MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

07-03-2018 - 23:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất tiền gửi đang có dấu hiệu nhích lên nhưng lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh do áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng và mục tiêu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã tăng nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn cùng hàng loạt chương trình khuyến mại để thu hút vốn. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 2 tháng đầu năm, lãi suất huy động VNĐ bình quân kỳ hạn trên 12 tháng ở mức khoảng 6,55%/năm, tăng 0,03 điểm % so với cuối năm ngoái.

Tăng lãi suất kỳ hạn dài

Đầu tháng 3-2018, chị Giang (ngụ quận 3, TP HCM) tới hạn tất toán sổ tiết kiệm 300 triệu đồng gửi tại NH TMCP Phương Đông (OCB). Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại đây là 5,4%/tháng. Thấy biểu lãi suất của NH kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7%/năm, chị quyết định gửi lãi suất kỳ hạn dài để hưởng mức cao hơn. Nhân viên OCB Chi nhánh TP HCM cho biết biểu lãi suất huy động vừa có sự điều chỉnh theo hướng nhích nhẹ kỳ hạn từ 6-11 tháng lên 7%/năm. Mức lãi suất kỳ hạn 13 tháng khá cao là 7,9%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi mới từ 100 tỉ đồng trở lên.

Một số NH cổ phần quy mô nhỏ và vừa khác cũng điều chỉnh lãi suất đầu vào lên mức kịch trần cho phép là 5,5%/năm kỳ hạn dưới 6 tháng. Tại NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), mức lãi suất kỳ hạn dài được điều chỉnh lên khá cao 8,3%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,3%/năm so với cuối năm ngoái và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng ở mức 8,5%/năm.

NH TMCP Đông Á áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,6%/năm lên mức 6,9%/năm so với cuối năm ngoái. Nhân viên NH này cho biết biểu lãi suất có nhích lên ở các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên. Trong khi đó, NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) triển khai chương trình khuyến mại dành cho khách hàng cá nhân từ 28 tuổi trở lên gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 13 tháng sẽ được cộng thêm lãi suất cao nhất tới 0,7%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của NH này là 6,4%/năm và kỳ hạn 13 tháng là 7,2%/năm.

Ngay cả một số NH thương mại quy mô lớn cũng nhích nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn. Đáng lưu ý, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động cùng kỳ hạn giữa nhóm NH cổ phần quy mô nhỏ với NH thương mại lớn lên tới 2,3%-2,6%/năm. Chẳng hạn, cùng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ở Vietcombank, BIDV, VietinBank khoảng 4,8%-5,1%/năm, trong khi các NH như Viet Capital Bank, NCB, DongA Bank, OCB, SCB… từ 7%-7,4%/năm.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động - Ảnh 1.

Dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn khó tăng Ảnh: TẤN THẠNH


Cạnh tranh với các kênh hút vốn khác

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong 2 tháng đầu năm cho thấy vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đã tăng 0,5% so với cuối năm ngoái và tăng ngay từ tháng 1-2018. Thanh khoản của hệ thống NH dồi dào hơn do yếu tố mùa vụ vào dịp Tết nguyên đán. Đồng thời, thanh khoản của hệ thống cũng được hỗ trợ rất lớn từ việc NH Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70.000 tỉ đồng ra thị trường trong 2 tháng đầu năm.

Về xu hướng tăng lãi suất huy động của các NH thương mại, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho rằng diễn biến này chủ yếu mang tính chu kỳ và không đáng lo. Các NH thương mại thường tăng lãi suất dịp trước và sau Tết để hút tiền gửi từ dân cư, chuẩn bị nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng, bên cạnh một số NH điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn dài hạn.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam, nhu cầu vốn từ nền kinh tế và doanh nghiệp tăng ngay từ đầu năm cũng góp phần khiến các NH tăng cường huy động vốn đầu vào. Lãi suất đầu vào nhích lên phản ánh thực tế cung - cầu thị trường, khi tín dụng tăng ngay từ đầu năm, lạm phát được nhận định cao hơn năm trước. Chưa kể người gửi tiền cũng tính toán lại khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản trở nên hấp dẫn hơn, khiến các NH phải điều chỉnh lãi suất để thu hút người gửi tiền tiết kiệm.

"Riêng mức chênh lệch lãi suất huy động ở cùng kỳ hạn giữa các nhóm NH từ khoảng 2,3%-2,6%/năm cũng là hợp lý. Dù có tình trạng chênh lệch lãi suất nhưng rất khó rơi vào làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động của các NH như những năm trước. Bởi NH nào có thanh khoản, "sức khỏe" tốt hơn sẽ huy động mức lãi suất thấp hơn và ngược lại" - ông Hải nhận xét.

Không lo sức ép tăng lãi vay

Dù lãi suất huy động nhích lên nhưng theo các chuyên gia, khó có sức ép tăng lãi suất cho vay. TS Cấn Văn Lực phân tích, yêu cầu của NH Nhà nước là các NH thương mại phải tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nên sẽ khó có đợt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm nay sẽ rất khó khi chi phí huy động vốn đang tăng. Theo ông Phạm Hồng Hải, với nhóm đối tượng khách hàng có chất lượng tín dụng tốt hiện đã được hưởng mức lãi suất rất thấp. Chưa kể lãi suất đầu vào tăng nhưng do áp lực cạnh tranh, giữ chân khách hàng, các NH sẽ không dám đẩy lãi vay lên quá cao.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên