Nguy cơ Việt Nam tụt hậu vì cách mạng công nghiệp 4.0 và việc lần đầu tiên trí thức, doanh nghiệp Việt trong nước và trên toàn cầu bắt tay nhau tìm lời giải
Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã xây dựng chuỗi Diễn đàn Kinh tế số hóa hàng năm VDEF (Vietnam Digital Economy Forum) vì một Việt Nam phát triển trong tương lai.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến cho kinh tế thế giới biến chuyển sâu rộng. Với hiệu suất kinh tế vượt trội, nhiều ngành công nghiệp đã có sự thay đổi căn bản với các mô hình kinh doanh mới ra đời. Đơn cử như ở lĩnh vực truyền thông với Facebook, Tencent; giải trí với Netflix, Pinterest; giáo dục đào tạo với Cousera, KHAN Academy; hay giao thông vận tải với Uber, Grab hay Didi Chungxing,...
Công nghệ đã giúp cho các startup giành lợi thế trên cả những lĩnh vực công nghiệp truyền thống như hạ tầng sinh học mà tiêu biểu là AWS, Google Cloud; sản xuất xe ô tô với thành tựu của Tesla; giao dịch tài chính với Lending Club, Transfer Wise hay Bitcoin. Thông qua đó, các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với Việt Nam, trong thời gian gần đây là câu chuyện phát triển của Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay trước đó là Facebook trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Ích lợi mang lại từ những mô hình này là không thể phủ nhận, tuy nhiên, nó cũng mang lại không ít mâu thuẫn, xung đột trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các các doanh nghiệp cùng ngành đang kinh doanh theo khuôn mẫu cũ. Và nhìn xa hơn, các mô hình số hoá cũng vẽ nên viễn cảnh tác động lên nhiều lĩnh vực hay có thể nói là toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế.
Chính bởi vậy, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế càng bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực.
Nghiên cứu của đại học Oxford và tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.
Các vấn đề trên không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng doanh nghiệp hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp cách mạng 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị cả về chiến lược cũng như mạnh dạn dấn bước cho một sự chuyển đổi số cấp độ quốc gia.
Trước bối cảnh đó, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng chuỗi Diễn đàn Kinh tế số hóa hàng năm VDEF (Vietnam Digital Economy Forum) vì một Việt Nam phát triển về tri thức và công nghệ, thông qua việc kết nối các chuyên gia quốc tế, lực lượng trí thức Việt Nam toàn cầu, các tập đoàn, các nhà làm chính sách trên thế giới.
Trong năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Số hóa VDEF sẽ được thực hiện với sự kết hợp và bắt tay nhau lần đầu tiên giữa đội ngũ trí thức Việt Nam trên toàn cầu với các trí thức, doanh nghiệp Việt Nam trong nước thông qua vai trò của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE và các nhóm công tác số hóa, sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF.
Các bài toán và thách thức trong nước sẽ được phản ánh rõ nét để đội ngũ trí thức Việt Nam trên toàn cầu cùng các chuyên gia quốc tế đánh giá, xem xét, phân tích thấu đáo nhằm đưa ra các gợi ý, giải pháp hữu ích cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.