MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà 3 người ở Hà Nội tốn bao nhiêu tiền mỗi tháng?

23-10-2023 - 21:55 PM | Lifestyle

Với những gia đình dưới đây, tiết kiệm là một trong những phương pháp tốt nhất để kiểm soát tài chính.

Gia đình 3 người chi tiêu như thế nào ở Hà Nội?

Gia đình Trần Trang (35 tuổi) gồm hai vợ chồng và một con nhỏ đang sống ở Hà Nội. Thu nhập của họ dao động từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, họ có thể để dành khoản tiết kiệm là 30-40% từ thu nhập.

3 người ở Hà Nội chi phí bao nhiêu mỗi tháng? - Ảnh 1.

Trần Trang (Ảnh: NVCC)

Trần Trang chia sẻ, mỗi tháng chi phí sinh hoạt của gia đình cô dao động từ 18 - 25 triệu đồng. Trong đó, khoản tiền lớn nhất dành cho việc ăn uống dao động 10-12 triệu đồng/tháng cho cả gia đình. Để tiết kiệm chi phí ăn uống, hàng ngày Trần Trang đều cố gắng chỉ mua đủ khẩu phần ăn, tránh mua nhiều thực phẩm mà không ăn hết, từ đó sinh ra phải bỏ đi. Ngoài ra, cô nàng cũng có mối mua thực phẩm ở chợ quê, nhờ thế sẽ mua được nhiều thực phẩm sạch và có giá thành hợp lý hơn rất nhiều.

Bên cạnh tiền ăn uống, mỗi tháng gia đình Trần Trang chi khoảng  2-4,5 triệu cho đồng khoản mục xăng, xe điện thoại, điện nước. Khoản chi cho con cái sẽ dao động 3-5 triệu đồng/tháng. Trần Trang chia sẻ rằng học phí của con khá hợp lý vì trẻ đang học ở trường công. Đối với học phí cho con và tiền đóng bảo hiểm, cô thường dùng thẻ ngân hàng với khả năng được hoàn tiền cao nhất.

Một trường hợp khác, vợ chồng Mai Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) hài hước nói việc có em bé đầu lòng là "vỡ kế hoạch". Hiện tại, tổng thu nhập của cặp đôi là 15 - 20 triệu đồng/tháng. Được biết, Ngọc đang làm nhân viên hành chính, trong khi chồng là giáo viên.

Hàng tháng, họ chi 13 - 15 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, còn lại là tiền để tiết kiệm. "Mình tiêu cho tiền ăn uống hết 6 triệu đồng; phí dịch vụ và điện nước là 800 ngàn đồng; khoảng 5-8 triệu đồng cho tiền chăm con; 3 triệu đồng cho các chi phí khác. Về riêng các khoản chi tiêu dành cho con, khi em bé chào đời, có rất nhiều khoản phí chẳng hạn phí tiêm phòng khoảng 2 triệu đồng, tiền tã bỉm hơn 1 triệu đồng… chưa kể tiền mua quần áo, đồ chơi hay thuốc dự phòng", Mai Ngọc kể.

Thời điểm mới kết hôn, Ngọc cho rằng mức lương của hai vợ chồng chưa cao, không phù hợp để sinh em bé. Hơn thế nữa, cặp đôi còn muốn tiết kiệm tiền để đầu tư kinh doanh.

"Khi nhận tin có thai, cả chồng và mình đều vô cùng bất ngờ. Cảm giác đầu tiên của chúng mình là vừa mừng, vừa lo không đủ kinh tế chăm con. Thời điểm đó, vợ chồng chỉ an ủi nhau là may mà mình vẫn đang có nhà ở vùng ngoại thành, chi phí rẻ, lại có ông bà nội ngoại đỡ đần", Ngọc nhớ lại.

3 người ở Hà Nội chi phí bao nhiêu mỗi tháng? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bài học tài chính từ vợ chồng trẻ 

Mai Ngọc tự nhận có em bé khiến vợ chồng vỡ "kế hoạch tài chính". Nhưng cô cũng nhận định, việc có con sớm hơn dự định tạo động lực để họ tìm cách gia tăng thu nhập và tính đến các kế hoạch tài chính trong tương lai.

"Chồng mình đang cố gắng gia tăng thu nhập từ nghề giáo viên của anh. Trong khi mình đang học thêm về bán hàng online, vì mức lương nhân viên hành chính ở quê không quá cao. Khoảng 1-2 tháng nữa, chúng mình dự tính khi tài chính của nhà ổn định hơn sẽ thử kinh doanh trực tuyến để tạo nguồn thu nhập khác", Ngọc chia sẻ.

Để thích nghi với hoàn cảnh mới, vợ chồng Ngọc cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Hai vợ chồng hạn chế các buổi gặp mặt bạn bè, nhu cầu giải trí riêng như đi cafe, đi du lịch xả stress. Bên cạnh đó, Ngọc cũng chủ động giảm tần suất mua sắm như quần áo, mỹ phẩm để dành tiền đầu tư cho con.

Còn với gia đình Trần Trang, họ đã lên kế hoạch liên quan đến tiền bạc khá cụ thể trong những năm tới. Cụ thể trong tương lai gần gia đình cô sẽ duy trì cách quản lý chi tiêu hiện tại để có thể giữ được mức tích lũy 30-50% hàng tháng. Song song đó, họ chọn đầu tư vào các hình thức an toàn để "tiền đẻ ra tiền" dù với mức lợi nhuận không cao nhưng có thể giảm bớt tính rủi ro.

Tương lai xa 5-10 năm tới, khi có tích lũy vừa đủ tài chính, họ sẽ đầu tư các khoản lớn như mua bất động sản, kinh doanh thêm để tạo thu nhập thụ động. Điều này sẽ phụ thuộc vào đến lúc đó hình thức đầu tư nào phù hợp nhất. "Chẳng hạn như bất động sản sẽ phải mất 2-3 năm để tích lũy mới có thể mua được bất động sản từ 2-3 tỷ đồng. Còn đầu tư kinh doanh cũng tùy quy mô như cà phê bánh sẽ mất 1-2 năm tích lũy để có vốn 500 triệu -1 tỷ đồng để mở quán", Trần Trang giải thích. Từ 10-15 năm tới, gia đình Trần Trang cố gắng tự do tài chính nhờ những khoản thu nhập thụ động trên.

3 người ở Hà Nội chi phí bao nhiêu mỗi tháng? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Sau khi có con, vợ chồng Trần Trang cũng đã hình thành một số thói quen tiết kiệm để theo đuổi các mục tiêu tài chính. Thứ nhất, đối với những món đồ không thiết yếu chẳng hạn như quần áo, giày dép... mỗi khi có ý định mua, cô nàng thường sẽ dành 1 ngày để cân nhắc xem bản thân có thật sự cần không. Mẹo này đã giúp cô tránh lãng phí khi mua những món đồ chỉ vì có mã giảm giá sâu chứ không thật sự có nhu cầu. Dù giảm giá đến đâu, mua về mà không dùng, đó vẫn là khoản chi cực kỳ lãng phí.

Tiếp theo với các món đồ thiết yếu như đồ gia dụng, sản phẩm phục vụ sinh hoạt... gia đình Trần Trang thường sẽ tham gia vào các chương trình giảm giá bên bán cung cấp. Với tháng 11 có nhiều chương trình khuyến mãi chẳng hạn như vào ngày 11/11 hoặc Black Friday (Thứ Sáu Đen hay còn được biết đến là ngày thứ sáu sau Lễ Tạ ơn và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh), họ sẽ tăng thêm chi tiêu mua sắm 10-20% để sắm sửa thêm cho bản thân và gia đình dịp cuối năm. 

"Đối với mình đây là cách chi tiêu thông minh, vì có thể tận dụng chương trình giảm giá mạnh nhất năm để mua những đồ mà mình thích", cô nàng tâm sự.

Đối với những bạn trẻ vừa mới lập gia đình, Trần Trang cho rằng nên áp dụng nguyên tắc ngân sách chia nhỏ thu nhập 30/50/20 để quản lý tài chính. Trong đó 30% thu nhập sẽ dành cho tiết kiệm, 50% tiếp theo dành cho nhu cầu thiết yếu và 20% cuối cùng cho nhu cầu mua sắm, du lịch, đi lại và các khoản phí cho con.

Theo Vân Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên