MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi buồn thời chứng khoán tăng điểm

21-07-2016 - 09:05 AM | Tài chính quốc tế

Từ bấy lâu nay, người ta vẫn mặc định cho rằng thị trường chứng khoán tăng tức nền kinh tế đang tăng trưởng. Nhưng sự thực không phải như vậy.

Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, chỉ số S&P liên tiếp lập đỉnh bất chấp viễn cảnh kinh tế không mấy sáng sủa. Vậy có gì ẩn ý đằng sau những chỉ số tăng trên thị trường chứng khoán.

Giống như hầu hết các nhà kinh tế, Paul Krugman thường không nói nhiều về chứng khoán. So với các thị trường khác, thị trường chứng khoán nhạy cảm hơn rất nhiều và giá cổ phiếu thường ít liên quan đến nền kinh tế hoặc viễn cảnh của nó thường thịnh vượng hơn so với mọi người nghĩ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên hoàn toàn phớt lờ giá cổ phiếu. Thực tế cho thấy các chỉ số chính đang tăng mạnh. Chỉ số DJIA tăng 177% so với mức đáy hồi tháng 3/2009 là một tin tức đáng quan tâm và đáng lo ngại. Vậy những chỉ số trên phố Wall nói với chúng ta điều gì?

Theo Paul Krugman, câu trả lời hoàn toàn không tích cực. Đôi khi, thị trường chứng khoán tăng không phản ánh một nền kinh tế mạnh mà lại chứng minh một điều ngược lại. Nếu hiểu được mâu thuẫn này, nhà đầu tư có thể nắm được tình hình nền kinh tế đang tồi tệ như thế nào thông qua những chỉ số cổ phiếu.

Nhà kinh tế học Paul Samuelson đã từng nổi tiếng với bài viết vạch trần câu chuyện thần thoại rằng giá cổ phiếu là thước đo sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế. Câu chuyện hoang đường này từng được nhai đi nhai để minh chứng cho quyền lực chính trị bởi những nhà kinh tế bảo thủ lỗi lạc với những bài viết như “Thuyết cấp tiến của ông Obama đang giết chết chỉ số Dow Jones”.

Thật lạ là giá cổ phiếu quay đầu tăng mạnh chỉ 6 tuần sau khi Tổng thống Obama lên nhận chức. Trong khi nhiều Nghị sĩ tự nhận là thành viên Đảng Cộng hòa vẫn không nhận ra điều đó mà tin rằng giá cổ phiếu sẽ đi xuống trong suốt thời của ông Obama.

Sự thật là, trong mọi tình huống thì luôn có 3 điểm trễ giữa giá cổ phiếu và thành công của một nền kinh tế nói chung. Thứ nhất, giá cổ phiếu phản ánh lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó không còn phản ánh tổng thu nhập của nền kinh tế Mỹ. Thứ hai, chúng cũng phản ánh mức độ sẵn sàng (hoặc thiếu) các cơ hội đầu tư khác ngoài đầu tư chứng khoán. Cuối cùng, mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và khối lượng đầu tư thực – một chỉ số rất quan trọng trong GDP của nền kinh tế đã trở nên rất lỏng lẻo.

Thứ nhất, chúng ta đo mức độ thành công của nền kinh tế bằng cách đánh giá mức độ gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không phản ánh thu nhập của người dân lao động phổ thông.

Điều đó sẽ không vấn đề gì nếu phần lợi nhuận trong tổng thu nhập ổn định, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Trong vài năm gần đây, phần lợi nhuận tăng cao hơn cả thời điểm “sốt” của thị trường chứng khoán cuối những năm 1990 – khi mà lợi nhuận bùng nổ nhưng không đi kèm với bùng nổ kinh tế, khiến cho mối quan hệ giữa lợi nhuận và sự thịnh vượng trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Nói cách khác, khi tổng GDP không thay đổi mà lợi nhuận của một nhóm người trong tổng thu nhập tăng làm bóp méo giá trị phản ánh của thành phần thu nhập trong GDP.

Thứ hai, nhà đầu tư mua vào cổ phiếu đồng nghĩa với việc đổ tiền ra ngày hôm nay để nhận được lợi nhuận trong ngày mai. Giá trị mà họ nhận được phụ thuộc vào chi phí cơ hội của hoạt động đầu tư khác mà tiêu biểu là trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài cực thấp, thậm chí còn âm sau khi trừ lạm phát. Lãi suất thấp làm tăng dòng tiền chiết khấu của cổ phiếu, do đó nhà đầu tư càng mong muốn bỏ tiền ra để nhận được thu nhập trong tương lai, cuối cùng đẩy giá cổ phiếu tăng.

Cuối cùng, ở đây xuất hiện một nghịch lý, nếu các doanh nghiệp tư nhân không nhìn thấy cơ hội kiếm lời bằng việc đổ tiền vào đầu tư, vậy lợi nhuận cổ phiếu tăng đến từ đâu? Câu trả lời là những sức mạnh thị trường như định vị thương hiệu, lợi thế mạng lưới hoặc độc quyền. Các công ty sở hữu những nguồn lực này có thể duy trì giá cổ phiếu tăng mà không phải đầu tư bổ sung vì kỳ vọng tăng trưởng tốt.

3 công ty tiêu biểu là Apple, Google và Microsoft. Thực tế cả 3 công ty này đều đang ngồi trên một đống tiền mặt nhưng không một công ty nào chịu bỏ nhiều tiền ra đầu tư. Khi lãi suất giảm, các công ty này không có ý định móc hầu bao để mở rộng kinh doanh mà thay vào đó, họ giữ cho lợi nhuận tăng để thu hút người chơi chứng khoán mua vào cổ phiếu của họ.

Nói tóm lại, thị trường chứng khoán không phải là chứng cứ thuyết phục của một nền kinh tế khỏe mạnh. Nếu có, đó chỉ là một nền kinh tế có quá ít cơ hội đầu tư và quá nhiều sức mạnh độc quyền.

Chính vì vậy, kể từ bây giờ nếu bạn có nghe nói về giá cổ phiếu tăng. Hãy nhớ điều đó không có nghĩa nền kinh tế đang tăng trưởng hoặc ngược lại.

Anh Sa

NYTimes

Trở lên trên