MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ngân hàng "thay da đổi thịt" 10 năm sau khủng hoảng

17-09-2018 - 14:27 PM | Tài chính quốc tế

Nhưng điều đó có đồng nghĩa hệ thống tài chính đã trở nên an toàn hơn?

Masood - ông chủ của Express Cafe, tiệm cafe dạo ở bên ngoài số 745 đại lộ số 7 nằm ở ngay trung tâm Manhattan – là người đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ đầu đến cuối. Năm 1998, ông bán cafe cho những công nhân làm việc tại công trường nơi tòa tháp 32 tầng của Morgan Stanley mọc lên. Năm 2001, ông chào đón những nhân viên của Lehman Brothers hồ hởi chuyển sang đây vì trụ sở của họ đã bị phá hủy sau vụ tấn công 11/9.

Ông ở đó vào ngày định mệnh 15/9/2008, nhìn thấy những nhân viên Lehman bước ra khỏi tòa nhà với những chiếc hộp giấy trên tay vì vừa bị sa thải – hình ảnh ngày nay đã trở thành biểu tượng mỗi khi nhắc đến khủng hoảng tài chính 2008. Và ông cũng chứng kiến những ngày sau đó, khi nhiều nhân viên Lehman quay trở lại (cũng với những chiếc hộp giấy) để dọn dẹp "đống đổ nát", với sự trợ giúp của Barclays.

Sự kiện Lehman sụp đổ không phải là thời khắc mà khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra hay ở mức đỉnh điểm: hàng tuần sau đó thị trường chứng kiến nhiều vụ phá sản "kinh thiên động địa khác". Nhưng 15/9/2008 là thời khắc mà người ta bất chợt nhận ra những thứ trước đó từng được cho là không thể xảy ra hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Một ngân hàng khổng lồ đã được cho phép phá sản. Thị trường tín dụng ngay lập tức đóng băng trên toàn thế giới. Hệ thống tài chính hoàn toàn sụp đổ, kéo theo đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ đại khủng hoảng những năm 1930.

Các ngân hàng đã khỏe mạnh hơn?

Nhưng theo nhiều cách, 10 năm qua tại số 745 Seventh Avenue mọi thứ dường như không thay đổi mấy. Masood chỉ ra những màn hình bao quanh tòa nhà đã chuyển từ màu xanh lá cây của Lehman sang màu xanh da trời của Barclays. Nhưng "trời không sập" và thị trường chứng khoán thì đã hồi phục mạnh mẽ để liên tiếp lập đỉnh.

Các ngân hàng đầu tư cũng đã nhộn nhịp trở lại, dù sự hào hứng không còn được đặt ở vị trí cũ. Trong giới tài chính, giờ đây những ngân hàng như Lehman không còn là tâm điểm chú ý, trái lại thị trường hứng khởi với các công ty vốn cổ phần tư nhân, các giao dịch tần số cao dựa trên thuật toán và các quỹ ETF tự động. Còn trong kinh doanh, công nghệ là ngành được quan tâm hơn so với tài chính.

Các ngân hàng có thể hết "hot", nhưng câu chuyện vẫn giống như trong quá khứ. Quay trở lại năm 2007, 5 định chế hàng đầu có 32,6% doanh thu đến từ mảng ngân hàng đầu tư, theo số liệu của Dealogic. Ngày nay tỷ trọng ở mức tương tự, dù trong danh sách UBS đã được thay thế bởi Bank of America Merrill Lynch.

Ngành ngân hàng thay da đổi thịt 10 năm sau khủng hoảng - Ảnh 1.

10 năm sau khủng hoảng, doanh thu ròng của các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã hồi phục.

Trong mảng ngân hàng thương mại, danh sách 5 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ vẫn giống như 11 năm trước. Chỉ có nhóm ngân hàng nhỏ hơn là có nhiều xáo trộn: ở Mỹ, đó là sự biến mất của Bear Stearns, Washington Mutual, Wachovia và Countrywide. Ở châu Âu, HBOS của Anh và Dresdner của Đức lần lượt bị Lloyds và Commerzbank thâu tóm.

