Những "tân binh" Becamex, BSR, VEA... khuấy động sàn Upcom năm 2018 giờ ra sao?
Đón hàng loạt "ông lớn" đổ bộ, sàn Upcom đã không còn trầm lắng như xưa.
- 12-02-2019Những "tân binh" niêm yết sàn HNX năm 2018 giờ ra sao?
- 06-02-2019Những "tân binh" của HoSE năm ngoái giờ ra sao
- 09-12-2018Điểm nhấn tân binh trên thị trường chứng khoán 2018
- 29-06-2018Câu lạc bộ “3 chữ số” biến động, tân binh dành ngôi đầu
- 03-01-2017Đầu năm mới, sàn UpCOM đón 4 tân binh với gần 1,77 tỷ cổ phiếu đăng ký giao dịch
- 21-12-2016Sàn UpCOM vừa đón nhận 5 tân binh "được mong chờ" trong cùng 1 ngày
Năm 2018 sàn Upcom đón nhận thêm nhiều thành viên, trong đó có một số là tân binh lần đầu đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Một số nữa vì nhiều lý do đã "chuyển nhà" từ các sàn HoSE và HNX sang.
Trong số đó, dù giao dịch trên Upcom nhưng vẫn có rất nhiều mã chứng khoán khiến nhà đầu tư quan tâm, thanh khoản cổ phiếu rất lớn. Có nhiều cổ phiếu giá có biên độ tăng/giảm lớn trong năm, khiến nhà đầu tư dở khóc dở cười.
Hàng loạt "ông lớn" đổ bộ Upcom năm qua
Becamex IDC gây nhiều bất ngờ
Trong những doanh nghiệp lên sàn Upcom năm ngoái, hẳn các nhà đầu tư không đặt nhiều kỳ vọng vào BCM của Becamex IDC bởi các phiên đấu giá "ế ẩm" trước khi lên sàn. Đến thời điểm hiện tại BCM cũng mới chỉ đưa chưa đến 25 triệu cổ phiếu lên giao dịch trong tổng số hơn 1 tỷ cổ phần tương ứng vốn điều lệ công ty. Số cổ phiếu giao dịch này đã bao gồm số cổ phiếu phát hành thêm sau khi lên sàn.
Tuy thế, thanh khoản cổ phiếu BCM trên thị trường rất tốt. Kết quả kinh doanh lại đặc biệt tốt hơn cả dự kiến trước đó ban lãnh đạo công ty ước tính. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2018 đạt 8.625 tỷ đồng, trong đó doanh thu thuần 6.508 tỷ đồng. Lợi nhuận sau trước thuế đạt 2.590 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.346 tỷ đồng, gấp 4,1 lần kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Dù chưa giao dịch hết số cổ phần thực có, nhưng Becamex IDC cũng đang lên kế hoạch tăng vốn gần gấp đôi, lên 20.000 tỷ đồng. Phương án cụ thể chưa được công ty công bố. Giá cổ phiếu BCM cũng không ít lần khiến nhà đầu tư "thót tim" khi có lúc tăng lên trên 26.000 đồng/cổ phiếu và cũng có lúc giảm gần một nửa, xuống dưới 14.000 đồng/cổ phiếu. Hiện BCM đã phục hồi và giao dịch ở mức 22.600 đồng/cổ phiếu.
Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng gây nên cú sốc lớn
Nhắc đến những tân binh khuấy động sàn Upcom cũng không thể quên BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Cũng như Becamex IDC, Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ đưa số cổ phiếu trúng giá trong phiên IPO lên sàn với hơn 244 triệu cổ phiếu giao dịch cho đến hiện tại, trong tổng số hơn 3,1 tỷ cổ phần tính theo vốn điều lệ.
