MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài "săn sale khủng", nhà đầu tư mong đợi điều gì từ sự kiện mua sắm Lễ Độc thân của Alibaba?

11-11-2019 - 19:27 PM | Tài chính quốc tế

Nếu Lễ Độc thân năm nay là một sự kiện bùng nổ khác, doanh số phá vỡ kỷ lục năm ngoái thì cổ phiếu của Alibaba lại chứng kiến sự thúc đẩy mạnh mẽ, vốn đã tăng 36% kể từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, việc người Trung Quốc chi tiền mua sắm trong ngày này sẽ là chỉ báo đáng tín cậy cho nền kinh tế của họ.

"Những bàn tay bị chặt" là một từ được giới trẻ Trung Quốc sử dụng để miêu tả niềm đam mê mua sắm của họ đối với những sản phẩm trực tuyến. Bởi vậy, họ không thể kiểm soát được chính mình khi chi tiền, hoặc là để bàn tay "nhấn nút" mua đồ "chảy máu" nhiều hơn.

Bước vào sự kiện Lễ Độc thân năm nay, rất nhiều người Trung Quốc sẽ thực hiện chính xác điều đó. Thế nhưng, số tiền họ chi để mua sắm không chỉ là một chỉ báo đối với sự tăng trưởng của Alibaba, mà còn là cả nền kinh tế Trung Quốc.

Đầu những năm 1990, Ngày Độc thân lần đầu tiên được tổ chức tại quốc gia này, như là một "cuộc nổi dậy" chống lại ngày Lễ Tình nhân Valentine và ăn mừng trạng thái độc thân. Theo đó, năm 2019, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba đã sử dụng khái niệm này để tạo điều kiện cho người tiêu dùng Trung Quốc tự mua quà cho bản thân.

Năm ngoái, tổng khối lượng giao dịch trong ngày này đã đạt tới mức 30,8 tỷ USD, tăng từ mức 7 tỷ USD trong năm 2009, cao hơn doanh số của Lễ Tạ ơn, Black Friday, Cyber Monday và Prime Day của Amazon cộng lại. Theo David Dai, một nhà phân tích của Bernstein, con số trên tương đương với mỗi người trong số 680 triệu người dùng của Alibaba chi 48 USD.

Sự kiện mua sắm thường niên Lễ Độc thân của Alibaba đã chính thức bắt đầu, tổng giá trị lượng mua hàng trong chưa đầy 90 phút đã đạt mức 114 tỷ CNY (16,3 tỷ USD), tiếp tục lập kỷ lục mới khi con số này cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Theo dự đoán, doanh số có thể lên đến 31 tỷ USD khi sự kiện kết thúc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo nhiều bất ổn và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ì ạch.

Báo cáo lợi nhuận mới nhất của Alibaba có thể đưa ra một số dấu hiệu cần thiết cho các nhà đầu tư. Trong quý III/2019, tăng trưởng doanh thu của công ty đạt mức 40% so với cùng kỳ năm trước và P/E tăng 36%. Cả 2 con số này đều vượt ước tính của các chuyên gia ở Phố Wall, bởi người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tiếp tục mua sắm mạnh tay dù sản xuất và xuất khẩu sụt giảm. Theo dự kiến của Alibaba, doanh thu của năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 3 sẽ đạt mức 500 tỷ CNY (71,5 tỷ USD). Trong đó, dịp Lễ Độc thân sẽ đóng vai trò lớn.

Nếu Lễ Độc thân năm nay là một sự kiện bùng nổ khác, doanh số phá vỡ kỷ lục năm ngoái thì cổ phiếu của Alibaba sẽ chứng kiến sự thúc đẩy mạnh mẽ, vốn đã tăng 36% kể từ đầu năm đến nay. Thế nhưng, nếu con số không đạt mức dự kiến, thì giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và nhà đầu tư sẽ rất bất ngờ.

Sau sự kiện mua sắm thường niên này, nhà đầu tư có thể có một lý do khác để "ăn mừng", bởi Alibaba dự kiến sẽ IPO tại sàn Hồng Kông ngay trong tháng này. Kế hoạch này được công ty lớn nhất châu Á đưa ra sau khi Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài được phát hành cổ phiếu tại Trung Quốc. Điều này có thể sẽ tạo điều kiện cho "khách hàng thân thiết" của Alibaba thực sự được sở hữu cổ phần của công ty này.

Tuy nhiên, mục tiêu huy động vốn đã được hạ xuống mức từ 10 tỷ USD đến15 tỷ USD, trong khi ước tính hồi đầu năm nay là 20 tỷ USD. Quá trình niêm yết cũng bị chậm trễ do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình, bất ổn chính trị tại Hồng Kông. 

Dù thương vụ IPO diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Trung đã phát đi những tín hiệu tích cực về thoả thuận thương mại, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng sự tách rời của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng đến lượng vốn. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã xem xét đề xuất hạn chế lượng vốn được đầu tư vào Trung Quốc, có thể sẽ huỷ niêm yết một số công ty của đại lục.

Việc Alibaba niêm yết tại Hồng Kông có thể là một nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro từ lời đề xuất trên. Tháng trước, Jane Sun - giám đốc điều hành của Ctrip - một công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ, chia sẻ với Barron's rằng nếu Mỹ thực hiện động thái trên, thì họ sẽ luôn có những lựa chọn thay thế khác.

Các nhà quản lý quỹ thì không cho rằng động thái ấy của Mỹ có ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu. Các nhà quản lý đầu tư vào những công ty Trung Quốc áp dụng ngày càng nhiều cách tiếp cận "đổ hết vào Trung Quốc", đa dạng hoá giữa các cổ phiếu đại lục niêm yết ở Mỹ, Hồng Kông, cổ phiếu hạng A niêm yết ở Trung Quốc, khi Bắc Kinh nới lỏng quy định đối với các thương vụ IPO.

Giang Ng

Barron's

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên