MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người mắc bệnh gan ngày càng tăng, bác sĩ BV Việt Đức: "Không một cơ thể khoẻ mạnh nào có thể chịu đựng được thói quen uống bia rượu của người Việt"

23-12-2019 - 09:03 AM | Sống

Bác sĩ tiết lộ một bí mật động trời: "Tỷ lệ người bị viêm gan B hiện nay trong cộng đồng người Việt rất cao, việc uống rượu nhiều ở những người đó gần như là đang tự sát".

Dịp Tết cận kề, bia rượu là một trong vấn nạn được nhiều người quan tâm nhất. Bác sĩ "nghìn like" nổi tiếng trên mạng xã hội Trần Quốc Khánh với những chia sẻ bổ ích về sức khoẻ mới đây đã kể "Câu chuyện ngày cận Tết: Sức chịu đựng của con người chỉ có giới hạn" được đông đảo mọi người chú ý. Vẫn là câu chuyện Tết và những ly rượu cốc bia ngày cuối năm thường được nhắc đến nhưng năm nay, mọi người hãy nên ưu tiên đặt hai chữ "sức khoẻ" để thấy được cơ thể mình đang trong tình trạng nào.

"Ngay cạnh phòng khám chỗ tôi có một nhà hàng lớn, mấy ngày cuối năm này cứ tầm gần 8h tối ra về bác sĩ lại chứng kiến những nhóm người thất thểu đi ra, hơi thở nồng nặc cồn, có người đi không vững phải hai người dìu, có người cúi gục đầu vào bên đường nôn oẹ, người xiêu vẹo vẫy taxi...

Không biết tôi có điêu quá không khi nói rằng đó là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của đàn ông Việt ngày Tết, một "tệ nạn" của những trụ cột trong gia đình. Rồi thêm tin nữa, ngày hôm kia, tôi biết tin một người quen là doanh nhân đã phải nhập viện cấp cứu vì suy gan cấp do uống quá nhiều rượu khi tiếp khách dịp cuối năm.

Anh chị ơi, không một cơ thể khoẻ mạnh nào có thể chịu đựng được thói quen uống bia rượu của người Việt: Uống mỗi lần vô cùng nhiều cũng như uống rất nhiều lần trong ngày - trong tuần. Một trong những cơ quan bị tổn thương sớm nhất - nghiêm trọng nhất đó chính là Gan, anh chị ạ.

Gan vô cùng quan trọng, nó giống như một kho "hậu cần" tiếp nhận mọi loại chất chúng ta thu nạp vào, phân loại chúng, thải bỏ chất độc và tạo ra những "tinh chất" để dòng máu mang đi nuôi các tế bào. Nói về vai trò, xin anh chị hãy xem gan là "Người anh hùng thầm lặng", tuy nhiên hầu hết trong mọi người đang đối xử vô cùng tệ bạc với nó, để rồi ngày nay, gan của rất nhiều trong chúng ta đã bị tổn thương nghiêm trọng và tổn thương đến rất sớm.

Và một tỷ lệ lớn trong đó đã bị suy, bị xơ, bị ung thư... Anh chị có biết không? Khi gan đã bị suy mạn hay ung thư, tiên lượng sẽ vô cùng kém, trừ khi có gan ghép.

Với bệnh lý gan, tôi xin nhấn mạnh, chỉ có những giải pháp dự phòng, hạn chế nguy cơ bị tổn thương gan trong lối sống hằng ngày mới chính là "chìa khoá" ưu việt nhất giúp lá gan quý giá của chúng ta khoẻ mạnh. Và dưới đây, tôi xin được gửi đến mọi người những nội dung dự phòng chính đó, mong sao không chỉ Tết này mà cả trong từng ngày sống, anh chị lưu tâm thực hiện:

Người mắc bệnh gan ngày càng tăng, bác sĩ BV Việt Đức: Không một cơ thể khoẻ mạnh nào có thể chịu đựng được thói quen uống bia rượu của người Việt - Ảnh 1.

