MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy Trung Quốc không sợ ông Trump

13-02-2017 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn sẽ đứng vững trước các chính sách cứng rắn của tổng thống Donald Trump.

Những diễn biến vừa qua cho thấy, tổng thống Donald Trump dường như đã quyết tâm phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông bổ nhiệm những nhân vật có đường lối cứng rắn với Trung Quốc vào đội ngũ cố vấn kinh tế, ngăn cấm các công ty như Apple sản xuất ở đại lục và đe dọa áp thuế 45% lên hàng Trung Quốc.

Ông Trump kỳ vọng, các công ty Mỹ sẽ chuyển bộ phận sản xuất về quê nhà, và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Song, theo hãng tin Bloomberg, những chính sách trên sẽ không đem lại hiệu quả. Trên thực tế, nhiều khả năng nó sẽ làm tổn thương chính những cử tri mà ông Trump cam kết bảo vệ.

Ngành sản xuất của Trung Quốc hiện nay ít dựa vào lao động giá rẻ và áp dụng công nghệ cao nhiều hơn để cạnh tranh. Trung Quốc có hệ thống hạ cơ sở tầng chất lượng và đội ngũ nhân lực trình độ cao. Các nhà máy của nước này ngày càng phát triển nhờ cải tiến quy trình, tức khả năng đổi mới cách lắp ráp sản phẩm để tối ưu hóa hiệu suất và tăng cường sự linh hoạt.

Trung Quốc nằm trong tâm của chuỗi cung ứng khổng lồ gọi là “Công xưởng Châu Á”. Nhờ đó, Trung Quốc có thể tập hợp linh kiện và nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới, và nhanh chóng phản ứng với nhu cầu đổi thay từng ngày của người tiêu dùng toàn cầu.

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang dịch chuyển từ lắp ráp sang các công việc có giá trị gia tăng cao hơn, như thiết kế và phát triển thương hiệu. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã tăng 44% trong năm ngoái, khi các doanh nghiệp nước này ra sức thâu tóm các công ty công nghệ nước ngoài. Đầu tư vào tự động hóa cũng tăng vọt. Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới, với doanh số tăng trưởng khoảng 20% một năm.

Trong khi đó, ngành sản xuất của Mỹ đã không phản ứng trước áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc bằng cách nâng cao sức sáng tạo. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, phải đối mặt với hàng nhập khẩu gia tăng từ Trung Quốc, các nhà máy Mỹ đã cắt giảm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, và tạo ra số bằng sáng chế ngày càng ít hơn. Một vấn đề lớn hơn, như CEO Apple Tim Cook đã chỉ ra gần đây, là lao động Mỹ thiếu các kỹ năng cần thiết cho sản xuất trình độ cao ở quy mô lớn.

Có thể thấy, nhiều nhà máy Trung Quốc sẽ đánh bại các đồng nghiệp Mỹ ngay cả khi chủ trương tăng thuế của ông Trump được triển khai. Việc làm trở lại Mỹ sẽ được thực hiện bởi robot, thay vì những người lao động đã bầu cho Trump, do tự động hóa ngày càng phát triển.

Trong khi những lợi ích mà chính sách của ông Trump mang lại còn mơ hồ, thì bất lợi cho người Mỹ đã hiện rõ. Giá hàng hóa ở Mỹ sẽ tăng còn mức sống sẽ giảm. Theo một ước tính, chi phí chế tạo một chiếc iPhone sẽ tăng từ 30 tới 40 USD nếu Apple lắp ráp thiết bị ở Mỹ, và tăng 100 USD nếu hãng này sản xuất linh kiện trong nước.

Khi chính quyền Barack Obama áp thuế 35% lên lốp xe Trung Quốc vào năm 2009, người tiêu dùng Mỹ đã phải chịu thiệt hại 1 nghìn tỷ USD. Gánh nặng của việc tăng giá sẽ rơi hầu hết vào người nghèo, những người hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Một hệ quả khác là, những chính sách trên sẽ mời gọi sự trả đũa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã cảnh báo, nước này sẽ tăng cường các cuộc điều tra chống độc quyền và chống bán phá giá với doanh nghiệp Mỹ, hoặc giảm mua hàng Mỹ trong khu vực nhà nước. Nước này cũng có thể dễ dàng tăng thuế với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, từ máy bay cho tới nông sản. Các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc hiện nay đang rất lo lắng về viễn cảnh này.

Theo Bloomberg, cách tốt hơn để tạo ra sân chơi bình đẳng cho hai bên là thúc ép Trung Quốc mở cửa thị trường nhiều hơn cho hàng hóa Mỹ và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. Về phía Mỹ, cách tốt nhất để nâng cao sức cạnh tranh là đầu tư nâng cấp lực lượng lao động trong thời đại tự động hóa.

Điểm mấu chốt là, thương mại toàn cầu không phải trò chơi một mất một còn. Việc làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc sẽ không giúp ích cho Mỹ, mà trái lại chỉ làm cho cả hai nước cùng chịu thiệt hại.

Long Nam

Bloomberg

Trở lên trên