Nhìn lại 10 năm "cắp sách" của học sinh: Xưa cong mông đạp xe đến lớp, bỏ 100k nhờ xe ôm đi họp phụ huynh hộ, giờ nhờ 1 thứ mà mọi chuyện đã khác
10 năm đã qua đi, có những thứ bị cho vào dĩ vãng nhưng cũng có những điều tốt đẹp ngày càng được phát triển.
- 16-12-2020Những bức ảnh không thể quên về năm 2020: Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cả thế giới theo cách không ai có thể ngờ
- 15-12-20202020 “năm đổ lệ” vì những chuyến đi không vé khứ hồi, hành trình 1 lần thôi là ly biệt mãi
- 12-12-2020Nhìn lại năm 2020 qua 43 bức ảnh ấn tượng nhất: Một năm đầy biến động, thế giới quay cuồng trong thiên tai dịch bệnh và những mất mát không thể nào quên
10 năm và 3 cuộc soán ngôi
Còn nhớ năm 2010, học trò phần lớn đều đi xe đạp đến trường. Ai "bình dân" thì đi xe đạp Nhật, xe đạp Tàu. Những cô nàng điệu đà chút sẽ sắm cho mình xe đạp Hello Kitty màu hồng hoặc trắng đầy nữ tính.
Xe đạp Hello Kitty từng làm mưa, làm gió ngày ấy.
Thuở đó, xe đạp điện hiếm như sao trên trời và chưa thực sự phổ biến. Cô cậu học trò nào mà có "ngựa điện" thì oai như cóc, đi học cứ gọi là "vênh mặt lên trời". Nhưng chỉ tầm 1, 2 năm sau, xe đạp điện đã được "phổ cập" rộng rãi hơn.
Trên khắp các nẻo đường tới lớp, "ngựa điện" được học trò lái vun vút, vượt mặt "ngựa sắt". Có nhà bố mẹ không đủ tài chính sắm xe cho con thì mua bình ắc quy về, cải tạo lại chiếc xe đạp cũ ở nhà. Thế là 1 chiếc xe đạp điện mới ra đời theo cách đầy chắp vá - bằng tình yêu thương của mẹ cha.
Xe đạp điện một thời khiến học sinh phát cuồng...
Chiếc xe đạp điện tự chế ngày ấy...
Năm 2020, xe đạp điện bị thất sủng. Những cô cậu học trò giờ thích thú với các dòng xe máy điện, xe phân khối thấp (50cc).
Xe đạp điện vẫn còn! Nhưng nó chẳng còn là biểu tượng của sự sành điệu nữa.
10 năm - 3 cuộc soán ngôi - từ xe đạp lọc cọc đến xe đạp điện rồi xe máy... Chao ôi! Thời gian đúng chẳng chừa một ai, kể cả đồ vật!
Việc trao đổi với phụ huynh dễ hơn bao giờ hết
Năm 2010, điện thoại di động và mạng xã hội chưa thực sự phổ biến. Điện thoại bàn không còn độc tôn nhưng vẫn chiếm 1 vị trí quan trọng trong cuộc sống thường ngày. Liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh khi ấy chủ yếu là qua điện thoại bàn hoặc phương thức truyền miệng: giáo viên - học sinh - phụ huynh và ngược lại.
Chính vì sự bất tiện này nên nhiều cô cậu học trò tìm cách trốn tránh khi bị giáo viên yêu cầu mời phụ huynh lên gặp mặt. Có em nhờ xe ôm đóng giả bố mẹ, có em kêu điện thoại bàn nhà mình hỏng. Khi thầy cô gọi điện đến thì để kênh máy sang một bên...
Sự phát triển của Facebook, Zalo, smartphone,... giúp rút gọn khoảng cách liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh.
Năm 2020 thì không đơn giản như vậy! Giờ các bậc phụ huynh đều dắt túi một chiếc điện thoại di động. Ai giàu thì iPhone 11, 12, không thì cũng có một chiếc smartphone tầm trung. Thầy cô cần trao đổi gì có thể nhấc máy gọi ngay. Không chỉ vậy, hội phụ huynh còn có các nhóm Zalo, Messenger để nhắn tin, trao đổi trực tiếp các vấn đề của con em mình.
Mưa gió cũng chẳng sao - Chỉ cần có mạng là học được tất!
Năm 2010, học trò phải đạp xe dưới cái nắng chói chang để đến lớp. Có hôm cả thầy cả trò gặp nhau với khuôn mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại, rỏ tong tong dưới nách áo. Kiến thức vào đầu chưa chẳng biết, nhưng "mùi hương nồng nàn" của bạn học thì cứ thoang thoảng đâu đây.
Lớp học chính quy còn đỡ, phải chen chúc trong những lò học thêm cả trăm người một phòng mới thực sự là nỗi ám ảnh của học sinh. Nhiều bạn "say nắng", "say mùi" quên cả chép bài. Có lẽ "ước mơ" của nhiều học sinh khi đó là trời mưa thật to để cô giáo thương tình cho nghỉ một buổi học.
Đi học giữa trời nắng là nỗi ám ảnh của bao thế hệ học sinh.
Năm 2020, mọi chuyện đã khác! Nhiều lớp học cả chính khóa và ngoại khóa được lắp máy lạnh. Học sinh đi học trong tâm thế mát mẻ, tinh thần cũng vui phơi phới.
2020 cũng là năm chứng kiến sự bùng nổ của mạng xã hội, của internet, của học online. Nếu mưa gió, học sinh có thể nghỉ ở nhà, nhưng vẫn phải học! Chỉ cần một chiếc laptop với kết nối mạng ổn định cùng các phần mềm như Facebook, Zoom,... thầy cô có thể giảng bài, điểm danh "đám nhất quỷ nhì ma" ở bất cứ nơi đâu. Dù là Bắc cực hay sao Hỏa!
Năm 2010, học trò nghỉ buổi học thêm nào là mất tiền, mất kiến thức buổi đó. Nhưng 2020 thì không. Các thầy cô có thể đăng bài giảng lên Youtube và các hội nhóm Facebook cho học sinh ôn lại.
Nhờ sự tiện lợi của công nghệ nên vô vàn trung tâm dạy học online ra đời. Thầy cô có thể quay sẵn các clip bài giảng với thời lượng hợp lý rồi chia sẻ với học sinh. Hoặc thầy cô dạy theo hình thức livestream, trực tiếp giải đáp thắc mắc của các em.
Các tài liệu học tập cũng được chia sẻ miễn phí hoặc thu phí trên Drive hoặc các diễn đàn, website. Chỉ cần một cú click chuột, học sinh có thể "down" được hết và ngồi tự học.
Dạy và học online là một xu thế mới trong năm 2020.
Nhiều Quán quân, Á quân Olympia từng cho biết: Một trong những phương pháp học tập hiệu quả của mình chính là học online.
Đầu năm 2020, học sinh cả nước nghỉ học vì dịch Covid. Cũng nhờ phương pháp học, giảng dạy online mà các em không bị mất kiến thức. Nhiều tỉnh thành còn phát sóng bài giảng trên truyền hình, đủ mọi môn từ Văn, Toán, Anh đến Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục công dân,...
Sự tiện lợi của công nghệ khiến học sinh không bỏ sót một tiết học nào. Tuy nhiên học online cũng có nhiều mặt hạn chế. Đó là thầy cô không thể kiểm soát hoàn toàn sự tập trung của học sinh. Bên cạnh đó, thầy và trò cũng thiếu đi sự tương tác như học trực tiếp trên lớp. Chính vì vậy học sinh khi học online cần có sự tự giác.
Những thầy cô lão làng ngày ấy giờ cũng bắt kịp xu hướng giảng dạy mới
Năm 2010, học sinh rất khó đăng ký được lớp của những thầy cô nổi tiếng. Tuy nhiên năm 2020, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Bởi các thầy cô cũng dần nắm bắt xu hướng mới. Không chỉ dạy trực tiếp trên lớp, nhiều thầy cô bắt đầu chuyển sang hình thức dạy online, chia sẻ bài giảng trên các trang Youtube, Facebook cá nhân.
Chục năm trước, các thầy cô lão làng như cô Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An), PGS.TS Nguyễn Vũ Lương (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên), thầy Nguyễn Thượng Võ (nguyên giáo viên chuyên Toán trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam), PGS.TS Phan Huy Khải, thầy giáo Toán Trần Phương,... học sinh chỉ có thể gặp trực tiếp ở lớp học. Nhưng nay các em có thể dễ dàng tìm được bài giảng online của các thầy cô trên Youtube hoặc Facebook.
Các thầy cô lão làng cũng nắm bắt xu hướng giảng dạy mới.
Tất nhiên, người trẻ thường nắm bắt xu hướng nhanh hơn. Đó là lý do ngày càng nhiều giáo viên trẻ tuổi được biết đến, trở thành thần tượng của học sinh trên mạng xã hội. Bởi các thầy cô ngày nay không chỉ giảng dạy mà còn chăm chỉ tương tác với học trò bằng những clip vui nhộn. Các clip dạy học không nhất thiết phải có bảng đen, phấn trắng mà có thể là buổi trò chuyện thông thường để ôn lại kiến thức. Thậm chí, đó có thể là một clip hài hước, giúp học sinh vừa ôn bài, vừa được xả stress sau những buổi học căng thẳng.
Các thầy giáo như thầy IELTS Đặng Trần Tùng, thầy Toán Nguyễn Quốc Chí, hay thầy giáo trẻ Nhữ Ngọc Nguyên Trực,... đều được đông đảo học sinh yêu quý bởi không chỉ dạy mà còn có sự tương tác, gần gũi với học sinh như một người bạn, người anh.
Nhiều thầy cô giáo hot nhờ mạng xã hội và nắm bắt xu hướng giảng dạy mới.
Hay mới đây, cô giáo trẻ Lương Ngọc Anh (trường Tiểu học Isac Newton, Hà Nội) cũng được lòng cả các bậc phụ huynh khi thường xuyên chia sẻ những clip hướng dẫn cách dạy trẻ học Toán theo cách dễ hiểu nhất.
10 năm đã qua đi, có những thứ bị cho vào dĩ vãng nhưng cũng có những điều tốt đẹp ngày càng được phát triển. Ngẫm lại 1 thập kỷ qua mới thấy, công nghệ đã tác động không nhỏ đến giáo dục. Những xu hướng học tập, giảng dạy mới cũng ra đời nhờ sự phát triển của công nghệ ấy.
Pháp luật và Bạn đọc