - một vòng tròn luẩn quẩn.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

The New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên