3,1 triệu tỷ đồng nợ công: Mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 33 triệu đồng
So với năm 2016, nợ công trên GDP giảm đi 1 điểm phần trăm nhưng nếu xét đến giá trị tuyệt đối thì nợ công năm nay tăng thêm 0,26 triệu tỷ đồng.
- 18-10-2017Nợ công của Việt Nam: “Chúng ta đang trẻ đã ăn chơi”
- 03-10-2017Vì sao nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng World Bank lại cảnh báo Việt Nam về những vấn đề đáng lo ngại?
- 27-09-2017Nợ công đã chạm đỉnh
Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công cho biết trên cơ sở kế hoạch vay và trả nợ công năm 2017 và tình hình thực hiện đến 30/9/2017, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6%GDP, nếu chia trung bình cho 94 triệu dân, mỗi người dân đang gánh khoảng 33 triệu đồng. Dư nợ chính phủ khoảng 51,8%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2%GDP, trong giới hạn được Quốc hội cho phép.
Nếu so sánh với năm 2016, nợ công trên GDP có giảm đi 1 điểm phần trăm. Nhưng nếu xét đến giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay tăng thêm 0,26 triệu tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết Chính phủ dự kiến vay mới trong năm 2018 nhằm bù đắp bộ chi Ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng.
Về vay nợ của chính quyền địa phương, theo khung cân đối Ngân sách nhà nước năm 2018, dự kiến vay để bù đắp cho bội chi Ngân sách địa phương là 11.149,7 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc khoảng 9.951 tỷ đồng.
Với các kế hoạch như trên, dự kiến dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9%GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%GDP. Tỷ lệ này vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép, theo báo cáo Chính phủ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2016 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Căn cứ vào các chỉ số của năm 2016, ước tính của năm 2017 Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý nợ công.
Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục quản lý chặn chẽ việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, tập trung vào việc huy động vốn bù đắp thiếu hụt ngân sách trong khung cân đối ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép.
Chính phủ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ của doanh nghiệp. Cụ thể, hạn mức vay thương mại trung và dài hạn của của doanh nghiệp hàng năm tối đa là 5,5 tỷ USD, mức độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8-10%.
Thống kê số lượng và giá trị các dự án mới ký kết và có khả năng sẽ ký kết trong giai đoạn 2016-2020 mà chưa có trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để có căn cứ đánh giá tác động đến nợ công cũng như kế hoạch tài chính trung hạn.
Mặt khác, đề xuất, lựa chọn dự án đầu tư phát triển quan trọng và cần thiết để vận động nhà tài trợ và sử dụng nguồn vốn ODA, đồng thời phải tính đến xu hướng gia tăng chi phí, kỳ hạn vay ngắn hơn do Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn ODA nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án.