MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều học sinh giỏi từ bỏ ĐH đi xuất khẩu lao động: Ngoài cánh cổng trường, còn nhiều cơ hội khác

09-08-2023 - 22:24 PM | Sống

Có rất nhiều lý do để một số bạn trẻ lựa chọn XKLĐ thay vì học đại học.

Nếu như trước đây, đại học là con đường được nhiều bạn học sinh ưu tiên thì hiện nay, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có vô vàn ngã rẽ để lựa chọn. Có bạn sẽ học đại học, có bạn lại ứng tuyển vào các trường nghề, có người cũng sẽ chọn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) dù có thể đỗ đại học từ trước, thậm chí là vào trường top ngành hot.

Nhiều trường hợp học sinh giỏi từ chối vào ĐH, giáo viên thì xin nghỉ dạy để đi xuất khẩu lao động mong "đổi đời" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An), chia sẻ việc một số học sinh từ chối học tiếp lên đại học (dù đã thi đậu), hay một số công chức, viên chức, nhà nước bỏ việc để đi XKLĐ là vấn đề đã từng xảy ra ở một số nơi, tùy vào từng thời điểm mà số lượng nhiều, ít có khác nhau. Ngay tại địa phương của thầy cũng đã từng có giáo viên xin nghỉ không lương để đi XKLĐ một thời gian nhằm kiếm thêm thu nhập giải quyết khó khăn trước mắt. Hết thời hạn, họ lại trở về làm việc, trong trường hợp được tiếp nhận trở lại. Theo thầy, đây là một hiện tượng bình thường trong xã hội nhưng chưa phổ biến.

Nhìn tổng quan hơn, thầy Tuấn Anh kết luận có rất nhiều lý do để một số bạn trẻ lựa chọn XKLĐ thay vì học đại học. Có thể tóm ngọn một vài điều như sau:

Thứ nhất, các bạn trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn để bước tiếp vào đời, ngoài cổng trường đại học thì các em còn có rất nhiều lựa chọn khác. Ngày càng có nhiều người thành công trong sự nghiệp mà không bước qua cánh cổng trường đại học.

Thứ hai, mỗi người có hoàn cảnh, sở trường, mục tiêu khác nhau, nên sẽ có những con đường khác nhau để bước tiếp vào đời, trong đó việc lựa chọn XKLĐ cũng là con đường khá hấp dẫn các bạn trẻ. Hơn nữa, có những gia đình do hoàn cảnh khó khăn kinh tế, nên cũng hướng con mình đi XKLĐ để giải quyết những vấn đề trước mắt.

Thứ ba, nếu nhìn thực dụng một chút sẽ có so sánh thực dụng là sau 4-5 năm học đại học chưa biết kết quả cụ thể thế nào (có ra trường được không, ra trường rồi có việc làm phù hợp hay không, thu nhập có cao không…). Đó là những câu hỏi mà nếu bạn lựa chọn đi học đại học sẽ không trả lời ngay được. Còn nếu đi XKLĐ thì bạn đã biết chắc chắn sau thời hạn XKLĐ theo hợp đồng thì bạn đã có một số tiền khá lớn để làm vốn vào đời.

Thứ tư, có nhiều bạn trẻ đã có sẵn cơ sở của người thân ở nước ngoài rồi, giờ chỉ việc sang yên tâm làm ăn, nên lựa chọn XKLĐ cũng là điều phù hợp.

Nhiều trường hợp học sinh giỏi từ chối vào ĐH, giáo viên thì xin nghỉ dạy để đi xuất khẩu lao động mong "đổi đời" - Ảnh 2.

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An)

Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam chia sẻ các bạn trẻ đang sống trong nền kinh tế thị trường nơi mà khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập ngày càng lớn nên họ luôn có động lực về kinh tế, quan tâm lớn đến tư duy tài chính từ khi còn nhỏ. Họ thực dụng hơn, tham gia kiếm tiền sớm hơn. Hình tượng về một con người thành đạt và giỏi giang luôn là hình ảnh giàu sang. Chính vì vậy, họ nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ việc XKLĐ có vẻ tốt và khả thi hơn so với việc học đại học. Điều này đặc biệt có sức hút với những người trẻ đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn về tài chính nếu tiếp tục theo đuổi học đại học.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trần Thành Nam, chúng ta hiện đang sống trong một thế giới bất định. Ngay cả tương lai sau đại học cũng không có gì là chắc chắn. Thị trường lao động biến đổi nhanh khiến bằng cấp đại học cũng chẳng còn là ưu thế khi tìm kiếm một công việc. Rồi những xu hướng giáo dục mới ra đời như xu hướng "À la carte learning" (chỉ lựa chọn những môn học yêu thích để học thay vì tất cả các môn trong chương trình đại học), xu hướng micro-learning hoặc nano-learning (học những bài học ngắn để tiếp thu và ứng dụng luôn thay cho khóa học dài hơi với lượng kiến thức khổng lồ), tinh thần học tập suốt đời thay cho việc chỉ học cho xong cái bằng rồi đi làm.

Ở một góc độ khác, nhiều người còn tin rằng đi XKLĐ là cơ hội để trải nghiệm rèn kỹ năng và phẩm chất của công dân toàn cầu, trải nghiệm văn hóa mới, kỹ năng làm việc, quản lý bản thân trong môi trường quốc tế. Tất cả khiến việc đi học đại học bây giờ không còn là con đường duy nhất đảm bảo cho thu nhập tài chính và thay đổi thân phận của con người.

Cần lưu ý gì?

Trước vấn đề này, thầy Hồ Tuấn Anh chia sẻ khi đã lựa chọn việc XKLĐ để kiểm tiền thì các bạn trẻ cũng phải xác định là đi làm thuê cho ông chủ nào đó để hình dung những khó khăn, vất vả. Tuyệt đối đừng ảo tưởng đến một xử sở thiên đường nào đó sẽ có việc nhẹ, lương cao. Thực chất thời gian XKLĐ là bán sức lao động của tuổi trẻ nơi xứ người để kiểm tiền.

Trong thực tế hầu như không có ai xác định sẽ lao động làm thuê ở nước ngoài trọn đời, hay coi XKLĐ là một "nghề" gắn bó lâu dài. Đa số xác định là đi trong một thời gian có hạn, kiếm chút vốn để về nước làm ăn. Vì thế các bạn trẻ đi XKLĐ phải cố làm việc chăm chỉ, tích lũy vốn. Nếu được thì học lấy một nghề để khi về nước tiếp tục làm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam khuyên các bạn trẻ muốn đi XKLĐ cần tìm hiểu và nắm vững thông tin về các quyền lợi, điều kiện làm việc, luật pháp, tình hình kinh tế chính trị tại các quốc gia mình sẽ tới. Các bạn cũng cần tìm hiểu và lựa chọn những công ty xuất khẩu lao động có uy tín và kinh nghiệm để đảm bảo sự an toàn.

Các bạn hãy dành thời gian đọc hiểu thật kỹ hợp đồng lao động trước khi ký kết, hãy đảm bảo chuẩn bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ để có thể thích nghi tốt hơn với môi trường mới và giao tiếp hiệu quả với người sử dụng lao động. Các bạn còn cần có sự tính toán chi tiết và lên kế hoạch tài chính để đảm bảo không bị mất cân bằng tài chính hoặc rơi vào những tình huống nguy cơ.

Nhiều trường hợp học sinh giỏi từ chối vào ĐH, giáo viên thì xin nghỉ dạy để đi xuất khẩu lao động mong "đổi đời" - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Thành Nam

Cô Oanh (Hà Nội) - người có thành viên trong gia đình từng đi XKLĐ chia sẻ những lưu ý khi lựa chọn XKLĐ như sau:

- Tìm hiểu rõ về ngành nghề để xem có phù hợp với con không, nên lường trước một số rủi ro hoặc độc hại, nguy hiểm về ngành nghề.

- Tìm các công ty tư vấn XKLĐ uy tín, tốt nhất nên chọn các công ty hay tổ chức có yếu tố nhà nước.

- Học hỏi, rèn luyện tay nghề trước khi bước vào thị trường lao động nước ngoài. Nên nhớ, yêu cầu đối với lao động phổ thông của các nước tiên tiến cao hơn mình gấp nhiều lần, kiếm tiền của họ không phải dễ.

- Kết nối với cộng đồng người lao động bên đó nếu có thể để tìm hiểu kỹ thông tin, không đi XLKĐ trong tình trạng lờ mờ, không hiểu biết gì về bên đối tác.

- Chuẩn bị phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra những rủi ro khi ở nước bạn thì phải tìm sự trợ giúp của cơ quan nào...

- Tìm hiểu qua về văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật... cơ bản của nước bản địa để không bị sốc văn hóa khi sang, cũng không vi phạm pháp luật của họ.

Theo Đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, những năm gần đây, số thí sinh của tỉnh chỉ đăng ký tốt nghiệp THPT, chứ không đăng ký xét tuyển đại học rơi vào khoảng 37 - 42%. Trong đó có những em chọn học đại học, cao đẳng nhưng thông qua hình thức xét học bạ (tức là chỉ cần tốt nghiệp THPT các em có thể trúng tuyển đại học), du học tự túc, học nghề, xuất khẩu lao động, đi nghĩ vụ quân sự....

Còn ở Hà Tĩnh, trong những năm gần đây có khoảng 30% học sinh không ký xét tuyển đại học. Sau khi học cấp 3, các em có những ngã rẽ khác cho sự nghiệp tương lai, trong đó XKLĐ cũng là lựa chọn được nhiều em quan tâm.


Theo Đông

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên