Nhà tạo lập thị trường - đừng hiểu chỉ là "tay to" chi phối thị trường
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhắc đến nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư thông thường chỉ cho rằng đó là “market maker”, hay là “tay to” chi phối thị trường. Thực tế khái niệm này không phải vậy.
- 17-03-2013Vắng bóng nhà tạo lập thị trường
- 25-05-2012Các nhà tạo lập thị trường mất hơn 100 triệu USD vì IPO của Facebook
- 29-01-2010Lực lượng “tạo lập” thị trường
Cơ quan quản lý đang chuẩn bị khung pháp lý tạo sân chơi mới cho các Công ty Chứng khoán muốn thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường cho thị trường phái và thị trường cổ phiếu tại Việt Nam.
Nhà tạo lập thị trường có hai chức năng chính là cung cấp thanh khoản cho thị trường và chào giá tham chiếu cho nhà đầu tư. Trên thế giới, nhà tạo lập thị trường đã tồn tại khá lâu dưới hai hình thức chủ yếu là: cơ chế tạo lập thị trường (Market maker- MM) và cơ chế cung cấp thanh khoản (Liquidity provider -LP).
Cơ chế tạo lập thị trường (MM)
Cơ chế MM được hầu hết các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới áp dụng. Với cơ chế này, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện nghĩa vụ chào giá liên tục hoặc chào giá khi có yêu cầu của nhà đầu tư.
Chào giá liên tục là việc tổ chức tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá hai chiều (đặt lệnh mua và lệnh bán) hoặc một chiều (đặt lệnh mua hoặc lệnh bán) liên tục trong phiên giao dịch. Việc chào giá của MM phải tuân theo các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán như: khoảng thời gian chào giá, khối lượng tối thiểu mỗi lệnh, thời gian tồn tại tối thiểu của lệnh, khối lượng tối thiểu thực hiện...
Ví dụ, Sở Giao dịch Chứng khoán London quy định nhà tạo lập thị trường phải duy trì yết lệnh liên tục 90% tổng thời gian giao dịch trong ngày, khối lượng chào giá thấp nhất là 01 EMS (Exchange market size) và phải tuân thủ quy định chênh lệch giá mua giá bán tối đa (Spread).
Với việc các nhà tạo lập thị trường phải liên tục chào giá, chứng khoán được tạo lập thị trường luôn có giá chào mua bán, nhà đầu tư có thể tham khảo và thực hiện giao dịch một cách liên tục.
Tuy nhiên, cách thức chào giá này chỉ phù hợp với các thị trường phát triển, các nhà tạo lập thị trường chuyên nghiệp với nguồn lực tài chính lớn. Hình thức chào giá này yêu cầu thành viên tạo lập thị trường phải thường xuyên nghiên cứu tình hình thị trường để có chiến lược chào giá hợp lý, điều chỉnh mức giá chào phù hợp, vừa cạnh tranh với các thành viên tạo lập thị trường khác vừa phù hợp với mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chào giá khi có yêu cầu là việc nhà tạo lập tại thị trường phải thực hiện chào giá theo đúng quy định của Sở Giao dịch chứng khoán về thời gian yết giá, khối lượng tối thiểu, thời gian tối thiểu khi có yêu cầu từ nhà đầu tư.
Ví dụ, Sở Giao dịch Chứng khoán Phái sinh Đài Loan (TAIFEX) quy định khi có yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá hai chiều với khối lượng giao dịch tối thiểu theo quy định cho từng hợp đồng, thời gian tồn lại lệnh của MM là 20 giây.
Ưu điểm của hình thức chào giá này là sẽ giảm áp lực cho các nhà tạo lập thị trường vì không cần liên tục chào giá. Tuy nhiên, đây lại là điểm không thuận tiện đối với nhà đầu tư vì khi muốn thực hiện lệnh nhà đầu tư phải mất thời gian thực hiện lệnh yêu cầu tổ chức tạo lập thị trường chào giá.
Cơ chế cung cấp thanh khoản
Cơ chế cung cấp thanh khoản (LP) quy định về quyền lợi và nghĩa vụ đơn giản hơn cơ chế tạo lập thị trường (MM). Nhà tạo lập thị trường theo cơ chế này thông thường chỉ cần đạt nghĩa vụ khối lượng giao dịch hàng tháng, hàng quý, theo đăng ký tạo lập với Sở Giao dịch hoặc Tổ chức phát hành.
Ví dụ, đối với thị trường Hàn Quốc, khi chênh lệch giá đặt mua và giá đặt bán của cổ phiếu vượt quá tỷ lệ quy định thì nhà cung cấp thanh khoản (LP) sẽ thực hiện đưa ra giá chào để làm giảm khoảng chênh lệch. Tại thị trường KOSPI và KOSDAQ của Hàn Quốc tỷ lệ này tương ứng là 3% và 2%, khối lượng tối thiểu tương ứng trên các thị trường bằng 5 lần đơn vị giao dịch là 10 lần đơn vị giao dịch.
Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý Sở giao dịch chứng khoán sẽ đánh giá hoạt động của các tổ chức đăng ký tạo lập thị trường, trên cơ sở đánh giá sẽ thực hiện giảm phí giao dịch hoặc có các chế độ thưởng cho các tổ chức tạo lập thị trường hoàn thành nghĩa vụ tạo lập thị trường.
Việc lựa chọn cơ chế tạo lập thị trường nào để áp dụng tại thị trường chứng khoán Việt Nam, quyền lợi, nghĩa vụ đối với nhà tạo lập như thế nào là câu hỏi nhiều thành viên thị trường quan tâm cần được cơ quan quản lý giải đáp trong thời gian tới. Trong tương lai khi xuất hiện các tổ chức tạo lập thị trường chuyên nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sôi động hơn, thanh khoản sẽ được cả thiện, chức năng huy động vốn có của thị trường sẽ được thực hiện tốt hơn.
Ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh theo đó thành viên tạo lập thị trường được hiểu như sau ’Thành viên tạo lập thị trường là thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt được thực hiện hoạt động tạo lập thị trường cho một hoặc một số chứng khoán phái sinh”.
Điều 16, Điều 17 Thông tư Số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ của chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh đã quy định về hoạt động quản lý hoạt động tạo lập thị trường.
Thông tư số 203/2015/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán đã có điều khoản (Điều 12) quy định về giao dịch Nhà tạo lập trường.