Ngăn Nhật đánh bắt cá voi, chống Mỹ thử bom nguyên tử, tổ chức hoạt động vì môi trường này khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Hòa Bình Xanh (Greenpeace) can thiệp vào mọi hoạt động tổn hại tới môi trường, từ thử hạt nhân của chính phủ Mỹ, săn bắt cá voi của Nhật Bản hay phát triển thực phẩm biến đổi gen của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Thảm sát loài vật lớn nhất hành tinh
Tiếng nổ lớn vang lên, mũi lao sắt loại lớn xé gió cắm xuống dưới đại dương xanh. Gần như ngay sau đó, vết máu loang nổ trên biển. Một chú cá voi khổng lồ đã bị mũi lao nhọn có ngạnh và dây buộc găm vào người. Những mũi lao khác nhanh chóng được phóng xuống để đảm bảo con vật không thể trốn thoát.
Đó là các hoạt động thường ngày trên những con tàu đánh bắt cá voi mà người Nhật mô tả là phục vụ nghiên cứu khoa học của họ. Bất chấp lệnh cấm của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản vẫn tiến hành đánh bắt cá voi dưới danh nghĩa này. Thực tế, thịt cá voi là thực phẩm truyền thống và quan trọng của người Nhật Bản suốt nhiều thế kỷ qua và người Nhật có vẻ không từ bỏ nó dù cá voi đang bên bờ vực tuyệt chủng.
Thậm chí, người Nhật giờ đây còn quyết tâm hơn thế. Những ngày cuối cùng của năm 2018, Nhật Bản đã đơn phương rút khỏi Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế bất chấp sự chỉ trích. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhật Bản cho phép các tàu săn bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại trở lại hoạt động công khai, lần đầu tiên sau 30 năm qua.
Tuy nhiên, người Nhật sẽ không thể thoải mái sát hại loài động vật lớn nhất đang tồn tại trên trái đất này.
Được thành lập năm 1971, Tổ chức Hòa bình xanh nổi tiếng khắp thế giới với những chiến dịch chống săn bắt cá voi. Khi mới bắt đầu, nhóm này dùng những chiếc thuyền nhỏ, lao ra giữa tàu săn bắt và con cá voi. Họ dùng chính thân mình để ngăn mũi lao phóng về phía những con vật hiền lành và hoàn toàn vô hại với con người này. Những thước phim quay lại hoạt động đó nhanh chóng khiến cả thế giới đứng lên chống lại các hoạt động đánh bắt cá voi.
Vào những năm 1980, Hòa bình xanh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trên khắp thế giới. Cùng với đó là hiệp ước cấm săn bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại. Khi người Nhật quyết tâm đánh bắt cá voi, Hòa bình xanh tiếp tục lao ra biển để thành những tấm lá chắn sống bảo vệ loài động vật lớn nhất hành tinh. Họ cũng thu thập và công bố nhiều bằng chứng cho thấy người Nhật không đánh bắt cá voi phục vụ mục đích khoa học mà giết chúng để lấy thịt và mỡ.
Tổ chức phi lợi nhuận "kén chọn tiền tài trợ"
Năm 1971, Hòa bình xanh (Greenpeace) ra đời theo ý tưởng của Irving Stowe và Dorothy Stowe, hai nhà hoạt động vì môi trường của Canada và Mỹ. Tổ chức này khẳng định mục tiêu của họ là đảm bảo cho Trái đất có thể nuôi dưỡng tất cả sự sống đa dạng của nó. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động chống săn bắt cá voi, Hòa bình xanh còn nổi danh với các chiến dịch chống biến đỏi khí hậu, phá rừng, đánh bắt quá mức hay biến đổi gen và cả các chương trình hạt nhân.
Ở thời điểm hiện tại, Hòa bình xanh có văn phòng tại 39 quốc gia với trung tâm điều phối chính có trụ ở tại Amsterdam, Hà Lan. Tổ chức phi chính phủ này sử dụng nhiều phương pháp, từ hành động trực tiếp, vận động hành lang, nghiên cứu và các hoạt động sinh thái để đạt được mục đích bảo vệ môi trường của mình.
Hòa bình xanh không nhận tiền tài trợ từ các chính phủ, doanh nghiệp hay các đảng phái chính trị. Nguồn kinh phí của họ dựa hoàn toàn vào sự ủng hộ của 3 triệu cá nhân và các hoạt động quyên góp khác. Chính sự độc lập này giúp tổ chức này bảo vệ môi trường mà không phải chịu bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng không chấp hành tất cả luật lệ trong đấu tranh. Xuất hiện những chỉ trích nhằm vào Hòa bình xanh khi họ tiến hành các hoạt động phá hoại thực phẩm biến đổi gen đang trong quá trình thử nghiệm. Một số thành viên của tổ chức bị phạt tiền, thậm chí là án tù treo. Dẫu vậy, điều này cũng không ngăn chặn ý chí đấu tranh của họ mà chỉ cho thấy họ quyết tâm tới mức độ nào.
Lịch sử chống vũ khí hạt nhân
Ra đời với mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng nhiệm vụ đầu tiên của Hòa bình xanh khiến nhiều người phải kinh ngạc – ngăn chặn Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới biển. Ra đời từ ý tưởng của các nhà hoạt động môi trường, Hòa bình xanh muốn Mỹ dừng các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở đảo Amchitka, Alaska cuối những năm 1960, đầu 1970. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh lên tới đỉnh điểm, các hoạt động này chỉ như muối bỏ biển.
Cuộc họp đầu tiên của Hòa bình xanh được tổ chức tại tư gia của nhà sáng lập Irving Stowe nằm tại số 2775 đường Courtenay, British Columbia, Canada. Khi mới chỉ có số người ít ỏi tham gia, tổ chức hoạt động vì môi trường này đã lên kế hoạch đi tàu tới địa điểm Mỹ dự định tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân để ngăn cản. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát Biển của Mỹ không để họ đạt được điều đó.
Quân đội Mỹ kích nổ quả bom khi tàu của nhóm Hòa bình xanh bị buộc phải rời đi nơi khác. Tuy nhiên, các hoạt động này làm dấy lên sự chỉ trích của người dân Mỹ, điều khiến Lầu Năm Góc phải hủy bỏ kế hoạch thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở Amchitka sau đó.
Trải qua nhiều năm hoạt động, Hòa bình xanh hiện đang có 3 tàu trong biên chế, bao gồm Rainbow Warrior (2011); MV Arctic Sunrise và MV Esperanza. Hai chiếc MV Arctic Sunrise và MV Esperanza đều là những con tàu hiện đại, có thể chống chịu sóng to, gió lớn và đáp ứng các hoạt động dài ngày trên biển nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo thống kê từ năm 2008, Hòa bình xanh có 2.400 nhân viên chính thức và 15.00 tình nguyện viên. Năm 2011, ngân sách của tổ chức này là gần 400 triệu USD. Cơ cấu tổ chức của nó gồm Ban giám đốc, được bầu ra trong Hội nghị Thường niên.
Tổng hợp
Sự kiện: Kinh doanh tử tế
Xem tất cả >>- Quyết tâm chống "ô nhiễm trắng", doanh nhân Việt sáng tạo vải tái chế mới, mở thương hiệu thời trang hạng sang trên đất Mỹ
- LEGO – “Vệ sĩ” của trẻ em trên toàn thế giới
- Con gái Dr.Thanh: Câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha tôi là bán xe máy mua xe đạp!
- Sẵn sàng uống nước từ bồn cầu sau khi xử lý, đây là cách Bill Gates và quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng ông làm thay đổi thế giới
- Thành lập công ty để “trả nợ rừng”