Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái nào để ổn định tỷ giá?
MBS cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và NHNN sẽ bán ra USD và hút VNĐ về nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
- 01-12-2016TS. Cấn Văn Lực: “Áp lực tỷ giá cuối năm tương đối lớn”
- 01-12-2016Tỷ giá USD/VND tăng vọt sáng nay
- 30-11-2016Ngân hàng Nhà nước dám “đấu” về tỷ giá đến mức nào?
Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng so với cuối tháng 11 do nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng tăng từ yếu tố mùa vụ và NHNN rút bớt tiền ra khỏi hệ thống.
Theo báo cáo của CTCK MB (MBS), lãi suất liên ngân hàng có nhìn chung xu hướng tăng với hai tuần trước (tăng 1,1 điểm phần trăm đối với qua đêm, 1,2 điểm phần trăm đối với 1 tuần, 1,3 phần trăm đối với 2 tuần, 1,4 phần trăm đối với 1 tháng) và không còn ở mức thấp, cho thấy nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Trong hai tuần qua, NHNN hút ròng tiền ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu cũng gây áp lực lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.
MBS cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và NHNN sẽ bán ra USD và hút VNĐ về nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã có dấu hiệu chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Trong tuần có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng và một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Lãi suất huy động USD: Hiện lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,89%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
"Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng vào những tháng cuối năm", báo cáo của MBS nhận định.
Trong khi đó, tỷ giá tăng khá mạnh trong hai tuần qua, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng lên mức 22.124 (tăng 4 đồng so với hai tuần trước). Tỷ giá tại giao dịch các NHTM ở mức 22.720 tăng 120 VNĐ so với hai tuần trước. MBS cho rằng đây là hiệu ứng ngắn hạn do nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 và USD tăng giá trên thị trường thế giới. Tổ chức này đánh giá NHNN hiện đủ dư địa để điều hành tỷ giá ổn định và mức mất giá của VND so với USD sẽ không quá cao.
Cũng trong một báo cáo mới đây, NHNN đã nhận định những diễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong tháng 11 vừa qua là dễ hiểu vì từ đầu năm 2016 NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên thế giới, đồng đô la Mỹ cũng như các đồng tiền khác biến động. Tuy nhiên, về cơ bản cung cầu ngoại tệ trong nước không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đẩy đủ.