Nhiều định chế tài chính lớn đã được giải cứu, ở Mỹ là bởi chương trình giải cứu tài sản xấu TARP hay trong trường hợp của RBS và AIG là chính sách quốc hữu hóa. Có hàng tá các ngân hàng nhỏ bị thâu tóm. Ở Tây Ban Nha, từ con số 55 giảm xuống chỉ còn hơn 10. Kết quả là các ngân hàng lớn nhất ngày càng phình to, ở cả châu Âu và Mỹ tỷ trọng nắm giữ tài sản của 5 ngân hàng lớn nhất đã tăng lên.

Tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng trong vốn hóa của S&P 500 đã giảm từ 10% xuống còn 6%. Nhưng dường như đám mây u ám bao phủ ngành này đã tan đi. Các ngân hàng Mỹ, đặc biệt là Morgan Stanley, mới đây đã báo cáo kết quả kinh doanh rất khả quan. Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, thậm chí cho rằng "thời hoàng kim" của các ngân hàng đang quay trở lại. Lợi nhuận bắt đầu cải thiện trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, chất lượng tín dụng tốt và các luật lệ cũng bớt hà khắc hơn.

Kể cả các ngân hàng châu Âu, dù chậm chạp hơn trong việc rũ bỏ khủng hoảng, cũng đang nhìn về tương lai xán lạn. Hồi tháng 8, ông chủ Jes Staley Barclays, báo cáo một trong những "quý sạch sẽ" (không có ghi giảm tài sản hay những khoản phạt) đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây của Barclays. Mức thù lao cao chót vót đang trở lại: năm 2017, ông chủ mới của AIG, Brian Duperreault, được trả 43 triệu USD. Ông Dimon nhận 29,5 triệu USD, Lloy Blankfein của Goldman Sachs nhận 24 triệu USD và Brian Moynihan của Bank of America nhận 23 triệu USD.

Những ông lớn về xếp hạng tín nhiệm – nhóm đã không cảnh báo về những tài sản xấu trong thời kỳ khủng hoảng – vẫn đang chiếm thế thượng phong dù đã có nhiều lợi kêu gọi phải cải tổ. Báo cáo được Ủy ban chứng khoán Mỹ công bố tháng 12/2017 cho thấy Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch tổng cộng vẫn chiếm tới 96,4% thị phần.

Điều không thay đổi đáng chú ý nhất lại nằm ở bộ phận đã khơi mào cho khủng hoảng: các khoản nợ thế chấp ở Mỹ. Trong những năm trước khi khủng hoảng nổ ra, tỷ lệ sở hữu nhà đã tăng lên nhanh chóng, từ 64% lên 69%. Giá nhà cũng tăng vọt. Theo ước tính của Fed chi nhánh St Louis, khủng hoảng nổ ra 9 triệu chủ sở hữu nhà ở Mỹ đã bị tịch thu nhà, tương đương 10% -15% tổng số. Từ 2008 đến 2011, giá 1 căn hộ ở Miami đã giảm gần một nửa, từ 3.720 USD/m2 xuống còn 1.830 USD.

Trong số 55 ngân hàng hoạt động ở hạt Miami-Dade năm 2008, hiện chỉ còn 28 ngân hàng tồn tại. Tuy nhiên, trên mảnh đất phía sau Grove Bank and Trust, ngân hàng lâu đời nhất trong số đó, đã mọc lên 2 tòa tháp mới được thiết bởi kiến trúc sư nổi tiếng Rem Koolhaas. Những căn hộ tại đây được bán với giá cao hơn cả năm 2008.

Bối cảnh hiện tại có nhiều điểm tương đồng với quá khứ, nhưng hệ thống tài chính đã có những thay đổi đáng kể. Trong đó 2 lĩnh vực nổi bật nhất là bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Tỷ lệ vốn cấp 1 – chỉ tiêu thể hiện số vốn mà các ngân hàng sử dụng để tài trợ cho chính mình – đã tăng đáng kể. Ở châu Âu tỷ lệ vốn trên tài sản đã tăng gần 2/3 (từ 8,8% lên 14,7%) và gần 1/3 ở Mỹ (từ 9,8% lên 12,9%). Kết quả là chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã giảm xuống.

Theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), các ngân hàng đã tăng đáng kể lượng tiền gửi. Trong giai đoạn 2007 – 2016, các ngân hàng châu Âu – từng lâm vào rắc rối vì phụ thuộc vào nguồn vốn bằng đồng USD trong giai đoạn trước khủng hoảng – đã giảm 40% các khoản tiền gửi từ bên ngoài châu lục. Đặc biệt, các ngân hàng đầu tư châu Âu đã thu hẹp đáng kể so với các đối thủ Mỹ.

