MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng - nghề tôi yêu!

04-09-2017 - 11:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Những cảm giác sợ hãi rủi ro tiềm ẩn làm tôi không ít lần muốn bỏ nghề, song vẫn cố gắng bởi khi ấy không phải chỉ là “yêu” nghề mình đã chọn mà còn là mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”…

LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề. Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn.

Dưới đây là bài dự thi của độc giả Đào Thị Thùy Linh đến từ ngân hàng ABBank Quảng Ninh.

----------------

Không biết cơ duyên các bạn đến với nghề là gì? Còn với tôi, có lẽ không phải cơ duyên mà là định mệnh!

Tôi đến với nghề chông gai lắm. Tôi của lúc đó nhút nhát, rụt rè, tự ti và thiếu kinh nghiệm. Với bank, tôi như một trang giấy trắng, nhưng vì thích cái “môi trường chuyên nghiệp” với hình ảnh các chị giao dịch viên búi và mặc những bộ vest đồng phục như tiếp viên hàng không làm trái tim tôi rạo rực.

Bỏ qua cơ hội đến với khối hành chính sự nghiệp, tôi làm hồ sơ dự tuyển vào ngân hàng. Lần thứ nhất, tôi thất bại. Lần thứ 2, sau một năm vẫn ngân hàng ấy, tôi lại làm hồ sơ và nói thật là phải có sự “hậu thuẫn” tôi mới đặt được bước chân đầu tiên vào thế giới “Bankbiz”.

Không có gì trong tay ngoài tình yêu và đam mê, tôi “bước” đi từng bước thật chậm chạp, rụt rè với sự dìu dắt của các tiền bối.

Mỗi ngày, với tôi là một sự trải nghiệm mới mẻ. Nhưng cũng sau đó không lâu tôi nghiệm ra rằng ngân hàng không chỉ là những hào nhoáng, những điểm cộng bề nổi như người ta vẫn thấy, mà nó là áp lực, rủi ro, hi sinh và thậm chí là tàn khốc mà nếu không ở trong môi trường ấy thì bạn không thể hiểu được.

Ngồi ở đây- vị trí Giao dịch viên gần 7 năm, tôi đã chứng kiến và nếm trải đủ mọi dư vị, cung bậc cảm xúc.

Đó là những cảm xúc hoang mang đến khó tả khi một ngày làm việc như bao ngày, tiếng chuông điện thoại reo: Thông báo của NHNN Tỉnh báo số tiền của chị X kiểm đếm, đóng bó ngày Y bị thiếu 2 tờ 500 nghìn, của chị Z bị giả 1 tờ 200 nghìn…

Rồi đến những sợ hãi đến rụng rời chân tay, đầu như đội cả bầu trời, nước mắt không kìm được còn tim mình như bị bóp nghẹt vì lo phải bán nhà đền bù, lo bố mẹ chồng con không có chỗ ở, lo đền bù không nổi rồi phải ngồi tù... khi một lần ủy nhiệm chi (UNC) 3 tỷ cho khách hàng theo chứng từ qua Fax, đến khi khách trả chứng từ (không ghi ngày tháng) kèm theo khoảng 30 UNC mới khiến tôi phải cắm đầu, cắm cổ ngồi gõ điện đi…thêm một lần 3 tỷ.

Những cảm giác sợ hãi rủi ro tiềm ẩn làm tôi không ít lần muốn bỏ nghề, song vẫn cố gắng bởi khi ấy không phải chỉ là “yêu” nghề mình đã chọn mà còn là mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”… Thế là tôi lại hít một hơi thật sâu và vực lại tinh thần.