1. HẠN CHẾ BIA RƯỢU GIẢI PHÁP SỐ 1

Chất alcohol sau khi uống sẽ tiếp xúc với gan rất nhanh, các tế bào gan vô cùng vất vả để xử lý cũng như thải độc. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta hiện nay đang dùng một lượng rượu bia lớn trong mỗi lần uống, vượt quá khả năng xử lý và chịu đựng của gan dẫn đến việc tế bào gan bị tổn thương, phá huỷ rất khủng khiếp sau mỗi lần uống và sự tái tạo của tế bào gan không thể đấu lại được với mức độ phá huỷ này.

Khuyến cáo hiện nay, mọi người chỉ nên dùng 1 ly rượu mỗi ngày với nữ giới và 2 ly với nam giới (rượu 40 độ trở lại), nguy hại cho gan nói riêng và cho cơ thể nói chung sẽ xuất hiện khi ta dùng quá 8 ly mỗi tuần với nữ giới và 15 ly với nam giới. Tính cho cả tuần, anh chị nhé!

Điều đáng buồn hiện nay, hầu hết nam giới đang chỉ cần 1 bữa nhậu đã có thể phá vỡ con số quota 15 ly cho mỗi tuần rồi, và những ngày còn lại trong tuần đó, thêm không biết bao lần nhậu tiếp. Tệ nạn uống rượu hiện nay còn nguy hiểm hơn khi nhiều người uống rượu ngâm hỗn hợp nhiều loại động thực vật khác nhau để uống cùng một lúc hoặc uống rượu có nồng độ quá cao (trên 40 độ).

Tôi đã từng chứng kiến một bác sĩ bị suy gan cấp phải nhập viên do uống rượu ngâm cùng một lúc mấy loại "thuốc quý" như bìm bịp, rắn, nhân sâm, tắc kè… Nếu anh chị ngâm rượu, xin hãy ngâm riêng rẽ từng loại thực vật, động vật, và mỗi bữa chỉ nên dùng một trong các loại rượu ngâm đó mà thôi, và cũng chỉ dùng với số lượng rất ít. Tuyệt đối không uống nhiều loại rượu ngâm trong mỗi lần uống. Và nếu có ngâm rượu, tôi cũng khuyến cáo mọi người nên ưu tiên ngâm thảo dược hơn là ngâm các loài động vật, nội tạng, anh chị nhé!

Tỷ lệ người bị viêm gan B hiện nay trong cộng đồng người Việt rất cao, việc uống rượu nhiều ở những người đó gần như là đang tự sát, vậy nên tôi thành tâm van xin những người đàn ông "rường cột" của gia đình nếu bị viêm gan B xin hãy bỏ rượu bia trước khi quá muộn, vì chính mạng sống của mình và cũng cho cả tương lai của gia đình nhỏ thân yêu.

Có dịp vào khoa cấp cứu, gan mật, ung bướu ở các bệnh viện trên khắp cả nước, các anh sẽ thấy tỷ lệ người bị gan nhiễm mỡ, viêm gan nhiễm độc, suy gan cấp, xơ gan cổ trướng, ung thư gan… đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, bệnh nhân chen chúc nhau để nằm chữa trị. Một phần nguyên nhân đến từ chính "tệ nạn" bia rượu của các anh. Tôi xin mọi người ghi nhớ, khi gan đã bị xơ - bị suy mạn, chưa nói đến ung thư gan, thì thời gian sống đã không còn được nhiêu nữa, trừ khi chúng ta có đủ tiền và cả đủ "duyên" để có gan ghép (chỉ riêng tiền cần hơn 1 tỷ).

Người mắc bệnh gan ngày càng tăng, bác sĩ BV Việt Đức: Không một cơ thể khoẻ mạnh nào có thể chịu đựng được thói quen uống bia rượu của người Việt - Ảnh 2.

