NOKIA - Huyền thoại một thời đang ở đâu? (Kỳ 1)
Có thể thế giới chỉ nhớ tới NOKIA như một gã khổng lồ điện thoại bị thất thế, nhưng tại chính quê hương của mình NOKIA vẫn là linh hồn quốc túy của Phần Lan.
- 06-03-2017Nokia và BlackBerry: “Ông hoàng” trở lại hay chỉ là “ăn mày dĩ vãng”
- 11-12-2016Câu chuyện tạo nên lịch sử chỉ có Nokia mới làm được
- 15-05-2016Microsoft đóng cửa mảng điện thoại phổ thông, bán tên Nokia cho Foxconn?
- 05-05-2016Cựu vương Nokia: từ buôn giấy vệ sinh, lốp xe đến đỉnh cao điện thoại và bây giờ là gì đây?
Sau khi smartphone nổi dậy với sự lên ngôi của Apple và Samsung, thế giới chỉ nhớ tới Nokia như một gã khổng lồ điện thoại di động thất thế, nhưng 14 năm qua, tại chính quê hương Phần Lan, Nokia vẫn luôn là một cỗ máy chính của nền kinh tế.
Năm 2012, Nokia lỗ 4 tỷ USD và 1 năm sau thì ký vào thỏa thuận bán lại mảng kinh doanh điện thoại bao gồm 32.000 nhân công cho tập đoàn Microsoft.
Mặc dù quy mô nhỏ hơn, Nokia vẫn là một công ty lớn với doanh thu ròng trong năm ngoái là 26,1 tỷ USD và rất khác biệt. Sản phẩm của Nokia không còn là những chiếc điện thoại bền, đơn giản, chắc chắn. Nói cách khác, nó không sản xuất ra những thứ mà người tiêu dùng có thể mua. Người ta chỉ có thể tìm thấy logo quen thuộc của Nokia trên các bộ xử lý mạng, bộ định tuyến, các đơn vị truy cập trạm gốc vô tuyến và các thành phần khác của cơ sở hạ tầng vô hình hỗ trợ mạng internet di động.
Hai năm tới sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng của Nokia cũng như hai đối thủ là Ericson (Thụy Điển) và Huawei (Trung Quốc), khi mà ngành mạng internet di động đưa ra thế hệ tiếp theo của mạng không dây: 5G. Nó hứa hẹn sẽ mang đến dữ liệu nhanh và phong phú hơn được ứng dụng trong những thiết bị di động như xe ô tô không người lái, bác sĩ từ xa hoặc những thay đổi khác mà chúng ta chưa thể hình dung.
"Tôi muốn trở thành một cầu nối giúp các doanh nghiệp lớn số hóa", CEO Nokia Rajeev Suri chia sẻ. Kể từ khi rời khỏi mảng kinh doanh điện thoại, 5G là cửa cược lớn nhất của Nokia. Nếu thất bại, nó sẽ phải tự khai sinh một lần nữa và khi đó, mọi chuyện có thể sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nếu tính về độ tuổi, Nokia còn già hơn cả Phần Lan. Năm 1865, nhà máy bột giấy xi măng - tiền thân của Nokia bây giờ - được thành lập gần thị trấn Tampere - trước đây thuộc Đế quốc Nga. Mặc dù giành được độc lập vào năm 1917, nền kinh tế Bắc Âu sau đó vẫn tiếp tục được định hướng theo nhu cầu của Nga và Phần Lan từ một nền kinh tế nông nghiệp đã trở thành nền kinh tế công nghiệp.
Trong sự chuyển đổi đó của Phần Lan, Nokia đóng vai trò làm trung tâm. Vào đầu thế kỷ 20, công ty đã tham gia vào việc sản xuất dây điện, cáp điện thoại, lắp đặt hệ thống điện và thậm chí còn sản xuất ủng. Đến nửa sau thế kỷ 20, Nokia trở thành ông trùm tư bản trong vùng khi sản xuất tất cả mọi thứ từ TV cho đến mặt nạ khí. Đầu những năm 1960, công ty bắt đầu sản xuất vô tuyến quân sự và vô tuyến cảnh sát. Năm 1982, Nokia cho ra đời một chiếc carphone và bước chân vào mảng kinh doanh mạng bằng một công cụ chuyển đổi kỹ thuật số cho các cuộc trao đổi điện thoại. Đến cuối những năm 1980, Nokia chính thức bắt đầu tập trung nhiều nguồn lực và tài nguyên hơn vào mảng kinh doanh điện thoại di động đang đâm chồi nảy lộc.
Có thể nói, thành công của Nokia một phần đến từ hệ thống điện thoại di động Bắc Âu (NMT). Ngày đó, chính phủ các quốc gia Bắc Âu đã hợp tác với nhau để tạo nên một nền tảng viễn thông chung cho phép người dân đi lại giữa các quốc gia mà không bị mất sóng. Đó là một hệ thống anolog, không phải digital, nhưng nó cũng giải quyết được vấn đề khi người dùng mạng di chuyển. Mọi G sau đó, kể cả 5G hiện nay đều là hậu duệ của NMT.
Motorola là hãng đầu tiên thống trị ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ này, nhưng đến năm 1999 đã bị Nokia đánh bại, một phần bởi hãng điện thoại Phần Lan đã nhanh chóng chuyển sang một hệ thống nhanh và an toàn hơn công nghệ số trong khi đối thủ người Mỹ vẫn gắn bó với analog. "Khi Nokia chuyển trọng tâm sang điện thoại di động vào đầu những năm 90, rất nhiều người cho là hoàn toàn điên rồ, bởi vì họ là một nhà sản xuất dây cáp. Và sau đó khi họ quyết định chuyển từ analog sang digital vào giữa những năm 90, nhiều người lại nói họ quá vội vàng", Tero Kuittinen - đồng sáng lập kiêm giám đốc chiến lược của công ty đầu tư ứng dụng di động Kuuhubb nói.
Vai trò của Nokia đối với nền kinh tế và linh hồn quốc gia của Phần Lan rất khó để nói quá bởi nó thực sự là như vậy. Sự trỗi dậy của Nokia đã dẫn dắt Phần Lan thoát khỏi tình trạng suy thoái trầm trọng một phần gây ra bởi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết - đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này. Năm 2000, Nokia chiếm 1/3 tổng GDP của Phần Lan. Các khoản thuế do công ty và các nhà cung cấp linh kiện địa phương thanh toán đã hỗ trợ rất nhiều cho hệ thống phúc lợi xã hội hào phúc và hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới của Phần Lan. Chỉ riêng phần đóng góp của Nokia đã chiếm gần 1/3 ngân sách nghiên cứu và phát triển của quốc gia. Trong khi vào thời điểm đó, Phần Lan là quốc gia chi tiêu GDP cho R&D nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào nào trên trái đất.
Nhưng Nokia - người đầu tiên nhìn thấy những lợi ích của mạng lưới số hóa - lại phản ứng quá chậm đối với những hứa hẹn của điện thoại thông minh. Giá thành sản xuất ra một màn hình chạm theo kiểu iPhone lúc đó quá cao khiến cho công ty đã tìm đến phiên bản rẻ hơn hoặc bỏ qua chúng hoàn toàn. Không ngờ rằng, chớp mắt thì đã thành ngàn thu. Bàn phím thô cứng và menu phức tạp của Nokia đã nhanh chóng bị màn hình cảm ứng sang trọng của iPhone và sau đó là các nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc là Samsung và LG bỏ xa.
Những rắc rối của Nokia lại trở thành vấn đề của Phần Lan. Sự suy thoái của công ty lớn nhất quốc gia này kéo theo một loạt các nhà cung cấp khác lao dốc. Tất cả đổ lên vai một nền kinh tế vốn đang phải gồng gánh chi phí nhân công cao và chi tiêu công hào phóng. Là một phần của khu vực đồng tiền chung euro, Phần Lan cũng không thể tự phá giá đồng tiền của nước mình để kích thích tiêu dùng. Đất nước chính thức rơi vào giai đoạn bế tắc ngoan cố.
Khi Siilasmaa được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Nokia vào tháng 6/2012, ông nói: "Chúng tôi đang gặp phải muôn vàn khó khăn". Siilasmaa là sáng lập viên của công ty an ninh mạng địa phương F-Secure Corp. Khi ông được chuyển tới Nokia, nhà sản xuất điện thoại này đang được liệt kê vào diện nguy hiểm. Doanh thu bán thiết bị giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4,5 tỷ USD. "Hầu hết nhân viên đều nản lòng bởi những tin tức xấu bao quanh chúng tôi. Báo chí đã suy đoán về khả năng phá sản của chúng tôi", ông Siilasmaa nói.
Cuối cùng, Nokia đã quyết định bán mảng kinh doanh điện thoại cho Microsoft để tập trung vào mảng kinh doanh có lợi nhuận hơn là bán các thiết bị cho các nhà cung cấp mạng không dây. Có thể nói, thương vụ này là một nỗi đau của Phần Lan, nhưng đó là cách nhanh nhất để đưa một công ty thoát khỏi tình trạng bi kịch.