Những ngôi làng 800 tuổi tại Trung Quốc nguy cơ bị xóa sổ bởi đô thị hóa
Bầu không khí ảm đạm đang bao trùm lên ngôi làng Chentian, ngoại ô thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
- 28-04-2019Anh nông dân chăn lợn Trung Quốc bỗng chốc trở thành "ngôi sao" mạng xã hội kiếm được gần 3000 USD mỗi tháng nhờ xu hướng live-stream
- 26-04-2019Muốn biết tương lai của ngành bán lẻ, hãy nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc
- 26-04-2019Thị trường nợ 13 nghìn tỷ USD của Trung Quốc sẽ trở thành "kẻ chiến thắng" của cuộc chiến thương mại như thế nào?
Dòng chữ khuyến khích người dân mau chóng rời khỏi ngôi làng 800 tuổi được in trên những tấm băng rôn đỏ. Những cửa hàng nhỏ cũng đang hoàn tất những bước dọn dẹp cuối cùng. Những con người đã gắn bó với nơi đây vài thập kỷ qua đang bàn tán về tương lai bất định của họ.
Kế hoạch thay đổi những ngôi làng
Chentian là ngôi làng có kiến trúc hết sức độc đáo, được hình thành từ hàng trăm ngôi nhà bê tông thấp tầng và hàng ngàn các cửa hiệu nhỏ, nhà hàng nằm san sát nhau trên những con phố nhỏ. Làng là nơi sinh sống của khoảng 100.000 cư dân và nằm cách không xa sân bay trung tâm của thành phố.
Theo kế hoạch của chính quyền thành phố Quảng Châu, Chentian dự kiến bị giải tỏa trong thời gian tới. Thay vào đó, những trung tâm thương mại xa xỉ cũng như những tòa chung cư cao tầng sẽ mọc lên.
Ngôi làng với thiết kế độc đáo. Ảnh: SCMP.
Chentian chỉ là một trong số 272 ngôi làng đang nằm dưới nguy cơ bị phá bỏ theo kế hoạch hành động 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020, của chính quyền thành phố Quảng Châu. Chính quyền quyết tâm chuyển biến thành phố theo hướng đại hơn để sớm trở thành trung tâm của khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu Giang cũng như có thể bắt kịp tốc độ phát triển của các thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Tuy nhiên, thời điểm phá hủy cụ thể vẫn chưa được công bố.
Kế hoạch tái thiết ngôi làng có diện tích xây dựng lên đến 60 hecta, tương đương với diện tích công viên Victortia tại Hong Kong. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong một kế hoạch lớn hơn nhằm thay đổi bộ mặt những ngôi làng nằm tại vùng ven thành phố của chính quyền thành phố Quảng Châu. Tổng diện tích của dự án ước tính lên đến 320 km2, ngang với diện tích Hong Kong hiện tại.
Kế hoạch đô thị hóa “ấn tượng” tại Quảng Châu chỉ là một trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm dự án tái thiết cơ sở hạ tầng các khu vực thành thị trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Thông qua những dự án này, Trung Quốc muốn thay đổi bộ mặt vùng ven cũng như tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó cũng để lại “nỗi đau” cho những người dân đã từng sinh sống lâu năm tại những ngôi làng này cũng như làm gia tăng rủi ro khả năng chi trả các khoản nợ trong tương lai.
Trong tháng 3, tập đoàn bất động sản R&F Properties, niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, trúng một gói thầu của chính phủ Trung Quốc đại lục và chính thức trở thành nhà thầu chính của dự án tái phát triển khu vực làng Chentian.
Chỉ hai tuần sau khi kết quả của gói thầu trị giá 10,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,6 tỷ USD) được công bố, R&F Properties đã ký một thỏa thuận với chính quyền làng Chentian, giờ đây được gọi với cái tên Hiệp hội hợp tác kinh tế Chentian, rằng tất cả người dân và đơn vị kinh doanh buộc phải rời khỏi ngôi làng muộn nhất là đến cuối tháng 5 để công tác phá dỡ có thể được tiến hành ngay trong tháng 6.
Nỗi niềm cư dân 'bỗng thành triệu phú'
Từ lâu, chính quyền thành phố Quảng Châu đã coi những ngôi làng tại khu vực vùng ven thành phố là một “điểm yếu”. Họ luôn mong muốn thay thế những con ngõ nhỏ hẹp và những ngôi nhà màu xám xịt bằng hàng loạt các công trình kiến trúc hiện đại, hào nhoáng hơn. Thành phố đã thành công trong dự án xây dựng Khu đô thị mới Châu Giang bằng việc xây dựng lên hàng loạt các cao ốc trên nền của những ngôi làng đông đúc, chật chội và nằm ngoài quy hoạch của thành phố.
Ảnh: SCMP.
Tại nhiều ngôi làng, người dân sinh sống lâu năm thường chỉ chiếm chưa đến 10% dân số. Họ chấp nhận “đánh đổi” những ngôi nhà mà họ đã tự tay xây dựng để nhận lại những căn hộ trong những tòa chung cư mới, cùng với đó là một khoản bồi thường bằng tiền mặt. Nhiều người thậm chí đã trở thành triệu phú chỉ sau một đêm.
Tại Chentian, hơn một nửa trong tổng số 10,5 tỷ nhân dân tệ tiền đầu tư của dự án được sử dụng cho công tác tái định cư, cùng với đó là cam kết 1/3 khu vực được sau tái thiết sẽ được trao trả lại cho chính quyền của ngôi làng.
“Tôi cảm thấy hài lòng khi có một số tiền lớn chỉ sau một đêm nhờ vào những dự án tái thiết đô thị, nhưng tôi cũng thấy buồn khi nhìn thấy gia sản tổ tiên để lại buộc phải bán đi. Chúng tôi và thế hệ con cháu của những người bạn có thể trở thành những người xa lại khi chuyển về sống trong những tòa chung cư cao tầng”, một cư dân của làng Chentian than thở.
Những cư dân sẽ nhận được một căn hộ chung cư có diện tích lớn gấp 5 lần diện tích ngôi nhà cũ, hoặc một khoản tiền đền bù lên đến 11.121 nhân dân tệ (tương đương 1.670 USD) cho 1 m2, theo thông tin từ những người dân sinh sống trong làng. Tuy nhiên, theo giới bất động sản, giá trung bình cho mỗi m2 của một căn hộ được xây dựng trong khu vực này giao động xung quanh mức 70.000 nhân dân tệ (tương đương 10.420 USD).
Đối với một lao động nhập cư như Li Bo, kế hoạch tái thiết khu vực này có thể là dấu chấm hết đối với ông. Năm nay ông đã hơn 60 tuổi và có hơn 1 thập kỷ sinh sống tại Chentian. Nhưng cũng giống như hàng chục ngàn công nhân nhập cư khác, ông không được coi là một trong 7.300 cư dân chính thống của ngôi làng. Điều đó có nghĩa ông không được hỏi ý kiến về quá trình tái thiết ngôi làng cũng như nhận những khoản đền bù khi di dời nơi ở. Ông đang có kế hoạch rời khỏi Quảng Châu khi ông không thể sống dựa vào công việc đạp xích lô dọc các con phố nhỏ để bán than cho các cửa hàng ăn và nhà hàng được nữa.
Một cửa hàng bán đồ ngủ giá rẻ đã trưng nhiều bảng hiệu lớn thông báo họ đang thanh lý hàng hóa vì khu vực này sắp bị phá hủy phục vụ cho dự án. Thậm chí một trong số đó còn ghi rõ rằng chủ cửa hàng sẽ trở về quê tại khu vực nông thôn để làm nông.
Ảnh: SCMP.
Cụm từ “làng mạc vùng ven”, vốn dùng để chỉ những ngôi làng nằm trong hoặc tiệm cận khu vực trung tâm đô thị, thường được coi là những khu vực bẩn thỉu, tập trung đông dân cư nghèo. Đổi lại, đây lại là những khu vực mà những người công nhân nhập cư có thể thuê được chỗ ở với giá hết sức dễ chịu.
Đây còn là nơi hình thành nên những cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố. Chentian, là một ví dụ, vốn nổi tiếng khi là một địa điểm “cần phải đến” nếu như bạn muốn tìm mua một số linh kiện xe hơi.
Chính quyền thành phố Quảng Châu đã phát động chương trình tái thiết khu vực làng mạc ven đô cũng như những nhà máy cũ từ cuối năm 2017. Tốc độ thực hiện dự án sẽ được đẩy nhanh trong năm nay khi Trung Quốc “quay lại lối mòn” tiến hành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng chi tiêu ngân sách cho các công trình cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Cũng trong thời gian này, thành phố cũng đang ráo riết chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương phù hợp với những mục tiêu của tham vọng phát triển “khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu Giang”, hướng tới việc sáp nhập Hong Kong, Macau và 9 thành phố khác của tỉnh Quảng Đông tạo thành một siêu đô thị, sánh ngang với các thành phố lớn trên thế giới như San Francisco, New York và Tokyo.
“Trong một vài năm qua, với việc công bố kế hoạch xây dựng khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại của Quảng Châu cũng như lời khẳng định của Chủ tịch Tập Cận Bình về tầm quan trọng của tái thiết thành phố này là những động lực thúc đẩy chính quyền thành phố nhanh chóng thực hiện dự án cải tạo các ngôi làng vùng ven thành phố”, theo Peng Peng, phó chủ tịch công ty tư vấn Nam Quảng Đông, người theo dõi sát sao quá trình tái thiết khu vực làng mạc ven đô.
“Sự biến chuyển của những khu vực này sẽ là nguồn gốc bùng nổ cơ sở hạ tầng cũng như bất động sản trong thành phố, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thu từ bất động sản cũng như tốc độ phát triển kinh tế của Quảng Châu còn kém xa so với Thâm Quyến.
Việc tái thiết những ngôi làng vùng ven có thể khiến giá trị bất động sản ở Quảng Châu tăng lên đáng kể, thông qua đó, nguồn thu từ bất động sản cũng gia tăng và sức cạnh tranh của Quảng Châu cũng được cải thiện rõ rệt”.
Cho dù đã sẵn sàng hay miễn cưỡng, đại bộ phân dân cư trong những ngôi làng đều đồng ý di dời khỏi nơi họ đã bao năm gắn bó, nhường chỗ cho những dự án phá dỡ, trong đó phải kể đến hơn 1.000 cửa hàng bán linh kiện xe hơi đã qua sử dụng tại Chentian.
“Tất cả cửa hàng bán linh kiện xe hơi sẽ buộc phải đóng cửa trong tháng sau, sau đó khu vực này sẽ bị phá hủy. Do đó, các hoạt động buôn bán và ăn uống tại đây sẽ không thể diễn ra trong tháng sau”, ông Li cho biết. “Trong tương lai, khu vực này sẽ trở nên đắt đỏ lắm đây. Tôi thì già rồi và sẽ trở về quê tại tỉnh Hồ Nam khi tất cả nhà hàng trong khu vực này đóng cửa”.
Nếu như công tác phá dỡ ngày càng được đẩy nhanh, “sẽ không còn nhà trọ giá rẻ để những công nhân nhập cư thuê nữa. Nhiều người sẽ chọn rời Quảng Châu để về quê”, theo lời một cư dân.
“Tôi chuyển đến Chentian từ năm 2003, khi công việc buôn bán phụ tùng xe hơi bất đầu nở rộ tại đây. Số lượng người nhập cư cũng dần dần tăng lên. Tại thời điểm đó, một căn hộ một phòng ngủ chỉ có giá thuê 100 nhân dân tệ (tương đương 15 USD), nhưng bây giờ đã tăng lên từ 500 đến 600 nhân dân tệ (tương đương 75 USD)”.
Ảnh: SCMP.
Có hơn 1.000 gian hàng trong chợ, nơi giá thuê một ki-ốt có diện tích gần 30 m2có giá lên đến từ 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ một tháng, Chen Li, người làm việc trong khu chợ, nói.
“Không ai biết liệu chúng tôi có được đền bù hay không, và nếu có thì sẽ được đền bù bao nhiêu cũng như chúng tôi sẽ chuyển đến đâu. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, chợ linh kiện xe hơi cũng sẽ bị 'xé nát'”, theo lời Chen.
“Chủ nhà trọ của tôi, một cư dân trong làng Chentian, cho tôi biết bà và những người dân khác không muốn nơi chôn rau cắt rốn của họ bị phá hủy".