Kết quả kinh doanh của Lọc Hóa dầu Bình Sơn khá tốt trong hơn nửa đầu năm 2018, tuy nhiên quý 4 bất ngờ báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, giảm lãi sau thuế cả năm xuống còn 3.572 tỷ đồng, trong đó LNST thuộc về công ty mẹ đạt 3.630 tỷ đồng. Doanh thu cả năm đạt 110.952 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu BSR cũng biến động trái chiều với kết quả kinh doanh. Tăng trần ngay phiên chào sàn, đạt đỉnh ở mức 31.300 đồng/cổ phiếu, sau đó là chuỗi giảm sâu, BSR hiện giao dịch ở mức 14.200 đồng/cổ phiếu, mất đi hơn nửa giá trị so với đỉnh đạt được ngay sau khi lên sàn.
PV Power cũng đã khiến nhà đầu tư "dở khóc dở cười" trước khi rời sàn Upcom
Cũng chỉ đưa những cổ phần trúng giá trong phiên IPO lên sàn như BSR và BCM, PV Power (POW) được các nhà đầu tư săn đón nhiều. Lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đơn vị. POW cũng đạt đỉnh ngay phiên đầu lên sàn ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, biến động giá cổ phiếu POW cũng khó lường khi từng giảm sâu về dưới 11.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa năm 2018 nhưng sau đó đã có giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Điểm khác biệt so với 2 "ông lớn" BCM và BSR, là sau một năm khuấy động sàn Upcom, PV Power chính thức chuyển sàng niêm yết trên HoSE, đưa toàn bộ hơn 2,34 tỷ cổ phiếu tương ứng số vốn điều lệ công ty lên niêm yết. Sân chơi lớn hơn nhưng cũng nhiều thử thách hơn, cổ phiếu POW đã kịp tăng 4,5% ngay phiên chào sàn và hiện giao dịch quanh mức 16.850 đồng/cổ phiếu.
Một "anh cả" khác của ngành dầu khí PV Oil cũng đổ bộ lên sàn Upcom
Những năm gần đây sàn Upcom không còn bị xem như một sân chơi "thứ cấp" như trước. Rất nhiều cổ phiếu "hot" chọn Upcom làm nơi "thử lửa", nên việc đón các "ông lớn" không còn quá lạ. Hơn 200 triệu cổ phiếu OIL của PV OIL tiếp bước các doanh nghiệp lớn khác đổ bộ lên sàn Upcom trong những ngày đầu tháng 3 trong tổng số hơn 1 tỷ cổ phần tính theo vốn điều lệ của công ty.
Những ngày cuối năm 2018 vừa qua OIL đang tiến hành các thủ tục, khóa room ngoại về 6,6% từ mức 49% để chuẩn bị mở đường bán vốn Nhà nước theo lô. Trong phương án cổ phần hóa OIL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN sẽ nắm giữ 35,1% vốn điều lệ tại OIL, 20% vốn điều lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược 44,72% vốn điều lệ.
Việc chào bán công khai đã thành công trong phiên IPO, hiện OIL đang chuẩn bị để đón các nhà đầu tư chiến lược. Có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm muốn trở thành cổ đông chiến lược của OIL như Vietjet, HD Bank, SK Energy (Hàn Quốc) và Idemitsu (Nhật Bản).
Kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất của PV OIL năm 2018 ước đạt 57.110 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch năm. Đối với kế hoạch công ty cổ phần, doanh thu hợp nhất 5 tháng công ty cổ phần ước đạt 18.450, hoàn thành 121% kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 587 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất trong 5 tháng công ty cổ phần ước đạt 130 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.
Dù rất nhiều thông tin tốt hỗ trợ, nhưng trên thị trường giá cổ phiếu OIL lại đang giảm sâu so với mức giá đỉnh 24.200 đồng/cổ phiếu đạt được ngay phiên đầu lên sàn. Hiện OIL đang giao dịch ở mức 14.800 đồng/cổ phiếu.
VEAM tăng mạnh khiến nhà đầu tư hạnh phúc
Các tổng công ty liên tục lên sàn sau IPO. Đầu tháng 7/2018 Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đưa gần 1,33 tỷ cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với giá chào sàn 27.600 đồng/cổ phiếu tương ứng toàn bộ vốn điều lệ công ty.
Khác với những "ông lớn" khác, VEA chịu những phiên giảm điểm liên tiếp ngay khi lên sàn, tuy nhiên chỉ hơn 1 tháng sau đó VEA bắt đầu đà tăng và vừa xác lập đỉnh mới ở mức 52.500 đồng/cổ phiếu ngay phiên sau tết vừa qua. Hiện VEA giảm nhẹ về xấp xỉ mức 48.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh của VEAM cũng rất khả quan khi công ty vừa báo cáo đạt 7.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước đó, trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%. EPS năm 2018 đạt xấp xỉ 5.321 đồng.
Viettel Global đạt mức vốn hóa 42.000 tỷ đồng
Danh sách các "ông lớn" lên sàn Upcom năm ngoái còn có Viettel Global (VGI) với hơn 2,43 tỷ cổ phiếu tương ứng toàn bộ vốn điều lệ của công ty. Thanh khoản khá tốt, VGI tăng trần 3 phiên liên tiếp ngay sau khi lên sàn và đạt đỉnh ở mức giá 28.200 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên VGI cũng khiến không ít nhà đầu tư "dở khóc dở cười" khi giảm sâu xuống đến 12.000 đồng/cổ phiếu, mất hơn một nửa giá đỉnh, và xuống thấp hơn cả giá chào sàn 15.000 đồng/cổ phiếu. May mắn thay VGI đã lấy lại đà tăng và hiện giao dịch quanh mức 18.500 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa thị trường hiện tại của Viettel Global rơi vào khoảng 42.000 tỷ đồng.
Xem người đập đất sàn Upcom năm nay là ai?
Sàn Upcom năm 2018 thực sự rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt các ông lớn với vốn điều lệ hàn nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vậy hãy xem, ai "xông đất sàn Upcom năm vừa rồi?
Thăng - trầm của "người xông đất"
Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) là một trong 11 doanh nghiệp "xông đất" sàn Upcom năm 2018 với 6 triệu cổ phiếu chào sàn ở mức giá 8.500 đồng/cổ phiếu.
Hẳn không ai có thể ngờ răng DSC lại có thể tăng một mạch lên 114.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng hơn 5 tháng, rồi nhanh chóng giảm sâu và hiện giao dịch ở mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo mức giao động, DSC đã tăng 13,4 lần so với giá chào sàn, và mất đi 9/10 giá trị trong khoảng thời gian sau đó. DSC được đưa vào danh sách những cổ phiếu "tăng sốc, giảm sâu" nhất năm qua.
Chuyển phát nhanh EMS
EMS của Tổng công ty chuyển phát nhanh bưu điện cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên "xông đất" nhà Upcom với gần 9,16 triệu cổ phiếu. Chào sàn ngày 5/1/2019 với mức giá 31.000 đồng/cổ phiếu, EMS có 5 phiên liên tiếp không hề có giao dịch khớp lệnh. Ngay sau đó là chuỗi tăng giá ấn tượng lên xấp xỉ 54.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh).
Tuy nhiên nhà đầu tư chưa kịp mừng thì EMS rơi vào giai đoạn xuống dốc, đến tận vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu mới dừng lại, và nay đã phục hồi về mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ có EMS đổ bộ trên Upcom trong ngày 5/1, mà có đến 11 doanh nghiệp. Và trong số các doanh nghiệp xông đất Upcom, có Tổng Công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam Viwaseen (VIW) với hơn 58 triệu cổ phiếu chào sàn ở mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu. VIW đã đạt mức đỉnh 16.500 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) sau khi liên tiếp giảm sâu, có lúc về tới 4.000 đồng/cổ phiếu (chưa bằng 1/4 so với giá đỉnh), và may mắn thay đã phục hồi dần và hiện giao dịch ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên thanh khoản VIW rất thấp.
Cũng như VIW, cổ phiếu BTN của Gạch Tuynen Bình Định chào sàn ở mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay Tuynen Bình Định đã kịp tăng vốn gần gấp rưỡi, lên hơn 44,65 tỷ đồng. Giá cổ phiếu thì ngược lại, chạm đỉnh ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) và rồi giảm sâu, hiện giao dịch sâu dưới mệnh giá ở mức 6.400 đồng/cổ phiếu. FTI của CTCP Công nghiệp thương mại Hữu Nghị cũng cùng chung số phận khi chỉ còn chưa đến 1/4 giá trị so với mức đỉnh, đang giao dịch ở giá 2.500 đồng/cổ phiếu.
Điểm thêm, trong các doanh nghiệp "xông đất" Upcom, còn có HAB của CTCP Sách và thiết bị trường học Hà Nội đã tăng từ mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu ngày chào sàn lên 28.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng mức tăng hơn gấp đôi. Còn các mã chứng khoán khác không có nhiều biến động trong cả năm qua.
"Họ nhà Viettel" liên tục đổ bộ
Ngoài Viettel Global, "họ" nhà Viettel còn có nhiều "đứa con" khác lên sàn năm qua. Một đứa con trong họ Viettel nữa cũng lọt danh sách khuấy động sàn Upcom năm ngoái là VTP của Viettel Post. Hơn 41,3 triệu cổ phiếu lên sàn từ 23/11/2018, VTP đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp và nhanh chóng đạt đỉnh ở mức 170.800 đồng/cổ phiếu ngay trong những ngày lễ tình nhân 14/2 vừa qua. Hiện VTP giao dịch bình quân ở mức 170.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Người được lợi nhất, cũng có lẽ là người tiếc nuối nhất khi giá cổ phiếu VTP tăng chóng mặt chắc là ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Chủ tịch công ty. Ông Tuấn bán gần hết toàn bộ gần 2,96 triệu cổ phiếu VTP chỉ mấy phiên sau khi Viettel Post lên sàn, lúc VTP đang giao dịch bình quân ở mức giá gần gấp đôi ngày chào sàn, 130.000 đồng/cổ phiếu.
Cứ tạm tính theo giá đó, ông Tuấn đã lãi khá lớn khi thoát hàng. Tuy nhiên hẳn ông Tuấn và khá nhiều cổ đông không thể ngờ đà tăng của VTP vẫn chưa dừng lại, mà lên đến 170.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Tạm tính, nếu giữ lại đến nay, ông Tuấn còn thu về thêm khoảng trên dưới 110 tỷ đồng nữa.
Còn nhiều doanh nghiệp đáng được nhắc đến
Những doanh nghiệp có giá cổ phiếu biến động mạnh còn phải kể đến GVR của Tập đoàn Cao su Việt Nam, HTM của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), HSL của CTCP Chế biến nông sản Hồng Hà Sơn La…
Bên cạnh đó, cổ phiếu FOC là một trong những cổ phiếu mang lại nỗi buồn cho nhà đầu tư. Hơn 14 triệu cổ phiếu chào sàn ở mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu, FOC tăng trần 2 phiên đầu tiên và đạt đỉnh ở mức 175.500 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Tuy nhiên sau đó FOC giảm sâu và hiện giáo dịch ở mức 137.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này dù vẫn rất cao so với giá chào sàn, nhưng cũng đã giảm đáng kể so với mức đỉnh.
VTK của CTCP Tư vấn thiết kế Viettel cũng là một trong những cổ phiếu mang lại nhiều nỗi buồn cho cổ đông. VTK tăng giá ngay phiên đầu lên sàn, nhưng sau đó là chuỗi dài giảm giá và hiện giao dịch ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm 1/3 giá trị so với đỉnh đạt được ngày lên sàn gần 2 tháng trước.
Trí Thức Trẻ