Người dân gửi gần 3,5 triệu tỷ đồng vào ngân hàng
Tiền gửi vẫn có tính hấp dẫn riêng của nó so với các kênh đầu tư khác vì độ an toàn gần như tuyệt đối.
Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 9/2016, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế đạt hơn 6,82 triệu tỷ đồng, tăng 13,46% so với cuối năm trước.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 2,34 triệu tỷ đồng, tăng 10,65% so với cuối năm trước. Tiền gửi của dân cư tăng mạnh 17,08% đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng.
Lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ trong năm nay, trong đó tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,3 – 5,5%/năm còn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được các ngân hàng niêm yết chênh lệch nhau khá nhiều, phổ biến trên dưới 7%/năm song ở một số ngân hàng cổ phần vẫn niêm yết lên đến 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất huy động dù mặt bằng thấp song vẫn được người dân ưa chuộng vì tính an toàn gần như tuyệt đối, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản dù có thể đem lại lợi nhuận cao hơn nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo các chuyên gia, chính vì thế nên tiền gửi vẫn có tính hấp dẫn riêng của nó. 9 tháng đầu năm nay, riêng tiền gửi của dân cư vào các tổ chức tín dụng đã tăng thêm hơn 500 nghìn tỷ đồng so với cuối năm trước.