Người đàn ông này được xếp vào nhóm người giỏi nhất trong thế giới người Do Thái
Thống lĩnh nền kinh tế của cường quốc số 1 thế giới tới 2 thập kỷ, trải qua bao nhiêu đời tổng thống Mỹ vẫn được tín nhiệm, đó là Alan Greenspan.
- 14-09-2016Chân dung "kẻ tội đồ" của thế giới đã gây nên khủng hoảng tài chính 2008
- 14-09-2016Phố Wall lại đỏ sàn
- 14-09-2016Hanjin chính là ‘Anh em Lehman’ của ngành vận tải biển
Nhắc đến nền kinh tế Mỹ, chắc chắn mọi người phải nói đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi tổ chức này có vị thế chủ chốt trong hệ thống tài chính của đất nước cũng như có ảnh hưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhắc đến FED thì không thể không nói đến cựu Chủ tịch Alan Greenspan, người giữ vai trò lãnh đạo tổ chức này trong khoảng 1987-2006.
Lịch sử của một anh hùng
Ông Alan Greenspan sinh ra tại thành phố New York- Mỹ vào năm 1926 với người cha là một giao dịch viên chứng khoán và là một nhà môi giới.
Ban đầu, ông Greenspan theo học âm nhạc tại trường Julliard vào năm 1943 trước khi chuyển sang học tài chính tại đại học New York vào năm 1948.
Trong suốt thời kỳ sau tốt nghiệp, từ năm 1977-1987, ông Greenspan đã tham gia thị trường chứng khoán và tài chính Mỹ cũng như làm cố vấn cho các chiến dịch tranh cử của một số chính trị gia. Đặc biệt, ông Greenspan đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của Richard Nixon trong chiến dịch tranh cử năm 1968.
Sau chiến thắng của Tổng thống Nixon, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng.
Đến năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan chỉ định ông Greespan là người lãnh đạo FED mới thay thế cho Paul Volcker và ông giữ cương vị này cho đến tận năm 2006.
Trong thời kỳ này, hàng loạt những vị tổng thống đã đến và đi, như Reagan, George H.Bush (cha), Bill Clinton, George W.Bush (con) nhưng ông Greenspan vẫn giữ được chiếc ghế lãnh đạo FED nhờ những quyết định bình ổn thị trường mạnh tay dựa trên chính sách tiền tệ.
Ngay khi lên nắm quyền 2 tháng tại FED, ông Greenspan đã ban hành một loạt các chính sách nhằm đảm bảo tính thanh khoản của thị trường tài chính khi Phố Wall chao đảo do những tác động từ khủng hoảng kinh tế cũng như bất ổn địa chính trị.
Năm 1997, khi nền kinh tế Châu Á lâm và khủng hoảng tài chính và tác động đến toàn thế giới, ông Greenspan là người đã quyết định hạ lãi suất cơ bản tại Mỹ xuống mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.
Đến năm 1999, khi tình hình tế toàn cầu đã ổn định hơn, ông Greenspan quyết định tăng mạnh lãi suất trở lại nhằm đối phó với rủi ro lạm phát cũng như khủng hoảng kinh tế đã từng xảy ra trước đó.
Tuy nhiên vụ khủng bố 11/9/2001 cũng như cuộc sụp đổ của thị trường bóng bóng dotcom đã buộc nhà lãnh đạo FED này phải hạ lãi suất cũng như tung tiền ra thị trường nhằm đảm bảo ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.
Trong khoảng 1995-2001, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của những công ty công nghệ do nhà đầu tư kỳ vọng những tiến bộ của Internet sẽ tạo nên nhiều giá trị hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, sự tăng giá thái quá vượt lên khả năng thực tế khiến hàng loạt cổ phiếu của các công ty mất giá trị trong khoảng 1999-2001 do nhà đầu tư bắt đầu bán tháo. Nhà đầu tư Mỹ gọi sự kiện này là vụ bong bóng dotcom.
Tiếp những năm sau đó, FED đã thực hiện chính sách lãi suất thấp nhằm kích thích đầu tư và tiêu dùng trên thị trường Mỹ. Cho đến năm 2004, mức lãi suất này thậm chí đã giảm xuống 1%.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ông Greenspan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn biến động 1991-2000 của nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Ảnh hưởng của ông đến nền kinh tế thế giới cũng được ghi nhận khi tạp chí Sunday Times của Anh đã bình chọn ông là 1 trong 3 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia này.
