Nhìn lại toàn cảnh tăng trưởng ASEAN-6 sau khi Thái Lan - mảnh ghép cuối cùng công bố kết quả kinh tế quý 2
Nikkei Asia đưa tin, GDP của Thái Lan tăng trưởng 7,5% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng triển vọng trong tương lai là rất khó khăn.
- 16-08-2021Điểm lại những dự án khu công nghiệp, sản xuất, điện năng... nổi bật ở các địa phương làm tăng năng lực của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm
- 11-08-2021Thêm hai quốc gia Đông Nam Á sau Singapore công bố kết quả tăng trưởng quý 2: Cao hay thấp so với Việt Nam, lý do phía sau là gì?
GDP Thái Lan tăng 7,5% so với cùng kỳ trong quý 2, lần tăng đầu tiên sau 6 quý, Cơ quan Kế hoạch Kinh tế Thái Lan cho biết. Nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng âm 2,6% trong quý 1 so với cùng kỳ. Tăng trưởng quý 2 phần lớn là do phục hồi từ việc sụt giảm mạnh trong năm trước.
Trong suốt quý 2, Thái Lan đã phải đối mặt với đợt đại dịch thứ ba. Nhưng cho đến cuối tháng 6, Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn không sử dụng các biện đóng cửa nghiêm ngặt, như cấm người dân ăn tối tại các nhà hàng. Điều này trái ngược với năm trước, khi đóng cửa được thực hiện từ đầu quý, sau đó dỡ bỏ dần trong những tháng tiếp theo.
Tiêu dùng tư nhân tăng 4,6%, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,3% trong quý 1, nhưng không đủ để bù đắp cho mức sụt giảm 6,7% trong quý 2/2020. Cơ quan này cho biết: "Các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ đã thúc đẩy tiêu dùng. Chính phủ Thái Lan đã thực thi một số đợt phát tiền mặt để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng góp phần vào tăng trưởng của Thái Lan. Xuất khẩu hàng hóa tăng 30,7%. Xuất khẩu dịch vụ, bao gồm chi tiêu của những người không cư trú như khách du lịch, tiếp tục trượt dốc, giảm 1,9%.
Về mặt sản xuất, ngành công nghiệp chế tạo tăng 16,8%, bù lại mức giảm 14,7% được ghi nhận một năm trước đó và phản ánh xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,2%, trong khi vận chuyển và lưu kho tăng 11,6%.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan trong tương lai là rất thấp. Đợt dịch thứ ba đã buộc Thái Lan phải thiết lập lại các lệnh cấm nghiêm ngặt ở các tỉnh, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và khách du lịch nước ngoài.
Cơ quan Kế hoạch Kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Thái Lan năm nay xuống còn 0,7-1,2%, giảm từ 1,5% đến 2,5% (mức dự báo cách đây 3 tháng). Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng âm 6,1% trong năm 2020, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1998 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Các nước còn lại trong nhóm ASEAN-6
Trước đó, ngày 13/8, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã công bố, quý 2/2021, nền kinh tế quốc gia này đạt mức tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Quý 2/2020, GDP Malaysia ghi nhận sự suy giảm mạnh ở mức 17,1%.
Tốc độ tăng trưởng quý 2 đạt 11,8% ở Philippines. Kết quả được cơ quan thống kê của nước này công bố hôm 10/8, đánh dấu sự kết thúc của cuộc suy thoái kéo dài 15 tháng do đại dịch gây ra. Song, các nhà phân tích cho biết, các biện pháp lockdown đang được áp dụng tại thủ đô nước này, nhằm chống lại sự lây lan của biến thể Delta, có thể gây ra tác động tiêu cực lên triển vọng trong nửa cuối năm nay.
Với GDP tăng 7,1% trong quý 2, Indonesia đã thoát khỏi suy thoái và đạt tốc độ tăng trưởng hàng mạnh nhất trong vòng 17 năm, nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo sự phục hồi kinh tế của nước này vẫn sẽ gặp trở ngại do sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm Covid-19. Cơ quan thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng cao này cũng đến từ cơ sở thấp vào quý 2 năm ngoái do đại dịch.
Theo dữ liệu được cơ quan thống kê Singapore (Department of Statistics Singapore), GDP Singapore đã tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ trong quý 2/2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý 2/2010. Khi được công bố, con số này không gây quá nhiều bất ngờ, do quý 2/2020, GDP Singapore tăng trưởng âm 13,3% so với cùng kỳ 2019 vì đóng cửa nền kinh tế hàng tháng, hầu hết các cơ sở làm việc đều đóng cửa.
Còn Việt Nam, quý 2/2021, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,6%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.
Con số tăng trưởng này của Việt Nam, tuy thấp hơn tương đối với các nước, nhưng dựa trên mức nền quý 2/2020 vẫn tăng trưởng dương 0,4%.