MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi sợ khiến 70% du khách không quay lại và chuyện làm du lịch không cần "com lê, cà vạt" của Phó Thủ tướng

Trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra 7 nỗi sợ của du khách quốc tế tới Việt Nam khiến cho 70% một đi không trở lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại cho rằng cần phải xắn tay vào làm ngay chứ không cần "com lê" hay "cà vạt" khi làm du lịch.

Chỉ ra nguy cơ tụt hậu của ngành du lịch đang rất lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng du lịch Việt Nam dù phát triển nhanh nhưng tình trạng 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại đang đặt ra nhiều suy nghĩ.

Phó Thủ tướng cũng gọi tên 7 nỗi sợ của du khách khi tới Việt Nam, đó là: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.

Ba điểm yếu cốt tử: Thừa tiềm năng, thiếu khả năng, dịch vụ và sản phẩm đặc trưng

“Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.

Do đó, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng nhất là phải thay đổi lại tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.

Đồng thời cần coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông và lưu trú, tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải.

“Cần có quan điểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nhưng không nhất thiết tỉnh nào cũng coi du lịch là mũi nhọn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì cho rằng từng bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, điểm đến cần làm du lịch với tinh thần “không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm”.

Đối với những kiến nghị, Chính phủ sẽ có chỉ đạo ngay để tháo gỡ khó khăn từng việc cụ thể, thúc đẩy du lịch phát triển. Đơn cử như vấn đề visa điện tử, Thủ tướng đã quyết định giao Bộ Công an triển khai để đầu năm 2017 có thể thực hiện trước hết là ở các thị trường trọng điểm.

Phát triển du lịch: Chuyện không chỉ của nhà nước, du lịch phải có tính cộng đồng

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh cần phải xây dựng môi trường và quản lý môi trường văn minh, văn hóa để phát triển du lịch.

“Thế giới có 3 chỉ số đo mức độ văn minh xã hội dễ thấy nhất là trật tự an toàn xã hội, điển hình là trật tự giao thông; thứ hai là giá cả ở chợ, nếu ở đâu đều niêm yết giá, không phải mặc cả, chứng tỏ nơi đó đạo đức kinh doanh trung thực được tôn vinh; thứ ba là vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Phó Thủ tướng nói.

Theo đó, phát triển du lịch không phải chỉ là việc của Nhà nước, mà từ mô hình của Hội An (Quảng Nam), người dân tham gia làm du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cộng đồng cần tham gia phát triển du lịch. Vận động người dân làm du lịch không chỉ để phát triển ngành này mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cơ quan quản lý ngành du lịch không sở hữu các dịch vụ du lịch, không làm thay vai trò doanh nghiệp, cộng đồng. Theo đó, cơ quan nhà nước sẽ tập trung làm chính sách về phát triển hạ tầng, bảo đảm môi trường du lịch, các chính sách về tài chính, thuế, giá, phí visa…

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải nhận thức ngành du lịch là ngành kinh tế có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp, liên kết vùng, liên kết ngành rõ nét. Vì vậy, phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên