Ngân hàng Thế giới: Doanh nghiệp Việt kiến nghị gì trước những tác động dài hạn của Covid-19 sau 4-5 năm?
Ngày 12/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Lễ Công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam". Tại đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu, thời điểm này, toàn cầu vẫn đang gồng mình trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Dù vaccine đang được gấp rút tiêm chủng ở nhiều quốc gia, nhưng nhân loại vẫn đang đứng trước những rủi ro lớn trước đại dịch.
- 12-03-2021Bộ Ngoại giao nói gì về khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19?
- 12-03-2021Thừa Thiên Huế có thêm dự án khu công nghiệp hơn 2.600 tỷ đồng
- 11-03-202115/17 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư, nhưng tỷ lệ lấp đầy tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn thấp
Những góc độ ảnh hưởng khác nhau của Covid-19 đến doanh nghiệp Việt
Đặc biệt, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới và cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đã đặt được tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng này, các doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tổn thất và sự chống chịu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những giới hạn.
Theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời là chủ thể quan trọng khi ứng phó với các vấn đề toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19.
Từ đó, ông đặt ra loạt câu hỏi: "Vậy, trong vòng một năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp? Họ ứng phó ra sao trước đại dịch và các giải pháp của Chính phủ có hiệu quả như thế nào?".
Báo cáo của WB bao gồm khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của Covid-19 và ứng phó của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi gần 90% doanh nghiệp Việt Nam đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch với nhiều góc độ khác nhau, với nhiều hệ luỵ, điển hình như: giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân đối về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn...
Nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ hoặc ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm hoạt động.
Những chính sách hỗ trợ vẫn chỉ là ngắn hạn
Do tác động của Covid-19, năm 2020 cũng là năm có mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với nhiều năm trước. Đây cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt kỷ lục, vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Liên quan đến vai trò của Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, 75% doanh nghiệp cho rằng các chính sách của Chính phủ là hữu ích, từ thực tiễn thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua.
Song, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị, bên cạnh những giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành và tổ chức thực hiện như miễn, giảm thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí hoạt động kinh doanh thì cần phải chú trọng đến các giải pháp có tính chất dài hạn hơn.
Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết cho giai đoạn kinh tế phục hồi. Doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm đến phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng, hình thành các chuỗi cung ứng Việt.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ phục hồi bền vững của doanh nghiệp. "Đây chính là nền tảng quan trọng nhất".
Cơ hội khi các đối tác lớn: Nhật, Mỹ, EU, Úc đang tìm nơi để rời các cứ điểm sản xuất chính
Theo đại diện VCCI, thực thi thì bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Vì vậy, cải thiện năng lượng thực thi để nâng cao hiệu quả thực thi thông qua bộ ngành, chính quyền địa phương tăng cường phổ biến chính sách hỗ trợ.
Nghiên cứu cũng áp dụng thêm một số giải pháp mà các quốc gia khác đang thực hiện, như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì tỷ lệ người lao động cao, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động...
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu trong nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, tạo ra giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo cơ hội hưởng lợi từ các FTA...
Đại dịch Covid-19 cũng tạo cho Việt Nam cơ hội để làm việc này khi các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc đang tìm nơi để chuyển một phần nguồn cung ứng cho các chuỗi của họ ra khỏi các cứ điểm sản xuất chính hiện hành. Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, cần có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể trụ lại được và vượt lên sau Covid-19.
Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên toàn cầu, một số dự báo cũng cảnh báo rằng chúng ta chỉ có thể loại trừ được hoàn toàn dịch bệnh Covid-19 sau 4-5 năm nữa. Ông Lộc kết luận, thời gian tới, cần có những chính sách mang tính dài hạn và trung hạn hơn, chứ không phải là những biện pháp trước mắt.