MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ lạm phát tăng cao

Quý 1/2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng vọt so với cuối năm 2017. Giá dầu thô tăng trở lại đang tác động đến giá xăng dầu trong nước; giá hàng loạt dịch vụ y tế, giáo dục và mặt hàng thiết yếu khác cũng được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Cuối 2017, các chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát tăng cao trở lại vào đầu 2018. Ngay từ đầu 2018, hàng loạt các mặt hàng thuộc 11 nhóm hàng hóa cơ bản liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt tại những nhóm hàng như thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16% vào tháng 1, tăng 0,27% vào tháng 2 và 0,02% vào tháng 3. Nhóm dịch vụ giao thông tăng 1,17% vào tháng 1 và 0,79% vào tháng 2  do xăng dầu tăng giá và nhu cầu đi lại tăng.

Đặc biệt, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng giá suốt 3 tháng đầu năm 2018 (tháng 1 tăng 1,83%; tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,98%). Đặc biệt, từ tháng 5/2018, khoảng 40 loại dịch vụ y tế tiếp tục tăng giá khiến người bệnh càng lo lắng hơn.

“CPI bình quân quý 1/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát bình quân 3 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 1,34 %”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, CPI tăng cao vào dịp đầu năm là diễn biến chỉ mang tính thời vụ khi trùng tết Nguyên đán. Song nếu so sánh với mức tăng của cùng kỳ 2017 cũng như các năm gần đây, đã thấy CPI đầu năm 2018 có mức tăng cao hơn. Cụ thể, nếu so với mức tăng 0,51% và 0,73% của hai tháng đầu năm 2018 thì tháng 1 năm 2017, CPI mức tăng thấp hơn (0,46%). Ngược dòng thời gian, CPI tháng 1/2016 không đổi so với tháng trước đó và CPI tháng 2/2016 cũng chỉ tăng 0,43%. Thậm chí, CPI hai tháng đầu năm 2015 có mức tăng là -0,55%.

“CPI dịp đầu năm tăng báo hiệu diễn biến khó lường của lạm phát năm 2018”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định. Trong khi đó, những tháng còn lại của năm 2018 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể khiến lạm phát tăng cao. Theo dự tính của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 tác động trực tiếp, làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và gián tiếp ảnh hưởng tới giá thành các mặt hàng khác của những doanh nghiệp sử dụng điện. Giá điện trong 6 tháng đầu năm 2018 dự kiến ổn định nhưng 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện.

Ngoài ra, giá xăng dầu - mặt hàng là đầu vào quan trọng của nền kinh tế được dự báo tăng khoảng 5-15% sẽ tác động làm tăng CPI thời gian tới khoảng 0,28-0,64%.

Cẩn trọng cung tiền

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, CPI quý 1 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là dấu hiệu đáng quan tâm. Cuối năm 2017 tăng trưởng tín dụng của Việt Nam khá mạnh, điều này có độ trễ để tác động đến lạm phát năm 2018. Chưa kể, năm 2018 một số mặt hàng tăng giá so với năm ngoái…

“Cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Nếu lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới thì cung tiền phải được giới hạn lại. Cùng với đó, tín dụng phải được siết lại, vì tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng. Bên cạnh việc hỗ trợ cho tăng trưởng, dòng tiền qua tín dụng lưu thông trong nền kinh tế cũng chính là mầm mống của lạm phát”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm lưu ý, việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn năm nay dự kiến sẽ tương đối nhiều. Vì vậy, Chính phủ cần điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường phù hợp, không gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá.

Trước đó, Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã cảnh báo tình trạng lạm phát tăng cao từ đầu năm sẽ gây khó khăn cho các tháng tiếp theo trong việc kiểm soát lạm phát. Theo đó, CPI năm 2018 dự báo sẽ cao hơn năm 2017, có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.

"Cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát một cách chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Nếu lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới thì cung tiền phải được giới hạn lại".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu


Theo Ngọc Linh

Tiền phong

Trở lên trên