MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh còn hạn chế

03-11-2023 - 19:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh còn hạn chế - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn.

Ngày 3/11/2023, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023".

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi.

Bà Bích Ngọc đề cập đến hai khía cạnh là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, để đạt được các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đặc biệt chúng ta cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc động nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Cụ thể, chúng ta đã có ban hành 2 chiến lược tăng trưởng xanh và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có vấn đề về cơ chế ưu đãi.

Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch rất quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nỗ lực này nó cũng chỉ là cái bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều ở trước mắt", bà Bích Ngọc chia sẻ.

Theo bà Bích Ngọc, điểm nổi bật nhất của chiến lược tăng trưởng xanh là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đây sẽ là giải pháp quan trọng để chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi cái mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc ở bên ngoài, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.

Bà Bích Ngọc cho rằng quá trình chuyển đổi xanh trong đó ngành năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà đó chính là thay đổi cả nền kinh tế.

Đối với việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh thì việc huy động nguồn lực và chuyển dịch năng lượng công bằng là một phải giải pháp căn bản để giúp cho Việt Nam có thể giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu và sự cấp thiết phải cắt giảm khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

"Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chia sẻ.

Trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021.

Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hep khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân - khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, thị trường tín dụng xanh đã được thúc đẩy trong những năm vừa qua thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng xanh thông qua đàm phán, ký kết các chương trình, ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế và tiếp sau đó là bổ sung thêm 5 ngành kinh tế khác.

Kết quả từ năm 2015 đến nay, dư nợ tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, từ 71,02 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên hơn 237,9 nghìn ty đồng vào cuối năm 2018 (tăng 234,57% trong 3 năm), đến hết quý II/2019 tổng dư nợ đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với năm 2018).

Tuy nhiên, theo TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam, quy mô tín dụng vẫn còn nhỏ so với tổng tín dụng toàn hệ thống (tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh 1,55% dư nợ toàn hệ thống cuối năm 2015; 4,18% cuối quý II/2019). Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Theo báo cáo của CBI (2021) về thị trường tài chính bền vững ASEAN (bao gồm trái phiếu xanh và các khoản vay xanh), Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt giá trị là 1,5 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp 5 lần so với 0,3 tỷ USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong năm thứ ba liên tiếp.

Tính riêng thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng trưởng lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2021 với hơn 80% trái phiếu được phát hành là trái phiếu chính phủ. Tương tự như tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng đến từ các lĩnh vực giao thông và năng lượng là chính.

Theo Hải Yến

thoibaonganhang.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên