Nỗi khổ của các nền kinh tế mắc “bẫy thu nhập cao”
Thu nhập cao, giới trẻ khi ra trường đòi lương tương xứng với trình độ, khiến các nhà sản xuất chuyển hướng ra nước ngoài tìm kiếm lao động rẻ hơn...
- 14-04-2017Người dân ngày càng lười biếng khiến nền kinh tế số 1 thế giới phải gánh hậu quả
- 11-04-2017Trong khi các nước như Thái Lan hướng tới nền kinh tế 4.0, quốc gia này đã hướng đến mô hình 5.0
- 28-03-2017Từ "kẻ sao chép" đến nước tiên phong về nền kinh tế kỹ thuật số - Bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc
Khi GDP đầu người của một quốc gia bắt đầu chạm ngưỡng 10.000 USD, tăng trưởng kinh tế bắt đầu chững lại và dậm chân ở mức này, khó vượt lên để trở nên giàu có hơn. Đây chính là khi nước này rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Brazil và Malaysia có GDP đầu người ở mức 10.000 USD và đều cận kề bẫy thu nhập trung bình. Hàn Quốc và Đài Loan là hai trường hợp hiếm không phải là nạn nhân của bẫy này nhưng lại sắp sửa sập “bẫy thu nhập cao”.
Chi phí lao động tăng cao
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP đầu người danh nghĩa của Hàn Quốc vượt ngưỡng 10.000 USD năm 1994, còn Đài Loan vượt mức này năm 1992. Số liệu sơ bộ năm 2016 cho thấy GDP đầu người của Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt là 27.630 USD và 22.040 USD. Trong khi đó, con số này của Nhật Bản là 37.300 USD.
Theo Nikkei, vượt qua mức trung bình, cả hai nền kinh tế này đều đang cận kề “bẫy thu nhập cao”.
Thông thường, thu nhập tăng khiến người dân bắt đầu học lên cao hơn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông của Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt là 70% và trên 90%, trong khi tỷ lệ này ở Nhật chỉ là 50%.
Vấn đề là, sau khi tốt nghiệp đại học, họ bắt đầu tìm kiếm những công việc có mức lương tương xứng với trình độ học vấn của mình. Khi đó, chi phí lao động trong nước đắt đỏ khiến các công ty bắt đầu chuyển hướng sản xuất ra nước ngoài, đồng nghĩa lượng việc làm trong nước giảm đi.
Nỗi lo ổn định việc làm là vấn đề phổ biến của giới trẻ tại các nền kinh tế thu nhập cao, và Hàn Quốc, Đài Loan không phải ngoại lệ.
Không chỉ vậy, khi mức thu nhập tăng, các nền kinh tế này cũng phải chịu tình trạng già hóa dân số. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc (số con trung bình của một phụ nữ) là 1,17, còn của Đài Loan là 1,12. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với tình trạng già hóa dân số, là 1,46.
Năm 2016, dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) của Đài Loan có xu hướng giảm. Hàn Quốc cũng được dự báo có xu hướng này trong năm 2017. Lực lượng lao động thu hẹp cũng đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Kinh tế tăng trưởng chậm
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là 2,8% và Đài Loan là 1,5%. Theo dự báo của Nikkei, tăng trưởng của cả hai nền kinh tế này sẽ chỉ duy trì trên 2%.
Kinh tế trì trệ gây ra bất ổn chính trị, xã hội. Để xoa dịu dân chúng, giới chính trị gia có xu hướng vận dụng các chính sách dân túy, tăng trợ cấp thất nghiệp, nâng cao chế độ chăm sóc y tế cho người già.
Tất cả những điều này dẫn đến nguy cơ thâm hụt ngân sách, lãi suất dài hạn tăng. Lãi suất và thuế cao khiến doanh nghiệp đầu tư ít đi, vô hình chung các biện pháp trên càng làm kinh tế trì trệ thêm. Cái vòng luẩn quẩn này từng là vấn đề Mỹ và các nước châu Âu gặp phải.
Theo Nikkei, hiện tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-29 của Hàn Quốc lên tới 12,3%. Sự phẫn nộ, tiêu cực trong giới trẻ khiến họ sục sôi đòi phế truất cựu tổng thống Park trước loạt bê bối gần đây. Đó chính là lý do nước này cần coi tạo việc làm cho giới trẻ là mục tiêu hàng đầu nhằm xoa dịu làn sóng tiêu cực và ổn định chính trị trong nước, dù người nắm quyền mới là ai.
Đài Loan cũng từng trải qua giai đoạn tương tự. Tháng 3/2014, sinh viên Đài Loan biểu tình đã chiếm tòa nhà Quốc hội, gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu dừng hiệp định thương mại gây tranh cãi với Trung Quốc. Căng thẳng này mở màn cho một loạt sự kiện mà kết thúc là việc bà Thái Anh Văn được bầu làm tân lãnh đạo của Đài Loan năm 2016.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của Đài Loan cũng đang ở mức cao, trong đó thất nghiệp ở độ tuổi 20 - 24 là 12,57%.
Đang rơi vào cái “bẫy thu nhập cao”, để duy trì tăng trưởng, các nền kinh tế thường chọn cách nhanh gọn là thu hút lao động giá rẻ từ nước ngoài. Tuy nhiên, lực lượng lao động giá rẻ này tăng chóng mặt khiến công dân trong nước bắt đầu coi đây là mối đe dọa cho việc làm của họ.
Theo Nikkei, cả Hàn Quốc và Đài Loan nên cẩn trọng với chính sách lao động nước ngoài của mình. Nikkei nhận định con đường đảm bảo nhất là tăng trưởng sản xuất bằng công nghệ tiên tiến.
VnEconomy