Nhiều tập đoàn bất động sản lớn mong muốn đầu tư mạnh vào Đà Nẵng
Từ nay đến năm 2045, một trong những yêu cầu hiện nay của Đà Nẵng là phải thu hút dân cư, xây dựng nhà ở, cung cấp cơ hội việc làm để phát triển và cạnh tranh; từ đó sẽ xuất hiện các nhu cầu về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.
Do đó, tại Toạ đàm Mùa xuân 2019 do TP Đà Nẵng tổ chức hôm qua (1/3), nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng việc lập quy hoạch và cấu trúc của đô thị cần được cân nhắc để có thể cải thiện sự hội nhập, tính kết nối, hiệu quả và giá trị đất.
Để phù hợp với tầm nhìn của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2030-2045, tập đoàn Surbana Jurong xác định, ưu tiên số 1 là phát triển quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng nhằm tạo ra các vùng đô thị thông minh và bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng và hỗ trợ cho các mục tiêu và thời gian của các bên liên quan. Trong đó, 3 thành tố quan trọng là: đổi mới sáng tạo, công nghệ và tính bền vững.
Ở giác độ các nhà đầu tư, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nhà phân phối 102 thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới, bày tỏ sự quan tâm đối với việc mở một trung tâm thương mại chuyên kinh doanh các mặt hàng giảm giá của các thương hiệu lớn trên thế giới nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, khách du lịch.
Tuy nhiên, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng đề cập, do vướng mắc trong tìm kiếm mặt bằng nên mặc dù đã qua 3 năm khảo sát, tập đoàn vẫn chưa thể xây dựng được một khu trung tâm mua sắm lớn tại thành phố.
Bên cạnh đó, theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Đà Nẵng cần quy hoạch đầu tư nhà ga T3 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng có tầm nhìn xa hơn đến năm 2045 nhằm đón đầu lượng khách du lịch tăng mạnh qua từng năm. "Chúng tôi chờ đợi để có thể đầu tư vào Đà Nẵng, vì nhìn thấy tiềm năng lớn của thành phố này trong tương lai", ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói.
Bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề môi trường tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam cho hay, để giải quyết các tồn tại của môi trường và hướng tới mục tiêu "Thành phố môi trường", Đà Nẵng cần có các dự án khả thi trên cơ sở quy hoạch tổng thể và một nguồn lực đầu tư lớn, đặc biệt là từ nguồn xã hội hóa.
Ông Dũng cho biết, Công ty CP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh do ông làm chủ có đủ nguồn lực lớn về tài chính, sẵn sàng đáp ứng để triển khai các dự án một cách đồng bộ. Trong thời gian tới, công ty sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng tập trung xử lý nước thải cả nước, trong đó có đầu tư vào Đà Nẵng.
Một nhà đầu tư nước ngoài cũng cho biết thêm lâu nay, nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng dựa vào bất động sản, hiện giờ quỹ đất đã cạn kiệt. Cũng chính vì điều này, ngành được trông đợi mang lại nguồn thu lớn cho Đà Nẵng là du lịch.
Theo đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTD) trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 thì tổng số nhu cầu phòng lưu trú dự kiến là 109.051 phòng. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm theo các số liệu, dân số Đà Nẵng sẽ tăng lên gấp đôi đạt 2,5 triệu người. Số lượng du khách đến thăm và ở lại Đà Nẵng cũng sẽ tăng lên gấp 3.
Có thể khẳng định, việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến rất nhiều đến môi trường đầu tư nếu chúng ta quy hoạch không đồng bộ. Thành phố cần đưa ra các tiêu chí cần thiết để đảm bảo thu hút đầu tư không chỉ trong từng năm mà trong vòng 10 năm hoặc thậm chí là 30 năm tới.
Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, hiện nay, thành phố đang tập trung tháo gỡ và xem đây không chỉ là giải quyết khó khăn, vướng mắc mà qua đó, khơi thông nguồn lực từ đất đai để DN và thành phố đầu tư phát triển.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thông tin đến các DN, nhà đầu tư rằng, với việc ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị định hướng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, tập trung phát triển thành phố trên 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển; chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Bộ Chính trị cũng cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Tất cả những điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, người dân và DN đan xen, gắn kết và trở thành "dòng chảy" chủ đạo trong các quyết sách của thành phố. Đây cũng là lý do quan trọng mà Thành ủy Đà Nẵng quyết định chọn năm 2019 là "Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư".
Trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm mùa Xuân 2019, UBND TP Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD; trao thông báo cho nghiên cứu đầu tư dự án với tổng vốn gần 3,5 tỷ USD.