2. KIỂM SOÁT VIỆC DÙNG THUỐC CHỮA BỆNH LÀ GIẢI PHÁP SỐ 2

Chúng ta chỉ dùng thuốc chữa bệnh khi thực sự cần thiết và nghiêm ngặt tuân thủ theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không được dùng quá liều so với đơn bác sĩ kê (thói quen một số người sẽ dùng tăng gấp rưỡi, gấp đôi liều dùng với mong muốn khỏi bệnh nhanh, đó là điều vô cùng nguy hiểm). Tuyệt đối không được uống rượu bia khi dùng thuốc chữa bệnh, cũng như tuyệt đối không được phối hợp thuốc đông - tây y, thuốc tây với thuốc nam, nghĩa là phối hợp rất nhiều thuốc của nhiều phương thuốc khác nhau cho mỗi lần chữa trị.

Tôi đã từng gặp bệnh nhân sáng uống thuốc tây, chiều sắc thuốc bắc uống, vô cùng nguy hiểm. Hiện nay nhiều bệnh nhân nhập viên cấp cứu do suy gan, suy thận cấp sau dùng thuốc nam - thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc. Bác sĩ xin anh chị lưu ý, với thuốc nam - thuốc gia truyền, chúng ta không thể kiểm soát được thành phần, hàm lượng, tạp chất cũng như những tác dụng phụ, tác dụng cộng hưởng... khi dùng. Còn chưa kể rất nhiều trong các bài thuốc đó có chứa những kim loại nặng vô cùng độc hại như chì, thuỷ ngân...

Những thành phần không được phép xuất hiện trong cơ thể chúng ta. Trước khi dùng thuốc, tôi cũng rất mong anh chị đọc kỹ những chỉ dẫn đi kèm, đặc biệt hai dòng thuốc:

• Những thuốc giảm đau không cần kê đơn như Acetaminophen (Tylenol..), Aspirin, Ibuprofen (Advil, Motrin IB...) và Naproxen (Aleve..) có thể làm hỏng gan của chúng ta, đặc biệt nếu uống thường xuyên, quá liều hoặc kết hợp với rượu.

• Những thuốc kê đơn liên quan đến tổn thương gan nghiêm trọng bao gồm các loại thuốc Statin được sử dụng để điều trị tăng mỡ máu, thuốc kháng sinh kết hợp amoxicillin-clavulanate (Augmentin), phenytoin (Dilantin, Phenytek), azathioprine (Azasan, Imuran), niacin (Niaspan), kiacin và steroid đồng hóa... Anh chị cần lưu ý nhé!

• Khi chúng ta bắt buộc phải dùng một hoặc nhiều những nhóm thuốc trong thời gian dài (chữa Lao, ung thư, bệnh hệ thống, bệnh miễn dịch...) thì việc tìm hiểu kỹ để lựa chọn phác đồ ít tác dụng phụ nhất, dùng thuốc hỗ trợ gan kèm theo cũng như kiểm tra chức năng gan thận định kỳ là điều bắt buộc, anh chị nhé!

➢ Những thảo dược, thực phẩm chức nặng, kẹo cốm bổ dưỡng ở trẻ em... cũng rất dễ gây tổn thương gan nếu chúng ta dùng không đúng hay lạm dụng nó, đặc biệt là trẻ nhỏ khi lá gan chưa được hoàn thiện đầy đủ. Một số loại thảo mộc được coi là có nguy cơ tổn thương tế bào gan, chúng bao gồm nha đam, cohosh đen, cascara, chaparral, comfrey, kava và ephedra. Trẻ em có thể bị tổn thương gan nếu nhầm lẫn dùng vitamin trong kẹo với số lượng nhiều.

3. THẬN TRỌNG VỚI HOÁ CHẤT

Các hóa chất phổ biến có thể gây tổn thương gan bao gồm dung môi làm sạch khô carbon tetrachloride, một chất gọi là vinyl clorua (được sử dụng để sản xuất nhựa), paraquat trong thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và một nhóm hóa chất công nghiệp gọi là biphenyls polychlorin hóa. Nếu anh chị làm tiếp xúc với các hóa chất độc hại, hãy thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ tránh phơi nhiễm như dùng khẩu trang, găng tay, mũ và áo quần bảo hộ.

Người mắc bệnh gan ngày càng tăng, bác sĩ BV Việt Đức: Không một cơ thể khoẻ mạnh nào có thể chịu đựng được thói quen uống bia rượu của người Việt - Ảnh 3.

4. TIÊM PHÒNG ĐẦY ĐỦ VẮC XIN PHÒNG VIÊM GAN A, B

Một động tác rất nhỏ những đóng vai trò vô cùng lớn lao giúp chúng ta tránh được nguy cơ bị lây nhiễm virus viêm gan A và B, đặc biệt là con nhỏ và những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao bị phơi nhiễm (nhân viên y tế, thợ cắt tóc, thợ xăm hình...)

5. KIỂM TRA SỨC KHOẺ ĐỊNH KỲ

Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để phát hiện sớm các dị tật, bệnh lý gan mật, nên xử lý sớm, tránh ứ mật, viêm-xơ gan (bệnh lý nang ống mật chủ, bất thường đường mật, sỏi mật, u đầu tuỵ…).

6. CẨN THẬN ĐỘC TỐ AFLATOXIN TRONG THỰC PHẨM

Chất gây ung thư gan này được tạo ra bởi một loại nấm có trong đậu phộng, lúa mì, đậu nành, hạt lạc, ngô, gạo bị mố hoặc bảo quản trong môi trường ẩm ướt. Mặc dù nguy cơ sử dụng những sản phẩm ngũ cốc chứa nấm này có thể xảy ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng nó phổ biến hơn ở các nước nhiệt đới nóng ẩm. Ở những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu, việc kiểm tra thực phẩm về việc có nhiễm aflatoxin là điều bắt buộc.

7. LƯU Ý TRONG LỐI SỐNG

Nghiêm ngặt tuân thủ dùng kim tiêm riêng rẽ, vô trùng. Lưu ý khi đi xăm hình, truyền máu, cắt tóc, cạo râu và dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.... Tránh tiếp xúc tối đa với máu cũng như các chất dịch cơ thể của người khác, vì virus viêm gan có thể lây lan qua những con đường đó.

Người mắc bệnh gan ngày càng tăng, bác sĩ BV Việt Đức: Không một cơ thể khoẻ mạnh nào có thể chịu đựng được thói quen uống bia rượu của người Việt - Ảnh 4.

8. GIẢM CÂN, TRÁNH BÉO PHÌ VÀ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG MÁU TỐT VỚI NHỮNG NGƯỜI BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Vì chính béo phì và tình trạng tăng đường huyết kéo dài cũng là nguyên nhân gây bệnh lý gan nhiễm mỡ (Nonalcoholic fatty liver disease).

9. Chúng ta có thể sàng lọc sớm bằng công nghệ gene nếu trong gia đình có người thân bị đột biến gen nhất định liên quan đến những tổn thương gan, từ đó chủ động đưa ra những giải pháp dự phòng cần thiết để bảo vệ gan. Ví dụ như gene trên nhiễm sắc thể 14 chịu trách nhiệm sản xuất protein alpha1-antitrypsin.

10. Lưu ý với nữ giới, người già và trẻ nhỏ: Phụ nữ dường như chuyển hóa một số độc tố chậm hơn nam giới nên gan của nữ tiếp xúc với nồng độ các chất có hại trong máu cao hơn trong một thời gian dài. Điều này làm tăng nguy cơ viêm gan độc hại. Với người già cũng vậy, việc thải loại các chất có hại cũng chậm hơn nên các độc tố và sản phẩm phụ của chúng tồn tại trong cơ thể lâu hơn, nguy cơ tổn thương gan sẽ cao hơn. Với trẻ nhỏ, luôn giữ tất cả các loại thuốc và vitamin bổ sung tránh xa tầm tay, anh chị nhé!

Trên đây là 10 NỘI DUNG CHÍNH giúp chúng ta có được một lá gan khoẻ mạnh, tôi rất mong anh chị ghi nhớ và thực hiện."

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên