Nhà khoa học Việt khởi nghiệp ở đảo hoang, không điện, không nước ngọt với 10 hạt anh đào
Đây là câu chuyện được Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần hoa anh đào Trần Lệ chia sẻ tại Tòa đàm “Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” mới được tổ chức.
- 29-01-2017Đầu năm, kể chuyện khởi nghiệp
- 04-01-2017Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn rời rạc
Doanh nhân Trần Lệ là một nhà khoa học. Ông có học vị tiến sỹ (TS) sau 7,5 năm học về công nghệ sinh học tại châu Âu. Về nước, ông tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học ứng dụng, trước khi trở thành một doanh nhân. Từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần hoa anh đào Trần Lệ rút ra kết luận rằng chỉ nên khởi nghiệp khi am hiểu thật sâu sắc vấn đề.
“Để khởi nghiệp, cần học rất cẩn thận, không được phép hiểu tương đối hay sơ sài về vấn đề định làm”, ông Trần Lệ nói. Đau đáu với cây hoa anh đào trong nghiều năm, TS Trần Lệ quyết định trở thành một doanh nhân sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thời điểm đó, 6.064 cây anh đào từ Nhật Bản đã được trồng thử nghiệm tới 15 lần ở nhiều nơi trong nước. Tuy nhiên, không như mong muốn của các chuyên gia Nhật, chỉ một vài cây sống sót được ở Sa Pa và Hà Nội. Ngay như Đà Lạt, nơi hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sinh trưởng của hoa anh đào, giống cây Nhật Bản cũng không thể tồn tại.
Tránh đi theo vết xe đổ của chuyên gia người Nhật, ông Trần Lệ chọn cho mình một cách làm khác. Với 10 hạt giống anh đào có được từ một giáo sư Nhật Bản, ông Lệ bắt đầu khởi nghiệp cùng số vốn tự có. Dựng một chiếc lều nhỏ ở đảo hoang không người, không điện, không nước ngọt (nước được chở ra bằng một chiếc thuyền nhỏ)… doanh nhân Trần Lệ lặng lẽ gieo vào đất những hạt mầm anh đào khó tính.
“Tôi khởi nghiệp ở đảo hoang với 10 hạt anh đào và vốn tự có. Giờ đây, 30.000 cây anh đào đã phủ hồng đảo Pá Khoang (Mường Phăng, Điện Biên). Nhiều người từng đến đó và nhận xét rằng không khác gì bên Nhật”, ông Trần Lệ chia sẻ.
Có được thành công sau nhiều năm vất vả, doanh nhân Trần Lệ cho rằng chỉ 10% số người khởi nghiệp tạm gặt hái được thành quả. Và không nhiều trong số đó có thể đứng vững trước cạnh tranh khốc liệt trong ngành nông nghiệp.
Cần thực thi quyết liệt các chính sách hỗ trợ
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. “Những chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ nặng về tuyên bố nhưng sự thụ hưởng thực sự thì không có. Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp và thấy họ rất bơ vơ”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, sự ra đời và mất đi của doanh nghiệp là bình thường. Sử dụng nguồn lực không hiệu quả, thiếu kinh nghiệm, chưa chuẩn bị tốt... là những nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp “bị chết” vì chính sách nhà nước thì không thể chấp nhận và cần phải giảm bớt, loại bỏ.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Lệ tâm sự về một “bài học đau đớn” của bản thân. Trước khi trồng hoa anh đào, ông Lệ đã từng bỏ tiền túi của mình để mua đất ở Hòa Bình. Có 30ha đất và nắm trong tay 64 sổ đỏ hợp pháp, ông Lệ đã dành ra 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm những giống rau phù hợp. Khi 43 tấn rau đầu tiên được cung ứng tới chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) thì người dân Hòa Bình kéo đến đòi lại đất.
“Bà con vào phá tan hoang. Chính quyền tỉnh và huyện có tới nhưng chỉ quay phim và chụp hình. Riêng với chúng tôi, đây là bài học rất đau đớn”, ông Trần Lệ rơi nước mắt khi kể lại câu chuyện.
Đồng cảm với doanh nhân Trần Lệ, ông Đỗ Anh Tuấn cho rằng các cơ quan chức năng đang nói quá nhiều nhưng sự hỗ trợ cơ bản nhất như bảo vệ quyền tài sản, hợp đồng giữa doanh nghiệp với người dân thậm chí còn chưa làm được.
Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016. Theo đó, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ đứng thứ 37/40, cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar trong khu vực.