Nguyên tắc vàng của nghệ thuật làm lãnh đạo ít người hiểu được: Tất cả đều nằm ở phép ứng nhân xử thế
Bản chất của lãnh đạo là một nghệ thuật thuộc về phép ứng nhân xử thế, thuộc về chính con người. Khi người lãnh đạo có được mối quan hệ đúng đắn, những thứ khác tự khắc sẽ được đặt vào đúng vị trí.
Lãnh đạo, ở cốt lõi của nó, cực kỳ đơn giản. Tuy nhiên, rất ít người sẵn lòng làm những điều cần thiết để phát triển hơn nữa khả năng lãnh đạo của mình.
Theo chuyên gia Jack Christianson, việc lãnh đạo khéo hay dở nằm ở chỗ người lãnh đạo xoay xở như thế nào với các mối quan hệ. Jack có một cuốn sách rất hay về khả năng lãnh đạo mà có thể bạn chưa biết đến có tên là Frogs Matter Most. Trong cuốn sách đó, Jack giải thích rằng các mối quan hệ quan trọng hơn nhiều so với bản thân các vấn đề. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo đều tập trung vào giải quyết vấn đề chứ không bao giờ thực sự để tâm đến việc phát triển các mối quan hệ tin cậy.
Tất nhiên, tất cả các vấn đề đều cần được giải quyết. Nhưng khi có mối quan hệ đủ tin cậy, thân mật và an toàn, những vấn đề đó có thể được giải quyết một cách rất đơn giản. Khi đối mặt với thử thách, người lãnh đạo thực sự cần xác định vai trò nào họ sẽ thực hiện, và họ sẽ tiếp cận vấn đề như thế nào.
Nghệ thuật lãnh đạo không chỉ có 2 chiều. Các nhà lãnh đạo giỏi là những người có thể đảm nhận cùng một lúc nhiều vai trò khác nhau với các phong cách khác nhau tùy thuộc vào tình hình và đối tượng mà họ đang giải quyết.
Theo Jack, con người là mục tiêu cuối cùng. Nếu có đủ sự tin tưởng, thì nhân viên sẽ không cảm giác bị tổn thương khi có sự điều chỉnh. Điều này cũng được nêu ra trong cuốn sách của Patrick Lencioni, The Five Dysfunctions Of A Team, trong đó Patrick giải thích rằng "xung đột tư tưởng theo hướng lành mạnh" là điều rất cần thiết cho sự tăng trưởng và tiến bộ.
Tuy nhiên, người ta thường ít đặt niềm tin vào các mối quan hệ của họ, và do đó, rất ít người tham gia phản biện một cách thẳng thắn, chân thành. Thay vào đó, hầu hết mọi người đều nói dối lãnh đạo của họ và hầu hết các nhà lãnh đạo cũng đều nói dối nhân viên của mình.
Trong một số trường hợp, sự trừng phạt là điều cần thiết, nhưng nó không phải lúc nào cũng tốt. Nó không đem lại hiệu quả cao hơn hay các mối quan hệ thực chất. Việc đưa ra các hình phạt thường có tính răn đe nhưng hiệu suất đó chắc chắn sẽ không kéo dài. Tuy nhiên đây là cách mà các nhà lãnh đạo hay sử dụng nhất.
Frogs Matter Most đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích về việc đạt được một mối quan hệ có sự tin tưởng lẫn nhau. Jack chia sẻ: “Là một người đã nghiên cứu về nghệ thuật lãnh đạo khi theo học bậc tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học tổ chức, tôi phải đọc rất nhiều sách cũng như các nghiên cứu về lãnh đạo. Quá trình đó giúp tôi nhận ra cuốn sách Frogs Matter Most thực sự là một viên ngọc sáng về chiến lược”.
Trong đó, Jack giải thích nghệ thuật lãnh đạo là nghệ thuật về sự tương tác giữa người với người, khi mà một mối quan hệ được đặt đúng chỗ sẽ khiến cho những thứ khác cũng trở nên đúng đắn.
Là một người dẫn dắt nhóm làm việc, tôi thấy việc quan tâm, chú trọng vào con người có thể tạo ra hiệu quả công việc đáng ngạc nhiên. Khi những nhân viên của tôi được lắng nghe, họ sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ và mối quan tâm của họ với tôi một cách cởi mở.
Trong các cuộc giao tiếp mà không có sự tin tưởng lẫn nhau, nhân viên không có cảm giác an toàn trong vai trò của họ. Họ không biết người lãnh đạo của họ đang nghĩ gì. Vì thế họ không thể yên tâm làm việc và cống hiến hết mình cho công ty.
Ngược lại, nếu có được sự tin tưởng lẫn nhau giữa sếp và nhân viên, mọi việc đều có thể được giải quyết một cách dễ dàng và ăn ý. Điều đó giải thích lí do vì sao việc xây dựng các mối quan hệ thực chất lại đem đến thành công cho người lãnh đạo.
INC