Người Việt phải làm 160 đôi giày Nike mới đủ tiền mua 1 đôi và câu chuyện tại sao chúng ta mãi nghèo trong mắt ông chủ Masan
Tất cả công sức của bạn, sức lao động của bạn, tạo ra giá trị gia tăng thấp hơn, nhưng sau đấy bạn trả giá cao hơn để thoả mãn nhu cầu.
- 15-02-2017Hé lộ mức lương “khủng” doanh nghiệp Nhật trả cho lao động người Việt
- 25-01-2017Người Việt được chơi casino và chuyện câu hỏi ‘khó’ của tỷ phú Mỹ
- 21-01-2017Muốn vào casino tại Việt Nam, người Việt phải từ 21 tuổi, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng và trả 1 triệu đồng vé vào cửa
Người Việt làm 160 đôi để mua được 1 đôi giày Nike
Trong một buổi phỏng vấn cách đây không lâu giữa Nguyễn Đăng Quang, ông chủ tập đoàn Masan với một tạp chí danh tiếng, ngoài những thông tin về gã khổng lồ lớn nhất ngành FMCG tại Việt Nam, thứ ông Quang nói khá nhiều chính là giá trị thương hiệu. Điều ông Quang trăn trở là giá trị ít ỏi mà Việt Nam thu về khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Một người Việt Nam phải làm 160 đôi giày Nike để mua được một đôi giày Nike. Tất cả công sức của bạn, sức lao động của bạn, tạo ra giá trị gia tăng thấp hơn, nhưng sau đấy bạn trả giá cao hơn để thoả mãn nhu cầu. Vì đó chúng ta nghèo," ông nói.
Ông chủ đế chế Masan còn chỉ ra nghịch lý về việc Việt Nam, một trong vài công xưởng sản xuất giày lớn nhất của Nike, chỉ kiếm được vài chục xu trên mỗi đôi giày được bán trên thị trường với giá trung bình khoảng 100 đô la Mỹ.
Số liệu của ông Quang cũng khá trùng hợp với thông tin mà tập đoàn Adidas từng đưa ra. Theo báo cáo thường niên năm 2015, Adidas cho biết Việt Nam là nơi gia công 41% giày của tập đoàn này, tiếp theo là Indonesia với 24% và Trung Quốc là 23%. Việt Nam hiện được xem là trung tâm gia công giày da lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu giày dép năm 2016 đạt gần 13 tỷ USD trong đó thị trường lớn nhất là Bắc Mỹ với 4,7 tỷ USD, thứ 2 là EU với 4,1 tỷ USD.
Matthew Kish, một nhà báo của Portland Business Journal từng có bài viết chi tiết về các chi phí trung bình để làm cho một đôi giày giá 100 USD. Theo đó chi phí sản xuất một đôi Nike chỉ khoảng 20-30 USD, chi phí sản xuất tại nhà máy thậm chí còn nhỏ hơn thế.
Có gì trong một đôi giày Nike?
Dưới đây là vài mẫu giày Nike được trang Solereview tổng hợp phân tích về chi phí. Những chi phí này được bóc tách dựa vào thông tin về báo cáo tài chính, số liệu kinh doanh do Nike công bố.
Chi phí nhà máy chỉ là bước đầu tiên của của một sản phẩm hoàn thành tới tay người tiêu dùng. Sau khi rời khỏi nước sản xuất gia công, một đôi giày Nike gánh thêm chi phí vận chuyển, bến bãi,.. để đến cảng địa phương. Cuối cùng là các chi phí để phân phối, làm thương hiệu cho sản phẩm.
Ngoài ra khi lênh đênh trên biển, có thể có vài container hàng hóa bị ảnh hưởng bởi bão, thiên tai hay cướp biển và tất nhiên những phí tổn này buộc Nike phải chi trả bảo hiểm trong bất kỳ trường hợp nào. Điều này hoạt động chính xác giống như mua bảo hiểm du lịch cá nhân với vé máy bay của bạn.
Khi tàu cập cảng Mỹ, những đôi giày của Nike được sẽ tính thuế. Việc tính thuế hải quan là vô cùng phức tạp. Thậm chí có cấu trúc thuế khác nhau cho cùng một loại hàng hóa nhưng có xuất xứ khác nhau, có loại bị đánh thuế 10% có loại là 20%.
Sau khi cộng tất cả chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu, chi phí của một đôi giày Nike đã cao hơn khoảng 21% so với giá xuất xưởng nhà máy.
Khi mua một đôi giày, bạn có thể không nhất thiết phải làm việc trực tiếp với Nike. Bạn có lẽ sẽ đến các cửa hàng nhượng quyền hoặc các đại lý hay mua sắm trực tuyến. Những chuỗi cửa hàng hoặc các đơn vị phân phối này cũng khiến Nike phải nâng giá thêm một chút để đảm bảo trang trải chi phí hoạt động và tạo ra lợi nhuận cho họ.
Tiếp thị là phần chi phí lớn nhất với một thương hiệu. Trong năm 2015, Nike đã dành hơn 10% doanh thu thuần cho hoạt động này. Adidas chi mạnh hơn với mức 17% của doanh thu thuần.
Giày Nike hay bất loại giày thể thao nổi tiếng nào khác nếu bạn loại bỏ đi khâu tiếp thị thì tất cả những gì bạn còn lại chỉ là vài miếng lưới, xốp, mút và các bộ phận khác được gắn với nhau bởi keo dán. Bất cứ ai có đúng loại thiết bị sản xuất và lao động có tay nghề cao có thể thiết kế một thiết kế giày nổi tiếng như Nike. Điều tạo nên sự khác biệt chính là thương hiệu.
Nếu bạn nghĩ chuyện của mấy công nhân gia công giày kia chả liên quan đến mình thì bạn đã nhầm. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao cùng tốt nghiệp ra trường, thậm chí bằng trung bình thôi mà làm lương cao hơn mình? Mấu chốt của câu chuyện cũng chính là tạo ra giá trị gia tăng thấp hơn. Thậm chí trong một công ty, bạn ngồi trên văn phòng điều hòa nhàn nhã, công việc bàn giấy thì không thể đòi hỏi được trả lương cao như những đồng nghiệp thuộc đội quan hệ khách hàng, suốt ngày bạc mặt trên đường để đem về phần lớn lợi nhuận cho công ty được.
Lời giải cho bài toán thoát nghèo ở chính cấp độ cá nhân bạn chính là tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, có thương hiệu nổi bật và tạo ra thặng dư sau khi chi tiêu thỏa mãn nhu cầu.
Trí thức trẻ