Người phát ngôn Chính phủ trả lời về cá chết ở miền Trung
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định địa phương còn lúng túng trong xử lý thông tin cá chết, song Chính phủ và các thành viên đã chủ động, tích cực
- 03-05-2016Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ cá chết tại miền Trung
- 03-05-2016Bộ TN&MT yêu cầu các tỉnh hàng ngày báo cáo kết quả xác định nguyên nhân cá chết
- 03-05-2016Chuyên gia Đức, Mỹ đến Việt Nam tìm nguyên nhân cá chết
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, hiện tượng cá chết tại miền Trung là vụ việc đầu tiên xảy ra ở vùng biển trên diện rộng. Do đó, các cơ quan chức năng chưa có kinh nghiệm để xử lý tình huống như vậy.
|Tuy nhiên, thủ tướng đã chỉ đạo sớm vụ việc, vào trực tiếp nơi xảy ra vụ việc, cử các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng vào, cùng các nhà khoa học, phối hợp với các tỉnh để xử lý" - Ông Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ thì để đảm bảo sớm tìm ra nguyên nhân khách quan, Thủ tướng đã chỉ đạo mời chuyên gia nước ngoài, dựa trên chứng cứ xác đáng kết luận công khai minh bạch vụ việc.
Theo đó, giao Bộ Tài nguyên môi trường công bố kết quả liên quan, rà soát các dự án xả thải liên quan, quy trình thiết kế, cấp phép xả thải. Người phát ngôn Chính phủ khẳng định: "Quan điểm lớn là không loại trừ tổ chức và cá nhân nào."
Mặc dù vậy, ông Mai Tiến Dũng cũng nhìn nhận, đây là vụ việc đầu tiên, chưa xử lý kịp thời. Do đó, tại cuộc họp Thủ tướng đã yêu cầu rút kinh nghiệm khi thông tin báo cáo từ địa phương lên Chính phủcòn chậm, thụ đồng và việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Ngay sau đó thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp.
Theo đó, Thủ tướng, các phó thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết vụ việc; tập trung vào những nội dung sau:
1. Yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ Khoa học - công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam khẩn trương, trong thời gian sớm nhất làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, có tính liên ngành cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì, phối hợp với chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, các bộ ngành và các cơ quan chức năng huy động lực lượng các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học nước ngoài khẩn trương, sớm kết luận nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học, độc lập.
2. Giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân và hộ kinh doanh hải sản bị thiệt hại; bảo đảm ổn định cuộc sống, không để người dân thiếu đói do phải ngừng nuôi trồng, khai thác hải sản, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn và trường hợp bị thiệt hại nặng.
3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung điều tra, làm rõ các vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xác định các đối tượng tung tin xuyên tạc, lợi dụng để kích động phá hoại, gây rối an ninh trật tự, chống Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm đúng các quy định về xả thải và quan trắc môi trường.
Giao Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, khu công nghiệp xả thải ra môi trường biển, đặc biệt các cơ sở có tổng lượng thải lớn ra môi trường biển, bảo đảm khách quan, khoa học, đúng pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm và khắc phục hậu quả.
Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của Nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Tĩnh.
5. Giao các bộ, ngành và địa phương liên quan chỉ đạo thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm; nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh, sử dụng hải sản chết làm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học - công nghệ, Tài nguyên - môi trường và các cơ quan liên quan sớm xác định rõ độc tố (nếu có) trong các loại thủy hải sản ảnh hưởng đến sức khỏe con người; khuyến cáo người dân sử dụng thủy hải sản bảo đảm an toàn.
6. Giao Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản triển khai đồng bộ các giải pháp thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ đã được xác nhận bảo đảm an toàn. Thiết lập và công bố đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngư dân.
7. Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan nghiên cứu phương án miễn, giảm, khoanh nợ, giãn nợ những khoản vay cũ và tiếp tục cho vay mới để ngư dân phát triển sản xuất.
8. Bộ Thông tin - truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, chính xác, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, kích động nhằm ổn định tình hình, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận.
Động viên nhân dân tiếp tục khai thác hải sản xa bờ; phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin và truyền thông về sản phẩm hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh và du lịch tại các tỉnh ven biển miền Trung.
9. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Khoa học - công nghệ về nguyên nhân, giao Bộ Tài nguyên - môi trường - là cơ quan phát ngôn về vấn đề này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Hiện nay, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó đã quyết định hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại cấp 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng; hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được mỗi tàu 5 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ thu mua cá và dịch vụ nghề cá; hỗ trợ tiêu hủy cá chết.