Năm 2000, Pháp trao tặng ông Greenspan Huân chương Danh dự, còn Nữ hoàng Anh phong cho ông danh hiệu kỵ sỹ vào năm 2002.
Đến năm 2005, đích thân tổng thống George W.Bush trao tặng Huân chương Tự do cho ông Greenspan nhờ những cống hiến to lớn đối với nền kinh tế Mỹ.
Với những thành tựu và đóng góp to lớn đó, tiếng nói của Alen Greenspan trong ngành tài chính luôn được nhiều chuyên gia tôn trọng. Dẫu vậy, ông cũng trở thành tâm điểm cho những chỉ trích vì đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008.
Kể từ khi thôi chức vụ chủ tịch FED, ông Greenspan thành lập công ty tư vấn tài chính và tiếp tục có tầm ảnh hưởng trong giới chuyên gia.
Ông Greenspan được Tổng thống Bush trao huân chương năm 2005
Từ anh hùng trở thành kẻ tội đồ
Sau vụ khủng bố 11/9 và ảnh hưởng của sự xì hơi thị trường bong bóng dotcom, Chủ tịch Greenspan và FED bắt đầu chính sách kích thích kinh tế với nhiều đợt hạ lãi suất. Những động thái này đã kích thích đầu tư cũng như tiêu dùng của người Mỹ.
Tuy nhiên, chính những yếu tố này cũng đã thổi phồng thị trường bất động sản trong khoảng 2002-2006. Chi tiêu cho xây dựng nhà ở tại Mỹ vào năm 2005 đã đạt đỉnh 6,5% nhưng FED vẫn chưa nhận ra mối hiểm họa mà họ gây ra.
Theo giáo sư John Taylor của trường đại học Stanford, đáng lẽ ra FED phải nâng lãi suất từ cuối năm 2001 và đạt mức 5% vào năm 2005. Tuy nhiên, ông Greenspan lại để lãi suất tiếp tục hạ đến mức 1% vào năm 2004 sau đó mới dần tăng lên 5% vào năm 2006.
Hậu quả là người dân Mỹ ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng để đổ vào bất động sản, nhất là khi thị trường chứng khoán mới thoat khỏi vụ dotcom và chưa hồi phục trở lại.
Số liệu của giáo sư Taylor cho thấy số nhà xây mới tại Mỹ đã vượt qua quá nhiều so với mức cân bằng thực tế giả thuyết, tạo nên cơn đổ vỡ bong bóng bất động sản năm 2006-2007, qua đó gây nên vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Lãi suất cơ bản của FED và lãi suất theo khuyến nghị của giáo sư Taylor
Số nhà xây mới tại Mỹ trong thời kỳ bong bóng và số nhà cân bằng thực tế theo lý thuyết của giáo sư Taylor (triệu nhà)
Trong cuốn tự truyện sau này phát hành, ông Greenspan thừa nhận mình đã không lường trước được thị trường sẽ đổ vỡ nhanh chóng như vậy và dự đoán sai lầm rằng quy luật bàn tay vô hình sẽ tự động điều chỉnh nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo FED này cũng cho rằng chính sự tăng trưởng nóng của Trung Quốc là nguyên nhân khiến dư thừa tài sản tích lũy trên thị trường toàn cầu, qua đó khiến lãi suất dài hạn giảm sâu. Đây là điều mà ông Greenspan không thể nào kiểm soát khi mà FED chỉ có thể kiểm soát lãi suất ngắn hạn.
Hiện vẫn còn những ý kiến trái chiều về công tội của ông Greenspan, nhưng không thể phủ nhận rằng tài năng của ông đã khiến hệ thống tài chính Mỹ vượt qua nhiều cơn sóng gió trong khoảng 1987-2006. Dù đánh giá của các chuyên gia về vị chủ tịch FED là thế nào đi chăng nữa thì sự thực là ông Greenspan cũng giữ vị trí lãnh đạo tổ chức này lâu thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ.
Trí thức trẻ/CafeBiz