MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam: Nhìn từ Vissan, Kinh Đô, Bibica… lo thương hiệu lớn mất dần vào tay doanh nghiệp ngoại

Làn sóng mua bán, sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành thực phẩm, đồ uống, theo nhận định của Vietnam Report.

Ngành thực phẩm và đồ uống được xem là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ngành này được dự báo có đà doanh thu tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm.

Theo khảo sát của Vietnam Report hồi tháng 9 vừa qua, 66% doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng họ sẽ tăng trưởng trong mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, chỉ có 27% cho rằng tăng trưởng dưới 10% và 7% cho rằng kết quả kinh doanh không đổi so với năm ngoái.

Theo khảo sát, hiện có 3 xu hướng chính trong ngành thực phẩm, đồ uống nổi lên trong giai đoạn 2019 – 2020.

Đầu tiên là sự sự bùng nổ của các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện môi trường. Tiếp đó là, sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Cuối cùng là khả năng sáng tạo từ dữ liệu lớn.

Cùng với 3 xu hướng chính nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức trong thời gian tới.

Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report cho thấy trong thời gian 2019-2020, đa số các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chính bao gồm: Chất lượng nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào; quy mô nhỏ; thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản.

Một số thách thức, khó khăn khác do doanh nghiệp đưa ra, mặc chiếm tỷ lệ không nhiều những cũng đáng lưu tâm như thị trường thế giới giảm giá, cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường nội địa.

Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng, có hai khó khăn, thách thức chính của các doanh nghiệp trong thị trường.

Thứ nhất, nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đi đôi với đó là các yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu khi các hiệp định đối tác thương mại đã được thông qua. Ví dụ ngành sữa chỉ đáp ứng được khoảng 25%; 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu. Các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon, chế phẩm enzym... chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu.

Thứ hai, làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành.

Theo đó, điểm đáng lo ngại là những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường, đang dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Cụ thể như các thương hiệu Việt nổi tiếng như Vissan, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu tre, Kinh Đô, Bibica, ABC…

"Mức độ cạnh tranh trong ngành thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Sự cạnh tranh đến mức nhiều doanh nghiệp nội bị thôn tính và sáp nhập, nguyên nhân chính là do thói quen văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi kịp so với sự hội nhập", báo cáo nêu rõ.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống cũng đã khá chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn.

Trong câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp trong năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng sẽ tập trung vào đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ phản hồi khoảng gần 96%); Nghiên cứu thị hiếu của người dùng (khoảng 68%); và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu (khoảng 46%)

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên