Nỗi sợ khiến hàng triệu người Nhật Bản trên 35 tuổi vẫn ăn bám cha mẹ
Lo sợ phải bước ra xã hội và xây dựng sự nghiệp, nhiều người Nhật Bản chọn cách sống cùng với cha mẹ - những người đã ở tuổi xứng đáng được về hưu và nghỉ ngơi.
Xã hội đang già hóa nghiêm trọng ở Nhật Bản cùng với sự suy giảm đáng kể trong tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến số lượng lớn người thành niên không chịu rời nhà để xây dựng cuộc sống riêng mà tiếp tục phụ thuộc vào cha mẹ. Nhiều trường hợp, những người lao động lớn tuổi vẫn tiếp tục phải làm việc bởi những đứa con tuổi 40 đang sống dựa vào mình. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với thực trạng tương tự.
Ở Hàn Quốc, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao được coi là vấn nạn. Trong khi đó, tình hình có chút sáng sủa hơn ở Nhật Bản. Tuy nhiên, phần lớn công việc cho thanh niên là bán thời gian và thời vụ, đi kèm với mức lương thấp, kém ổn định và không nhiều chế độ phúc lợi. Ở cả hai quốc gia Đông Á này, sinh viên ra trường khó có thể kiếm được công việc văn phòng hoặc làm trong các nhà máy như cha mẹ họ đang làm.
Chỉ tính riêng ở Nhật Bản, có hơn 3 triệu người độc thân trong độ tuổi từ 35 tới 44 đang sống cùng cha mẹ. Khoảng 620.000 người trong số đó thất nghiệp, ngừng tìm kiếm việc làm. “Trong nhiều trường hợp, họ từ bỏ việc lập nghiệp sau vài năm thất bại. Họ quyết định trở về nhà và sống dựa vào thu nhập của cha mẹ”, nhà nghiên cứu Fumihiko Nishi cho biết.
Trong khi đó, một trong 2 người ở độ tuổi từ 20 tới 34 chưa thành thân và sống chung với cha mẹ, tương đương khoảng 10 triệu người. Ở Hàn Quốc, tình hình cũng tương tự với số gia đình có con trên 25 tuổi chưa thành thân tăng lên 26% năm 2010 so với 9% năm 1985. Mỗi gia đình phải chi tới 630 USD/tháng để chu cấp cho những “đứa trẻ thành niên”.
Việc con trẻ phụ thuộc vào cha mẹ gây ra một vòng luẩn quẩn trong cả xã hội Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi người lớn tuổi phải nai lưng làm việc, thanh thiếu niên lại mắc kẹt trong tình trạng không có việc làm. Nó kéo tụt sự phát triển của những quốc gia vốn đang đau đầu với tình trạng già hóa dân số.