MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi sợ phi lý khiến nửa triệu thanh niên Nhật Bản mắc kẹt trong phòng ngủ

28-11-2016 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Sự lo lắng thái quá về bất cứ điều gì khác biệt khiến nhiều thanh niên Nhật Bản mắc hội chứng "hikikomori", thuật ngữ chỉ 500.000 bạn trẻ không dám ra khỏi phòng và tránh tiếp xúc với những người xa lạ.

Những đứa trẻ sợ hãi mọi thứ

Nagisa Hirai là một đứa trẻ hiếu động, thích chơi đá bóng với các bạn trai. Tuy nhiên, sự hồn nhiên của cô gái nhỏ tiêu tan trong ngày đầu tới trường khi cô cảm thấy hoảng sợ tới tột độ vì không thể tìm thấy lớp học. Hirai thường xuyên tỏ ra lo lắng thái quá với bất cứ điều gì xa lạ, trong đó có việc để quên dụng cụ học tập ở nhà. Những nỗi sợ hãi khiến cô bé không chịu tới trường hay bắt cha mẹ phải đi học cùng.

Ở tuổi 30, Hirai cho biết tình trạng của cô đang khá hơn. Tuy nhiên, vẫn có những ngày, Hirai không thể kéo mình khỏi chiếc giường ngủ để tới làm công việc bán thời gian tại một trường đại học gần đó. Điều đáng nói, những trường hợp như Hirai hoàn toàn không hiếm trong xã hội Nhật Bản, với khoảng nửa triệu người.


Những người mắc hikikomori ở lỳ trong phòng và ngại tiếp xúc với người lạ.

Những người mắc hikikomori ở lỳ trong phòng và ngại tiếp xúc với người lạ.

Trong trường hợp của Hirai, cô vừa sợ hãi người lạ nhưng cũng tràn đầy mặc cảm vì không thể đến trường. Cô trở nên biếng ăn trong một thời gian dài, khiến phân nửa quãng thời gian học trung học của Hirai được dùng để tìm kiếm giải pháp cải thiện cân nặng. Cô bé chỉ còn khoảng 30 kg.

“Tôi có thể ức chế cảm xúc bằng việc kiềm chế sự thèm ăn”, Hirai cho biết biện pháp cô sử dụng để có thể đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, Hirai không thể đến lớp và bỏ học khi các bạn cùng trang lứa tốt nghiệp.

Khi cảm giác tuyệt vọng, Hirai nhận được sự hỗ trợ của Đại học Shure với việc cung cấp miễn phí không gian sinh hoạt cho những người như cô và tạo điều kiện để họ hoàn thành chương trình phổ thông. Dẫu vậy, tình trạng bệnh tình của Hirai chỉ thuyên giảm chứ không khỏi hoàn toàn. Cô vẫn sống một mình và có chút sợ gặp người lạ.

“Tôi sợ bản thân mình bị tách khỏi xã hội một lần nữa. Bố mẹ tôi đã thực sự có tuổi trong khi tôi chỉ có tấm bằng tốt nghiệp trung học. Tôi luôn lo lắng làm sao để sống nốt cuộc đời mình”, Hirai chia sẻ những lo lắng về tương lai.

Nhận thức tiêu cực

Kageki Asakura, thành viên Đại học Shure, cho rằng thiếu tự tin là một trong những lý do tại sao nhiều người mắc hội chúng hikikomori. Việc nhận thức tiêu cực về xã hội bên ngoài làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.


Nagisa Hirai đang nỗ lực vượt qua chính mình và bắt đầu đi làm bán thời gian cho một trường đại học.

Nagisa Hirai đang nỗ lực vượt qua chính mình và bắt đầu đi làm bán thời gian cho một trường đại học.

Trong một cuộc khảo sát được công bố năm 2014, với những người trẻ tuổi ở 7 nước phát triển, thanh niên Nhật Bản xếp ở mức độ thấp nhất về sự hài lòng với bản thân. Chỉ có 7,5% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy bằng lòng với chính bản thân mình. Đây được cho là nguyên nhân chính của hikikomori ở Nhật Bản.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, có 541.000 người trong độ tuổi từ 15 tới 39 mắc hikikomori, tương đương 1,6% dân số. Chính phủ Nhật Bản xác định những người mắc hikikomori thông qua việc ở lỳ trong nhà từ 6 tháng trở lên. Thống kê cũng cho thấy, số người mắc hikikomori đang ngày càng già hơn.

Giải pháp cho nền kinh tế

Những người mắc hikikomori là gánh nặng cho nền kinh tế Nhật Bản. Khi cha mẹ họ già và mất đi, những người này còn lâm vào tình cảnh bi đát hơn. Chính vì vậy, chính phủ Nhật Bản đang tiến hành chương trình hỗ trợ tài chính và tư vấn nhằm đưa những người mắc hikikomori trở thành lực lượng lao động. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ thúc đẩy sản lượng kinh tế và làm giảm các chi phí cho phúc lợi xã hội.

Eriko Ito, chuyên gia tư vấn tại Viện Nghiên cứu Nomura ở Tokyo cho rằng: “Mọi người cần thay đổi suy nghĩ về việc hỗ trợ những người mắc hikikomori. Chúng ta cần đưa cho họ chiếc cần câu chứ không phải con cá”.

"Hikikomori" đã không còn là vấn đề mới của xã hội Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe đang lên kế hoạch vận động những người mắc hội chứng "hikikomori" ra làm việc nhằm tăng cường cho lực lượng lao động đang ngày càng lão hóa của đất nước mặt trời mọc. Ông Abe cũng khẳng định giảm tỷ lệ giảm dân số, vốn đang là vấn nạn của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Dù là quốc gia phát triển nhưng Nhật Bản vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác của "hikikomori". Theo các chuyên gia, triệu chứng này có thể xuất phát từ các yếu tố như bắt nạt tại trường học hay nơi làm việc hay những áp lực từ cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình trước các vấn đề liên quan tới sự nghiệp hoặc thành tích cá nhân. Tuy nhiên, Nhật Bản đang làm nhiều việc để tận dụng nguồn nhân lực này, giúp họ trở nên có ích hơn cho xã hội và có thể tự nuôi sống bản thân mình.

Linh Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên