MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt

07-04-2018 - 14:19 PM | Sống

Công trình vĩ đại bậc nhất thế giới này không chỉ thu hút khách du lịch bởi sự tráng lệ hùng vĩ mà còn vì những câu chuyện truyền thuyết bí ẩn xung quanh nó.

Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành bằng đất và đá nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng liên tục từ thế kỷ 5 TCN tới thế kỷ 16. Nó được dùng để bảo vệ đế quốc Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc du mục khác. Hiện nay, đây được coi là công trình biểu tượng cho nền văn hóa Trung Quốc.

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 1.

Vạn Lý Trường Thành

Du khách đến thăm Vạn Lý Trường Thành đều ngỡ ngàng trước sự bề thế, uy nghiêm và hoành tráng của công trình này. Thế nhưng đằng sau sự hùng vĩ của bức tường vạn dặm này là biết bao nước mắt và xương máu đã chảy xuống. Có rất nhiều truyền thuyết về những điều ấy được truyền miệng qua ngàn đời cho đến tận ngày nay.

Mạnh Khương Nữ khóc đổ Trường Thành

"Mạnh Khương Nữ", hay "Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành" là câu chuyện nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất trong số các truyền thuyết về Vạn Lý Trường Thành.

Tương truyền rằng, Mạnh Khương Nữ cùng Phạm Hỷ Lương là đôi uyên ương gắn bó khăng khít. Đột nhiên một ngày nọ, triều đình ban lệnh thu thập dân binh đi xây Vạn Lý Trường Thành. Vạn Hỷ Lương cũng nằm trong số ấy. Thoáng chốc một năm đã qua, nhưng Phạm Hỷ Lương vẫn bặt vô âm tín. Mạnh Khương Nữ vì lo lắng cho chồng mà mất ăn mất ngủ. Sau khi thương lượng với cha mẹ, nàng quyết định đi tìm chồng, thề rằng, nếu chưa tìm thấy Hỷ Lương sẽ quyết không về nhà.

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 2.

Mạnh Khương Nữ gục khóc trên Trường Thành khi phát hiện chồng đã qua đời

Nàng đem theo lương khô và tấm áo len mới đan cho chàng rồi khăn gói lên đường. Suốt chặng đường đi, Mạnh Khương Nữ "ăn gió nằm sương", chống chọi với mưa nắng, chịu đủ cảnh cơ hàn, đói rét. Trải qua bao ngày trèo đèo lội suối, cuối cùng, nàng cũng tìm được tới nơi xây dựng Trường Thành. Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người thế nhưng lại nhận được hung tin chồng mình đã vì lao lực mà chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước hòa lẫn máu. Tiếng khóc của Mạnh Khương vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ ra xác chết của chồng mình. Sau khi làm lễ an táng cho chồng xong, nàng Mạnh Khương đã gieo mình xuống biển tự vẫn

Theo dòng chảy thời gian, câu chuyện này trở thành một biểu tượng văn hóa và trở nên phổ biến một cách rộng rãi không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản , Hàn Quốc và cả Việt Nam . "Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành" trở thành một trong 4 truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất của văn hóa Trung Hoa, bên cạnh "Ngưu Lang Chức Nữ" , "Bạch Xà truyện" và "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" .

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 3.

Tượng Mạnh Khương Nữ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan thuộc địa cấp thị Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.

Viên gạch thừa ở Gia Dục Quan

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 4.

Gia Dục Quan

Gia Dục quan là cửa ải ở phía tây của Vạn Lý Trường Thành. Trong số các cửa ải của Vạn Lý Trường Thành, Gia Dục quan là công trình quân sự cổ đại còn lại nguyên vẹn nhất. Cửa ải còn được biết đến với tên "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Truyền thuyết nổi tiếng nhất ở cổng thành này kể về một người đàn ông tên là Dị Khai Chiêm vào thời nhà Minh (1368-1644). Ông là một kiến trúc sư rất giỏi về số học. Khi lên kế hoạch xây dựng Gia Dục quan, Dị Khai Chiêm đã tính toán cần đến 99.999 viên gạch để hoàn thành công trình này. Quan phụ trách không tin ông và phán rằng chỉ cần ông tính toán sai một viên gạch thì quân lính sẽ phải lao động khổ sai trong ba năm.

Khi xây xong Gia Dục quan, quả nhiên có một viên gạch thừa ra khiến cho quan phụ trách vui mừng tìm cách trừng phạt Dị Khai Chiêm cũng như những quân lính xây thành. Lúc này, Dị Khai Chiêm nói rằng viên gạch còn thừa là do thần tiên cố tình đặt ở đó, chỉ cần xê dịch một chút thôi thì cả tường thành sẽ sụp đổ. Viên quan nọ không tin lời ông, liền bỏ viên gạch xuống. Bất ngờ, cả dãy tường thành đổ sập và phải xây dựng lại từ đầu. Sau khi hoàn thành lại, viên gạch được đặt nguyên ở vị trí cũ và hiện vẫn còn trên tòa tháp Gia Dục quan.

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 5.

Viên gạch còn thừa được đặt trên cổng thành

Bên cạnh đó, cũng có một dị bản khác về câu chuyện này là Dị Khai Chiêm đã tính toán chính xác số gạch cần dùng, nhưng do quan phụ trách nghi ngờ ông nên đã thêm vào một viên. Cuối cùng khi Gia Dục quan hoàn thành, một viên gạch còn sót lại được đặt lỏng lẻo trên cổng thành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Cuộc hội ngộ hạnh phúc tại pháo đài Hỷ Phùng

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 6.

Pháo đài Hỷ Phùng

Câu chuyện về pháo đài Hỷ Phùng kể về một người lính trẻ phải đi tới đoạn trường thành phía Bắc theo lệnh của Triều đình để canh gác. Theo luật lệ thời đó, lính canh Vạn Lý Trường Thành phải làm nhiệm vụ gần như quanh năm và hiếm khi được về nhà. Người lính trẻ ấy đã canh gác ở đây nhiều năm mà vẫn không được nghỉ phép về thăm quê. Ở phương xa vì nhớ mong con trai cũng như do sức khỏe đã ngày một yếu, người cha già đã quyết định khăn gói lên đường đến Vạn Lý Trường Thành để tìm con.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng người cha cũng tìm thấy con, hai cha con gặp nhau tại pháo đài mà người con đứng gác. Hai người ôm nhau, vừa khóc vừa cười, cảm thấy hạnh phúc tràn đầy. Và điều bất ngờ hơn là cả hai cha con đã chết ngay tại nơi hai người trùng phùng. Để tưởng nhớ 2 cha con họ mà pháo đài đó đã được đặt tên là Hỷ Phùng (Cuộc đoàn tụ hạnh phúc).

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 7.

Tượng lính canh tại Vạn Lý Trường Thành

Hoàng Hoa Đài và cái chết oan ức của một vị tướng

Cách Bắc Kinh 60 km về phía bắc, một đoạn Trường Thành được đặt tên là Hoàng Hoa Đài, tức pháo đài hoa vàng. Sở dĩ có tên như vậy là do vào mùa hè, toàn bộ khu vực này phủ kín bởi hoa màu vàng.

Hoàng Hoa Đài bắt đầu được xây dựng vào năm 1575 vào thời nhà Minh và do một vị tướng tên Thái Khải phụ trách. Tương truyền, họ mất rất nhiều năm để hoàn tất đoạn Trường Thành này. Khi tướng Thái Khải về kinh thành báo cáo với hoàng đế, một số vị đại thần do ghen ăn tức ở đã tâu với hoàng đế rằng tướng Thái Khải tiêu tốn quá nhiều tiền vào việc xây dựng nhưng chất lượng của đoạn thành thì lại rất tệ. Hoàng đế tức giận tới mức ra lệnh xử tử vị tướng này ngay lập tức.

Những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh Vạn Lý Trường Thành: Kỳ quan in dấu bao nỗi buồn và nước mắt - Ảnh 8.

Đoạn Hoàng Hoa Đài trên Trường Thành

Một thời gian sau, hoàng đế cử một người tin cẩn tới kiểm tra đoạn thành tướng Thái Khải đã xây. Người đó trở về báo rằng đoạn Hoàng Hoa Đài rất vững chắc và được xây dựng một cách công phu. Hối hận vì đã quá nóng vội gây ra cái chết của tướng Thái Khải, hoàng đế cử người xây dựng lăng mộ và tượng đài để tưởng nhớ vị tướng trung thành.

Theo Mây

Helino

Trở lên trên