Khi nguồn vốn bị thu hẹp và đắt đỏ hơn, các ông chủ ngân hàng cũng cư xử khác đi. Các mảng kinh doanh có tỷ lệ đòn bẩy cao và mức độ biến động lớn, đặc biệt là tự doanh chứng khoán, đã bị thu hẹp đáng kể. Ngược lại các lĩnh vực cần ít vốn và tạo ra lợi nhuận ổn định hơn như quản lý tài sản được chú trọng phát triển.

Các ngân hàng cũng cắt giảm lượng lớn nhân sự hay tìm cách thuê ngoài. Nhiều startup hoạt động trong lĩnh vực fintech đã thay đổi mô hình kinh doanh từ cạnh tranh với ngân hàng truyền thống sang hỗ trợ họ. Ví dụ, ban đầu Zest muốn sử dụng phần mềm để xây dựng danh mục nợ nhưng giờ đây chuyên cung cấp dịch vụ phân tích tín dụng cho các định chế tài chính. Jack Henry & Associates, Fiserv và FIS là 3 công ty cung cấp phần mềm xử lý dữ liệu và mobile-banking cho hàng nghìn định chế tài chính.

Hệ thống giám sát được tăng cường

Văn hóa của ngành ngân hàng cũng đã thay đổi. Lehman từng được lèo lái – và có kết thúc chẳng hề tốt đẹp – bởi những nhân viên được khuyến khích luôn đưa ra các sáng kiến và tạo ra cơ hội mới, kết quả là có quá nhiều rủi ro được tạo ra. Bây giờ các ngân hàng hoạt động theo cơ chế chặt chẽ hơn, quy củ hơn.

Trong bối cảnh các ngân hàng lùi lại, ngày càng có nhiều nguồn tín dụng đến từ bên ngoài hệ thống ngân hàng. Kể từ sau khủng hoảng, lượng trái phiếu dài hạn do các doanh nghiệp phát hành đã tăng lên mạnh mẽ. Các công ty vốn cổ phần tư nhân cũng tham gia vào hoạt động cho vay, với tổng lượng tài sản dưới quyền quản lý (AUM) từ con số 0 tròn trĩnh năm 2006 giờ đã lên đến 200 tỷ USD.

Khủng hoảng đã sản sinh một cấu trúc giám sát mới. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là ví dụ điển hình về 1 định chế được trao nhiều quyền hơn và gần như không bị tổn hại sau khủng hoảng. Có lẽ chính việc quyền lực tập trung trong tay Fed là một trong những nguyên nhân giúp các ngân hàng Mỹ hồi phục nhanh hơn so với các ngân hàng châu Âu.

Fed đã tăng số người làm việc trong bộ máy giám sát từ 3.000 lên 4.800 người. Fed thường nói rằng hệ thống tài chính Mỹ trở nên an toàn hơn nhờ các bài kiểm tra "stress test" được triển khai hàng năm, giúp đánh giá mức độ chịu đựng của các ngân hàng trước các cú sốc. Bên cạnh đó Fed còn áp dụng cơ chế giám sát "forward – looking", trong đó có tính đến những giả định về tương lai thay vì chỉ dựa vào các số liệu thống kê có độ trễ.

Tuy nhiên, kể cả với những người tin rằng việc tăng cường giám sát đang mang lại nhiều hiệu quả, ngày nay hệ thống vẫn tồn tại 1 rủi ro lớn: các bên tham gia thị trường tin rằng nếu như tình hình xấu đi một lần nữa thì đã có Chính phủ sẵn sàng giải cứu, do đó có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn một chút. Đó là điều rất nguy hiểm.

Còn đối với Masood, ông vẫn sẽ tiếp tục bán cafe cho những cán bộ ngân hàng làm việc ở số 745. Những vị khách này "sộp" hơn so với các công nhân xây dựng từ thời kỳ xa xưa, nhưng chẳng gì có thể so sánh với những năm tháng hoàng kim trước 2008, khi Masood thường nhận được những khoản tiền bo hậu hĩnh, thậm chí có lúc lên tới 10.000 USD. Ông đã từ chối tấm séc đó vì giá trị của nó quá lớn so với cốc cafe mà mình bán. Nếu các cán bộ ngân hàng cũng nghĩ được như Masood, có lẽ câu chuyện về khủng hoảng tài chính đã không tệ đến vậy.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên