NHNN tăng lãi suất quyết liệt hơn dự báo, giới phân tích lo biên lợi nhuận ngân hàng bị thu hẹp
Với dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng sau quyết định của NHNN, giới phân tích cho rằng NIM của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
- 23-09-2022Chuyên gia: NHNN tăng lãi suất điều hành, đến lúc phải chấp nhận bước sang giai đoạn "tiền đắt"
- 23-09-2022Lãi suất tăng, ngân hàng thêm “chiêu” để hút người dân gửi tiền
- 23-09-2022“Nếu đã nâng lãi suất, cần tính đến bỏ trần tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”
Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, chiều ngày 22/09, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%. Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày 23/09/2022.
Theo đánh giá của VnDirect, hành động trên của NHNN Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, nhóm phân tích có đôi chút bất ngờ về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của VnDirect ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022). Sau đợt tăng lãi suất lần này, VnDirect cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022.
VnDirect duy trì dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những cuối năm 2022 bởi các yếu tố sau (1) tác động từ việc NHNN nâng lãi suất điều hành, (2) NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM, (3) tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (+4,2% so với đầu năm) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác, (4) FED dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022, (5) USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Nhóm phân tích dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Sang năm 2023, VnDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do (1) NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, (2) NHTM tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Trên cơ sở đó, dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Mặt khác, VnDiect dự báo lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 60-80 điểm cơ bản (bình quân) trong năm 2023.
Còn theo chứng khoán Bản Việt (VCSC), trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được điều chỉnh cao hơn mức dự báo mà đơn vị này đưa ra vào đầu năm. Cụ thể, tại thời điểm đầu năm, VCSC đã kỳ vọng trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ tăng 50 điểm cơ bản lần lượt trong các năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, khi quý 4/2022 đang đến gần và thực tế là cần có thời gian để những thay đổi về lãi suất được phản ánh đầy đủ vào chi phí huy động (COF) của các ngân hàng, VCSC tin rằng mức tăng trần lãi suất huy động cao hơn dự kiến này có thể tác động không quá đáng kể đến dự báo đối với COF và biên lãi ròng (NIM) trong năm 2022.
Đối với năm 2023, mức điều chỉnh tăng mới đây của NHNN về cơ bản được phản ánh trong dự báo hiện tại của VCSC đối với các ngân hàng. Ngoài ra, do phần lớn lãi suất cho vay đang được thả nổi, nhóm phân tích tin rằng các ngân hàng thương mại sẽ có thể kiểm soát được tác động lên NIM.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, NHNN tăng lãi suất điều hành là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Tại phiên họp trước đó ngày 22 tháng 9, Thủ Tướng đã yêu cầu NHNN xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Do đó, Chứng khoán Yuanta cho rằng NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng.
Nhóm phân tích nhận định các ngân hàng có tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) thấp như là HDBank, MSB, VIB, VPBank, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDBank, MSB, VPBank sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB, và Vietcombank sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Nhịp sống Thị trường