Rủi ro đã đành, làm giao dịch viên chúng tôi cũng còn nặng gánh với áp lực chỉ tiêu nữa. Có lần đi tiệc, tôi nghe một VVIP nói rằng, con gái ngân hàng giờ như “cave”. Chúng tôi nhìn nhau sửng sốt nhưng lại cười qua loa khi nghe được đáp án “ …Thì cứ ngửi thấy mùi tiền là lao đến”. Ừ cũng chẳng sai, có những mối quan hệ cả đời chẳng quan tâm nhưng biết họ có tiền gửi là lại nhào vào, nhiều khi cũng thấy “khinh” bản thân vì có cảm giác lợi dụng người ta. Đến cả bữa ăn của con cũng phải đi khắp xóm đò đưa câu chuyện nhưng kết lại vẫn là phục vụ chỉ tiêu “huy động”.

Rồi có những hôm trời mưa vắng khách thì chia nhau ra “đi chợ”, nhìn như kiểu đi shopping, thực chất là đi sale chả thua kém các anh chị làm quan hệ khách hàng. Nhiều khi trong người chẳng có xu nào còn phải đi vay, cũng không phải nhu cầu cần mua bán gì nhưng vẫn mua quầy này một thứ, quầy kia một thứ chỉ để “lấy khách”. Bảo sao đi từ đầu chợ đến cuối chợ chỗ nào cũng quen?

Nói là “ăn huy động, ngủ huy động” cũng chẳng sai với cái nghề giao dịch viên chúng tôi.

Với gia đình, nghề của chúng tôi cũng có nhiều áp lực lắm. Một buổi tối ngồi học cùng con, con bé mới học lớp 1 hỏi: “Mẹ ơi con hỏi cái này nhưng mẹ đừng mắng con. Sao mẹ không đón con ở cổng trường lúc con đi học về như mẹ các bạn?”. Trái tim tôi như nghẹt lại, sống mũi cay cay và ôm con vào lòng nước mắt trào ra. Con có biết đâu rằng cái nghề “hào nhoáng” của mẹ 4h30’ là giờ cao điểm mà mẹ không thể bỏ vị trí để đón con trong mọi trường hợp. Phụ nữ có gia đình nếu không được gia đình cảm thông, chia sẻ thì có yêu nghề đến mấy cũng không gắn bó được.

Cay đắng là thế nhưng niềm vui, hạnh phúc thì cũng chẳng thể nào kể xiết. Vui nào bằng những giao dịch viên chúng tôi được tặng thơ nhân dịp 8/3 khi qua con mắt của bác khách hàng, tất cả những người ngồi quầy trở ên xinh đẹp lạ thường. Vui nào bằng các khách hàng thân quen mang đến cho ít trái cây vườn theo mùa để sẻ chia về thành quả mà họ làm ra. Niềm hạnh phúc nào hơn khi khách hàng đến lần này rồi lần sau nữa vẫn dành cho chúng tôi những cái nhìn đầy thiện cảm và hứa hẹn lần sau, lần sau nữa…

Tôi cũng yêu lắm, nhớ lắm khi nghỉ sinh 6 tháng không được mặc bộ đồng phục của ngân hàng. Một ngày, chạy xe ra đường nhìn thấy đồng nghiệp mặc đồng phục, cái màu xanh thân thương làm lòng tôi rạo rực, sống mũi cay cay. Mong sao thời gian trôi thật nhanh để tôi lại được khoác lên mình bộ đồng phục ấy. Vui như trẻ con được mặc áo mới vậy, cái cảm giác thấy mình thật xinh đẹp, rạng ngời cứ như thời còn đi học.

… Cứ thế thời gian trôi qua gần 7 năm rồi.

7 năm gắn bó, không lương cao, thưởng cao như người bên ngoài nghĩ, nhưng giá trị lớn hơn cả những thứ đó mà tôi nhận được và tự hào đó chính là những mối quan hệ làm nên hai chữ “Khách hàng”. Được khách hàng yêu quý, tin tưởng, ủng hộ làm tôi thấy hạnh phúc và là động lực để tôi thêm yêu nghề, thêm yêu hai tiếng ngân hàng đã tạo nên duyên giữa tôi với nghề tài chính.

Đào Thị Thùy Linh (Ngân hàng An Bình)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên