Cổ phiếu thép trở lại thời hoàng kim
Các cổ phiếu thép đang được giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2011, và ngành thép thế giới lại phải gửi lời cảm ơn đến “mối đe dọa” lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây: Trung Quốc.
- 27-06-2017Mỹ - Âu đêm trước “đại chiến” thép?
- 27-06-2017Điều kỳ diệu ở làng thép hơn 600 năm tuổi: 15 người làm ra tới 500.000 tấn thép mỗi năm
- 11-01-2017Chiếm một nửa sản lượng thép của thế giới, Trung Quốc không sản xuất nổi một chiếc đầu bút bi
Kể từ đầu năm đến nay, nhu cầu về thép ở Trung Quốc, nơi sản xuất ra một nửa lượng thép của toàn thế giới, đã tăng lên mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên. Nước này cũng đóng cửa một số nhà máy, giúp giảm bớt tình trạng dư thừa thép đã lan ra cả thế giới. Kết quả là giá thép phục hồi và đẩy chỉ số theo dõi các cổ phiếu thép trên toàn cầu do Bloomberg tính toán tăng trưởng tới 45% trong 12 tháng qua. Đây là mức cao gấp 3 lần so với đà tăng của chỉ số Bloomberg World Mining Index gồm các cổ phiếu khai mỏ.
Chỉ số Bloomberg Steel Producers Competitive Peers Index gồm cổ phiếu của 41 nhà sản xuất thép trên toàn cầu đã chạm mốc cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Lâu nay các chính trị gia (trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump) và các công ty thép hàng đầu thế giới vẫn đổ tội cho Trung Quốc đã khiến giá thép giảm mạnh, gây nên làn sóng đóng cửa một loạt nhà máy ở châu Âu và Mỹ. Hiện các quốc gia trên khắp thế giới từ Mỹ đến Ukraine đang áp đặt hơn 100 rào cản thương mại để bảo vệ ngành thép trong nước trước “cơn lũ” thép giá rẻ được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên thời gian gần đây Trung Quốc đã đóng cửa một số nhà máy, giúp giảm bớt hàng triệu tấn thép dư thừa. Đồng thời nhu cầu về thép cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng tăng mạnh. Các yếu tố này giúp kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm 28% trong 6 tháng đầu năm.
Cũng nhờ lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống, giá thép ở Mỹ và châu Âu đã tăng khoảng 75% trong 18 tháng trở lại đây. Đằng sau đà hồi phục này là lực cầu vững vàng. Nhà sản xuất hàng đầu ArcelorMittal đã dự đoán lượng thép mà Mỹ tiêu thụ trong năm nay sẽ tăng trưởng 4%, trong khi Eurofer vừa nâng dự báo nhu cầu về thép của châu Âu sẽ tăng 1,9%.
Ngoài ra thị trường cũng kỳ vọng động thái điều tra thép nhập khẩu của Bộ Thương mại Mỹ sẽ thúc đẩy các nước khác có hành động tương tự nhằm vào thép Trung Quốc. Trong khi Mỹ chỉ nhập khẩu trực tiếp một lượng nhỏ thép từ Trung Quốc, thép Trung Quốc vẫn chảy vào Mỹ theo một số kênh như qua các nước Đông Nam Á.
“Nếu áp lực này tăng lên, nhu cầu về thép Trung Quốc sẽ giảm, gây áp lực buộc Trung Quốc phải giảm sản lượng nhiều hơn nữa”, Seth Rosenfeld, chuyên gia phân tích tại Jefferies International, nhận định. Dù đó chỉ là kịch bản lý tưởng nhất, ông cho rằng mối đe dọa từ chính sách bảo hộ chính là một lời kêu gọi hãy cô lập thép Trung Quốc mà Mỹ muốn gửi tới toàn thế giới.