MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết xử lý nợ xấu lúc này là quá chậm so với nhu cầu thực tiễn

26-05-2017 - 15:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu Mai Hồng Hải, đoàn Hải Phòng đồng tình với ý kiến không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm cá nhân/tổ chức gây ra nợ xấu. Hai nguyên tắc này trong dự thảo chưa được thể hiện rõ.

Bày tỏ ý kiến tại buổi thảo luận tại tổ chiều nay (26/5), đại biểu Mai Hồng Hải, đoàn Hải Phòng cho rằng việc ban hành một Nghị quyết xử lý nợ xấu ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết, thậm chí là quá chậm so với nhu cầu thực tiễn.

Việc xử lý nợ xấu nhìn tận gốc vấn đề là xử lý vướng mắc của cả nền kinh tế chứ không riêng gì ngân hàng.

Đại biểu cũng đồng ý với nguyên tắc là không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm cá nhân/tổ chức gây ra nợ xấu. Hai nguyên tắc này trong dự thảo chưa được thể hiện rõ.

Có hai điểm, vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và mua bán nợ dưới giá sổ sách. Đại biểu cho rằng, trước Hiến pháp 2013 đã có quy định về tài sản đảm bảo trong hoạt động của TCTD. Việc này có liên quan đến quyền không? Bản thân thu giữ tài sản đảm bảo là đã đăng ký với pháp luật rằng không trả được nợ thì phải trả lại tài sản cho chủ nợ. Nhưng khi giải quyết, thu giữ tài sản này lại rất phức tạp, đặc biệt là với tổ chức tín dụng.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo có hướng dẫn dưới Nghị định để thực hiện việc này cho rõ ràng.

Về bán nợ dưới giá sổ sách là tạo quyết tâm cho tổ chức tín dụng thực hiện điều này. Nhưng liên quan đến việc theo hướng dẫn của NHNN, có hiệu lực trong 5 năm, thì tới đây thông tư hướng dẫn xử lý nợ xấu thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay để NHNN hướng dẫn?

Đại biểu cũng băn khoăn về điều 15 liên quan đến thuế và phí, đại biểu thống nhất với Ủy ban kinh tế rằng không miễn phí, thuế liên quan nợ xấu, vì như thế vô hình chung ta đưa nguyên tắc không sử dụng tiền ngân sách xử lý nợ xấu mà lại miễn phí thuế thì mâu thuẫn nhau vì phí và thuế đều là ngân sách.

Ngoài ra, đại biểu Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra có thêm thông tin về số nợ xấu phân loại theo nguyên nhân, hoàn cảnh để có cơ chế xử lý thuận lợi hơn. Từ đó quay về cơ chế thu giữ tài sản đảm bảo cần đưa vào luật để được giải quyết thuận lợi hơn.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên