MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người vay tiền phập phồng lo lãi suất tăng

27-03-2017 - 05:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Đang có sức ép rất lớn lên mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là trong bối cảnh sức ép lãi suất huy động tăng mạnh.

So với đầu năm, thị trường ghi nhận nhiều ngân hàng (NH) đã thay bảng niêm yết lãi suất huy động mới, tăng 0,1%-1,5%/năm tùy theo từng kỳ hạn.

Lãi suất cho vay rục rịch tăng

Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), do tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trong khi thanh khoản hệ thống NH có sự phân hóa, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng tại khá nhiều NH thương mại.

Điển hình như OceanBank tăng lãi suất kỳ hạn sáu tháng, 11 tháng và 12 tháng lên 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%/năm.

Không đứng ngoài xu hướng này, EximBank, DongA Bank, Techcombank… cũng đã tăng lãi suất huy động. Thậm chí có một số trường hợp liên tục tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn khác nhau rải rác ở nhiều thời điểm khác nhau.

Đáng chú ý những ngày gần đây, hàng loạt NH thương mại đã tung ra các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất “siêu khủng”. Chẳng hạn VPBank tung ra gói chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 9,2%/năm hay Sacombank với lãi suất 8,88%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến các NH tăng lãi suất huy động là do: Theo thông tư mới của NHNN, từ đầu năm nay tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 60% trước đây về còn 50% và xuống còn 40% vào năm 2018.

Dưới áp lực của quy định này, ngay cả đối với các NH thuộc tốp trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn một trong hai cách: Một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn. Hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.

Lãi suất đang tăng nhanh khiến người vay tiền lo lắng. Trong ảnh: Khách đang tìm hiểu vay vốn tại một ngân hàng. Ảnh: TL
Lãi suất đang tăng nhanh khiến người vay tiền lo lắng. Trong ảnh: Khách đang tìm hiểu vay vốn tại một ngân hàng. Ảnh: TL

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhấn mạnh: “Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm nay khó có thể đạt được bởi ba yếu tố: Thứ nhất là sau đợt tăng lãi suất đồng USD vừa qua, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất USD thêm hai lần nữa trong năm nay. Thứ hai, lãi suất huy động được các NH đồng loạt điều chỉnh tăng. Thứ ba là áp lực lạm phát gia tăng.

“Nhiều khả năng từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có thể tăng thêm 1%” - ông Hiếu dự báo.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, ĐH NH TP.HCM, khi trả lời báo chí cũng đánh giá lãi suất cho vay hiện đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên. “Theo thông tin tôi được biết, nhiều hợp đồng vay vốn của cá nhân đã bị áp dụng lãi suất lên tới 12,5%-13%/năm, tăng 0,5%-1% so với trước đây. Với mức lãi suất huy động như hiện nay, nếu để thị trường tự điều tiết, lãi suất cho vay có thể tăng thêm 2%-4%/năm trong năm nay. Trong trường hợp NHNN có chính sách can thiệp, mức tăng có thể sẽ thấp hơn, chỉ tăng khoảng 1%-2%/năm” - ông Tín nói.

Lo chi phí sẽ tăng

Lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, đặc biệt là tại các kỳ hạn trung và dài hạn. Thực tế mối lo tăng lãi suất cho vay đã hiện hữu. Đại diện một công ty thực phẩm nói dù cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp… nhưng thị trường dường như đang đi ngược lại các ý muốn này.

“Chi phí vay vốn tăng sẽ khiến các doanh nghiệp khó hơn trong cạnh tranh với đối thủ nước ngoài” - vị đại diện công ty này bày tỏ.

Nhưng lo lắng hơn cả có lẽ là các công ty trong lĩnh vực bất động sản. Tổng giám đốc một công ty địa ốc cho biết nếu lãi suất cho vay tăng thì đương nhiên sẽ kéo theo chi phí đầu tư, nguyên liệu xây dựng, chi phí nhân công… tăng. Qua đó đẩy giá thành sản phẩm tăng lên là điều chắc chắn. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và chung quy lại mọi thiệt hại sẽ đổ lên đầu khách hàng.

“Chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán để dùng phần đó trả lãi suất cho NH. Tăng lãi suất là nỗi ám ảnh đối với các công ty bất động sản mà nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào vốn đi vay” - vị tổng giám đốc này nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), lo lắng: Nếu lãi suất cho vay tăng, chắc chắn sẽ làm sụt giảm tính thanh khoản trên thị trường bất động sản, nhất là những công ty xây dựng bất động sản cao cấp. Trong khi đó, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là tính thanh khoản.

USD tăng giá tác động lên tiền Việt Nam

Công ty Chứng khoán NH Ngoại thương (VCBS) dự báo đồng USD có xu hướng tăng giá, gây áp lực tăng lãi suất nội tệ để ổn định tỉ giá. Nguyên nhân xuất phát từ động thái tăng lãi suất của FED. FED tăng lãi suất, đồng USD lên giá sẽ khiến gia tăng xu hướng tích trữ USD, đồng nghĩa sẽ có một lượng không nhỏ tiền gửi VND tại các NH bị rút về mua USD tích trữ.

Nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0% như hiện nay, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Hệ quả là tỉ giá sẽ lại biến động và nếu muốn ngăn điều này xảy ra, lãi suất tiền đồng phải ở mức đủ hấp dẫn để người gửi tiền vẫn nắm giữ VND bất chấp kỳ vọng biến động tỉ giá.

Để đạt được cả hai mục tiêu lạm phát kiểm soát dưới 4% và GDP 6,7% là rất khó khả thi. Có lẽ Chính phủ phải chọn ưu tiên một trong hai mục tiêu đó, hoặc là giữ ổn định tiền đồng thì lãi suất phải tăng để siết chặt tiền tệ nhưng lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Ngược lại, nếu ưu tiên phát triển kinh tế thì cần đẩy một lượng tiền vào lưu thông, đẩy tín dụng ra ngoài bằng cách hạ lãi suất.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Theo Thùy Linh

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên